Đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu là hai trong số các vấn đề mà Biden sẽ ảnh hưởng nếu ông thắng cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày bầu cử ở Hoa Kỳ, và các nhà khoa học đang theo dõi sát sao kết quả của cuộc đua tổng thống. Cách tổng thống Donald Trump xử lý đại dịch COVID-19 và hành động trong các vấn đề liên quan đến khí hậu khiến nhiều nhà khoa học lo ngại. "Chúng tôi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc gia chưa từng có", theo tuyên bố vẫn đang tiếp tục lấy chữ ký do các nhà khoa học Mỹ soạn thảo để phản ứng sự lãnh đạo của ông Trump.

Các cuộc thăm dò ban đầu cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và đối tác liên danh tranh cử, thượng nghị sĩ Kamala Harris, đang dẫn trước so với Trump và phó tổng thống Mike Pence. Nhưng nếu chiến thắng, nhiệm kỳ của Biden, vị thượng nghị sĩ sáu nhiệm kỳ của bang Delaware, phó tổng thống dưới thời tổng thống Barack Obama, sẽ có ý nghĩa thế nào với khoa học?

Nature đã phỏng vấn các cố vấn hiện tại của Biden, các cố vấn từng phục vụ trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama và các nhà phân tích chính sách về những hành động mà Biden có thể sẽ thực hiện trong các lĩnh vực khoa học quan trọng nếu ông đắc cử.

Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ cho chức tổng thống Mỹ.

Chống dịch

Nếu Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11, ông sẽ nắm quyền một đất nước đang bị đại dịch hoành hành trong khi người dân bị chia rẽ sâu sắc về mức độ thực sự của đại dịch và các biện pháp cần thực hiện. Bất chấp việc các cơ quan y tế công cộng thống kê hơn 200.000 ca tử vong do COVID-19, một số người ủng hộ Trump cho rằng tác động của virus đã bị phóng đại nhằm kiểm soát dân chúng.

Phản ứng của Mỹ với đại dịch cũng liên tục thay đổi từ những ngày đầu, dẫn đến xét nghiệm không hiệu quả, thiếu khả năng truy vết, nhầm lẫn và tranh luận về việc đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập, và cuối cùng dẫn đến số người chết cao nhất trên thế giới.

Các nguồn tin thân cận với chiến dịch tranh cử của Biden cho biết, các kế hoạch chống dịch của Biden - mà nhóm đã chuẩn bị từ tháng 3 - hứa hẹn sẽ đẩy mạnh các chương trình xét nghiệm và truy vết; giải quyết sự bất bình về nguy cơ lây nhiễm giữa các chủng tộc trong đại dịch; và xây dựng lại các chương trình chống dịch đã bị chính quyền Trump cắt giảm.

Biden đã cam kết nếu đắc cử sẽ hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) các khoản tiền cần thiết để giúp WHO chống COVID-19, bại liệt và các bệnh khác trên toàn cầu. Việc khôi phục các cam kết của Mỹ với WHO cũng sẽ mở đường cho việc tham gia sáng kiến COVAX của WHO nhằm đẩy nhanh việc tìm kiếm, sản xuất và phân bố công bằng vắc xin SARS-CoV-2.

Sáng kiến vắc xin của Trump - Chiến dịch Warp Speed - đã bao gồm tiền để sản xuất vắc xin, nhưng giới chuyên gia cho rằng nguồn vắc xin sẽ không được đảm bảo nếu Mỹ không có các đối tác quốc tế, bao gồm COVAX.

Về lâu dài, các nhà nghiên cứu hy vọng chính quyền Biden sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng y tế công cộng để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Xét nghiệm không hiệu quả, thiếu khả năng truy vết kéo theo nhiều hệ quả đại dịch COVID-19 ở Mỹ.


