Các quan chức và nhà nghiên cứu cho biết họ đã ‘cụt hứng’ khi biết được chi phí để tiếp cận chương trình nghiên cứu của EU, đó là một khoản phí vô cùng đắt đỏ.

Kể từ năm 2014, Horizon 2020 đã tài trợ hơn 19 triệu bảng Anh cho các dự án nghiên cứu của Đại học Brunel London. Ảnh: brunel.ac
Kể từ năm 2014, Horizon 2020 đã tài trợ hơn 19 triệu bảng Anh cho các dự án nghiên cứu của Đại học Brunel London. Ảnh: brunel.ac

Trước đó, EU đã đề xuất Anh trả một phần ngân sách nghiên cứu giai đoạn 2021-2027 cho Horizon Europe, chiếm 18% GDP nước này. Nhưng Anh cần một “mạng lưới an toàn”, dưới dạng “cơ chế điều chỉnh hạ thấp” đề bù đắp cho Chính phủ Anh nếu các nhà nghiên cứu nước này thu lợi từ Horizon Europe ít hơn so với dự kiến.

Các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại rằng nếu khoản thanh toán dựa trên GDP, với “phí hành chính và phí tham gia”, sẽ buộc chính phủ phải tìm một phương án khác thay thế. Các cuộc thảo luận đang diễn ra sôi nổi, EU đã đưa ra Kế hoạch B – trong trường hợp Anh không tham gia vào chương trình nghiên cứu khoa học của EU vào năm tới, một nguồn tin trong chính phủ cho biết.

James Wilsdon, giáo sư về chính sách nghiên cứu tại Đại học Sheffield, cho biết các nhà khoa học ở Anh đã thay đổi quan điểm của mình khi biết được thông tin này. “Không tính đến khía cạnh chính trị bên trong thỏa thuận chung EU – Anh, rõ ràng điểm mấu chốt hiện nay là chi phí. EU đang đòi hỏi ở Anh một khoản phí trị giá hàng tỷ euro – cái giá này quá đắt so với những gì mà chúng tôi có thể thu lại được”, ông nói.

Nancy Rothwell, chủ tịch Nhóm Russell của các trường đại học thiên về nghiên cứu, và là phó hiệu trưởng của Đại học Manchester, đã nói với các nghị sĩ trong một phiên điều trần vào tháng trước rằng không có khả năng Anh sẽ tham gia Horizon Europe với tư cách là thành viên toàn phần.

Chính phủ Anh cần phải dự đoán rằng các nhà nghiên cứu của họ sẽ thu về được bao nhiêu khi tham gia Horizon Europe. Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, khi nước Anh bỏ phiếu rời EU, đã ảnh hưởng đáng kể đến sự tham gia của Anh trong chương trình hiện tại - Horizon 2020. Một phân tích vào năm ngoái của Hiệp hội Hoàng gia cho thấy khoản tiền Anh góp hằng năm vào quỹ tài trợ nghiên cứu của EU đã giảm gần một phần ba kể từ năm 2015.

“Nếu khoảng cách giữa số tiền chúng tôi góp vào và số tiền chúng tôi hưởng lợi được trong suốt thời gian tham gia Horizon Europe có thể chênh nhau tới vài tỷ bảng Anh, thì việc Chính phủ Anh bắt đầu tự hỏi liệu có nên dành số tiền chênh lệch đó để chi tiêu cho các kế hoạch trong nước hay không là điều vô cùng dễ hiểu”, Wilson cho biết.

“Các trường đại học và phần lớn các học giả trong nước vẫn muốn Anh tham gia Horizon Europe, nhưng họ đang ngày càng nhận thức rõ hơn về cái giá phải đánh đổi, vì vậy tôi hi vọng họ sẽ thay đổi quan điểm của mình – trừ khi Anh và EU đạt được một thỏa thuận chung nào đó hợp lý hơn”, Wilson cho biết thêm.

Trong tuần này, các nhà đàm phán đã ngồi lại ở Brussels (Bỉ) cho vòng đàm phán thương mại cuối cùng, nhưng khả năng cao là các cuộc đàm phán vẫn sẽ kéo dài cho đến hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 15-16 tháng 10 – thời điểm mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt làm hạn chót để đưa ra thỏa thuận chung.

Cân nhắc về lợi ích

Các nhà đàm phán Anh đang tranh cãi về một thỏa thuận tài chính cho Horizon Europe đã từng được trình bày vào năm 2018. Hệ thống này vận hành theo kiểu “trả tiền khi bạn rời khỏi” cho các nước không thuộc EU, cùng một cơ chế điều chỉnh để hoàn lại khoản tiền mà các nhà nghiên cứu của một quốc gia không thể thu lại.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán của EU – những người chịu trách nhiệm đảm bảo một thỏa thuận thương mại tự do với Anh – đã khẳng định rằng các khoản thanh toán trong tương lai cho Horizon Europe sẽ dựa trên quy mô GDP của Anh.

Martin Smith, nhà quản lý chính sách thuộc tổ chức tài trợ nghiên cứu y sinh học Wellcome Trust đưa ra đề xuất về một mạng lưới an toàn nhằm đảm bảo quyền lợi cho các quốc gia không thuộc EU trước những tổn thất. “Hệ thống thu tiền theo kiểu một chiều này tự nó đã đủ để khiến Chính phủ Anh không muốn tham gia Horizon Europe. Điều này chẳng khác gì việc yêu cầu một nền kinh tế lớn đánh cược vào tỷ lệ thành công của họ trong chương trình.” Smith cho biết.

Tuy nhiên, đây lại là cách các chương trình nghiên cứu của EU hiện đang hoạt động – chẳng hạn như việc không có hệ thống nào đảm bảo Ba Lan hoặc Romania có thể nhận lại chính xác số tiền mà họ đã góp vào các chương trình nghiên cứu của EU. Đối với một số quốc gia thành viên, họ không thu lời gì từ việc đóng góp cho các nghiên cứu của EU, nếu không muốn nói là lỗ.


Chính phủ Anh đã tuyên bố, trong trường hợp không tham gia Horizon Europe, sẽ tăng mức chi tiêu cho nghiên cứu lên 2,4% GDP, đưa Anh lên vị trí hàng top trong số các nước phát triển về khoản ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Ở Anh, nhiều nhà nghiên cứu vẫn bày tỏ mong muốn tham gia vào Horizon Europe. Tuy vậy, họ cũng dần hiểu ra rằng cái giá phải trả là quá đắt, Nick Hillman Viện trưởng Viện Chính sách Giáo dục Đại học, cho biết.

“Nói cách khác, họ cũng không khát khao đến mức phải tham gia bằng bất kỳ giá nào. Ngay cả những người tích cực ủng hộ việc tham gia nhất cũng nhận ra rằng, trong một số trường hợp, việc tiếp tục tham gia sẽ khó mang lại hiệu quả tích cực. Tương tự như những vấn đề khác trong mối quan hệ giữa Anh và EU, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ”, Hillman cho biết.

Trong trường hợp không tham gia Horizon Europe, Chính phủ Anh đã hứa hẹn sẽ có một loạt các chương trình tài trợ thay thế, bao gồm “Quỹ Khám phá”, cung cấp các khoản tài trợ trong thời gian dài cho các nhà nghiên cứu.

Một số nhà phân tích thì cho rằng Anh và EU vẫn có thể đạt được một thỏa thuận công bằng. Thomas Jørgensen, điều phối viên chính sách cấp cao tại Hiệp hội Đại học Châu Âu, cho rằng lĩnh vực nghiên cứu là một trong những yếu tố ít gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán Brexit.

Nhà nghiên cứu đang đi trên dây

Theo Smith, lợi tức thu được từ các chương trình nghiên cứu của EU không chỉ nằm ở tiền bạc. “Đó còn là mạng lưới. Là sự hợp tác. Là cơ hội nghiên cứu”, ông nói.

Bất kỳ thỏa thuận nào với EU cũng phải mang lại “giá trị về tiền bạc cho Anh”, Daniel Rathbone, trợ lý giám đốc thuộc nhóm Vận động vì Khoa học và Kỹ thuật cho biết. “Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh lợi ích về tài chính, cần tính đến cả những giá trị vô hình mà việc hợp tác nghiên cứu có thể mang lại”.

Tuy vậy, lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở Anh vốn đang phải hứng chịu những bất ổn xung quanh Brexit.

Ornella Corazza, giáo sư thuộc Đại học Hertfordshire cho biết: “Ngày càng khó để tiếp cận các quỹ của EU, công việc nghiên cứu của tôi phụ thuộc rất nhiều vào khoản tài trợ này”.

Brexit đã khiến các nhà nghiên cứu rời khỏi Anh. Nhà sinh hóa học Mark van der Giezen là một trong những người không quan tâm đến việc liệu EU và Anh có đàm phán thành công hay không. Ông đã chuyển phòng thí nghiệm của mình từ Đại học Exeter sang Đại học Stavanger vào năm ngoái.

“Tôi đã sống gần 22 năm ở Anh, các con tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đó. Tôi cảm thấy khá buồn khi chứng kiến tình hình đất nước. Đối với tôi, kết quả Brexit vẫn đang kìm hãm sự phát triển của nước Anh”, ông chia sẻ.