Biến đổi khí hậu

Đại dịch COVID-19 không phải là vấn đề duy nhất đang gây chia rẽ nước Mỹ mà Biden sẽ phải đối mặt. Nếu được bầu, ông còn phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu. Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 và rút lại một loạt các quy định nhằm giảm phát thải khí nhà kính [Ngày 19/6/2019, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) công bố quy tắc cho phép các bang thiết lập các mục tiêu giảm phát thải của riêng họ. Trước đó, Kế hoạch Điện sạch của Obama, được giới thiệu vào năm 2015, đặt ra các mục tiêu cho từng bang và yêu cầu họ làm việc với các công ty năng lượng để cùng nhau giảm lượng khí thải xuống thấp hơn 32% so với mức khí thải năm 2005 vào năm 2030]. Trump cũng gọi sự nóng lên toàn cầu là một trò lừa bịp.

Ngược lại, Biden hiện đang vận động tranh cử dựa trên các quan điểm rất tích cực về vấn đề khí hậu. Kế hoạch trị giá 2 nghìn tỷ USD của Biden kêu gọi các khoản đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng các-bon thấp, chẳng hạn như phương tiện công cộng và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Nó cũng kêu gọi Mỹ tạo ra 100% điện sạch vào năm 2035 và sản xuất "không phát thải ròng" vào năm 2050. Câu hỏi mà Biden phải đối mặt, nếu giành chiến thắng vào tháng 11, là làm thế nào để biến điều đó thành hiện thực.

Biden cho biết ông sẽ đưa Mỹ tham gia lại Hiệp định khí hậu Paris, biến nước này trở thành đối tác tích cực của hơn 190 quốc gia đã cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5–2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Biden cũng từng cho biết sẽ bổ nhiệm lãnh đạo thân thiện với khí hậu tại EPA và nhanh chóng tiến hành khôi phục - hoặc thậm chí củng cố - các quy định về khí hậu và môi trường đã bị bỏ qua dưới thời Trump trong bốn năm qua.

Các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên

Ngoài việc giải quyết đại dịch và biến đổi khí hậu, Biden sẽ có cơ hội phát triển các ưu tiên khoa học khác cho chính quyền của mình. Quá trình này thường bao gồm việc chỉ định các chuyên gia cố vấn điều phối chính sách khoa học và thiết lập các trọng tâm nghiên cứu cho Nhà Trắng. (Tuy nhiên công việc phân bổ tài trợ khoa học là của Quốc hội.)

Những cố vấn này sẽ rất quan trọng vì mặc dù Biden và Harris thường ủng hộ khoa học và đề cao vai trò của nó trong việc xây dựng chính sách công, nhưng cả hai đều không làm việc nhiều về các vấn đề khoa học. Khi phục vụ tại Thượng viện, Biden tập trung nhiều hơn vào các vấn đề đối ngoại và tư pháp, còn Harris có kiến thức về tư pháp hình sự.

Cố vấn của Trump, nhà khí tượng học Kelvin Droegemeier, và chính quyền Trump đã tập trung vào các sáng kiến trong trí tuệ nhân tạo và khoa học lượng tử - những lĩnh vực được coi là cần thiết để giữ vị thế cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Nếu Biden đắc cử tổng thống, những lĩnh vực đó có thể sẽ tiếp tục được chú trọng - một phần vì đây là các vấn đề Quốc hội cũng quan tâm.

Trump xem một tàu không gian nằm trong chương trình Artemis của NASA, nhằm mục đích đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2024.

Các trọng tâm tiềm năng khác có thể bao gồm công nghệ sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Cho đến nay, mối quan tâm nghiên cứu rõ ràng nhất của Biden là về khoa học ung thư, đặc biệt sau cái chết của người con trai 46 tuổi của ông vào năm 2015 vì ung thư não. Với tư cách là phó tổng thống, Biden đã đứng đầu một sáng kiến 'phát hiện ung thư' của chính phủ được khởi động vào năm 2016, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama, nhằm đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu chống ung thư bằng cách phối hợp với các công ty và nhà nghiên cứu để chia sẻ dữ liệu và kết quả. Biden đã tạm dừng hoạt động của sáng kiến này hồi năm ngoái, sau khi quyết định tranh cử tổng thống.

Shyamala Gopalan, người có ảnh hưởng lớn đối với ứng cử viên phó tổng thống, cũng là nhà nghiên cứu ung thư vú hàng đầu, đã chết vì ung thư. Trải nghiệm cá nhân của Biden và Harris với những bệnh nhân ung thư có thể khiến cho ung thư cũng như nghiên cứu y học trở thành mối quan tâm của chính quyền,

Nhưng ngoài nghiên cứu y học, các ưu tiên khoa học khác của Biden vẫn còn là một bí ẩn. Mặc dù đã có gần 5 thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực công, nhưng khi nói đến chính sách nghiên cứu, “về cơ bản Biden vẫn là một trang giấy trắng”, Michael Lubell, nhà vật lý và chuyên gia chính sách khoa học tại City College, New York, cho biết. “Biden chắc chắn không phản khoa học, nhưng nó không phải là một ưu tiên."

Hợp tác nghiên cứu quốc tế

Nhiều nhà khoa học cảm thấy rằng lập trường của Trump đã làm xói mòn vị thế của Hoa Kỳ với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu trong các chương trình hợp tác khoa học lớn, và làm mất sức hấp dẫn của nước này như một điểm đến của các sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài.

Trước cuộc bầu cử năm 2016, chiến dịch vận động tranh cử của Trump với những lời hứa sinh động về việc xây dựng một bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico, đã khiến các nhà khoa học nước ngoài kinh ngạc. Và vài tuần sau lễ nhậm chức tổng thống, một lệnh hành pháp 'cấm đi lại' nhắm vào 7 quốc gia Hồi giáo đã khiến sinh viên quốc tế bị mắc kẹt tại các sân bay, gây ra các cuộc biểu tình trong cộng đồng nghiên cứu.

Biden đã cam kết đảo ngược lệnh cấm đi lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học và kỹ sư nước ngoài tốt nghiệp tiến sĩ ở lại Mỹ lâu dài. Ông cũng đã đề xuất tăng số lượng thị thực dành cho lao động tay nghề cao. Ngược lại, mới nhất, vào tháng 6 vừa qua, Trump đã thông báo sẽ tạm dừng cấp thị thực H-1B (cho phép doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh người nước ngoài làm công việc chuyên môn đến Mỹ) đến cuối năm nay, với lý do để duy trì việc làm của công dân Mỹ trong một nền kinh tế đang bị đe dọa bởi đại dịch.

Viện dẫn mối đe dọa về sự can thiệp của nước ngoài vào nghiên cứu của Mỹ, chính quyền của Trump cũng đã tăng cường giám sát các nhà khoa học từ Trung Quốc và các nhà khoa học Mỹ nhận tài trợ nước ngoài. FBI đã tìm cách truy tìm, và trong một số trường hợp, bắt giữ các nhà nghiên cứu mà họ cho rằng đó là những điệp viên được cử đến để ăn cắp chuyên môn khoa học và tài sản trí tuệ cho chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 5, Mỹ đã thực hiện một bước mới: hạn chế các nhà nghiên cứu vào nước nếu họ đến từ các trường đại học liên kết với quân đội Trung Quốc.

Trong khi đó, Biden cam kết cạnh tranh với Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ mới nổi quan trọng. Việc theo dõi sự can thiệp của Trung Quốc vào các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Mỹ đã được bắt đầu từ khi Biden còn là phó tổng thống, trong nhiệm kỳ thứ hai của Obama. Bất kể kết quả vào tháng 11 như thế nào, vấn đề này sẽ ngày càng được quan tâm, theo Kei Koizumi, cựu cố vấn Chính sách Khoa học và Công nghệ của Văn phòng Nhà Trắng dưới thời chính quyền Obama. Và sẽ là một thách thức đối với chính quyền Biden hoặc Trump trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ, trong khi không xa lánh các nhà khoa học Trung Quốc. "Phải cân bằng giữa tính cởi mở và tính bảo mật," Koizumi nói.

Nguồn: