Việt Nam đang được các nhà đầu tư công nghệ quan tâm hơn cả các nước trong khu vực như Indonesia, Singapore và Thái Lan - theo báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Cento Ventures mới công bố.

Việt Nam đang phát triển nền kinh tế Internet năng động | Ảnh: Quang Định/DAQ
Việt Nam đang phát triển nền kinh tế Internet năng động | Ảnh: Quang Định/DAQ

Covid-19 làm thay đổi hành vi tiêu dùng nhanh hơn

Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động kinh tế-xã hội là rất rõ ràng. Đơn cử, trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã giảm xuống còn 1,8% so với mức 6,7% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong khi Covid-19 là thảm họa đối với một số lĩnh vực kinh tế xuyên biên giới (du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu…), nó cũng phần nào ủng hộ cho sự phát triển của các nền tảng số trong kinh tế nội địa và là chất xúc tác mạnh cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Điều đáng nói là sự gia tăng đáng kể về truy cập internet và niềm tin của người tiêu dùng với các nền tảng trực tuyến. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho tiêu dùng qua Internet, với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và lực lượng dân số trẻ yêu thích công nghệ. Các số liệu về tốc độ tăng trưởng kết nối Internet của Việt Nam giai đoạn 2016-2019 đều ở mức tương đương hoặc cao hơn so với trung bình các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị nền kinh tế Internet ước tính đạt mức 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 43 tỷ USD vào năm 2025, tức gần gấp 4 lần chỉ trong vòng 6 năm.

Điều thú vị là mô hình tăng trưởng này có nét tương quan với những gì đã xảy ra ở Indonesia giai đoạn 2009-2012, khi ở đó xuất hiện một loạt startup kì lân bao gồm Tokopedia, Bukalapak, Gojek và Traveloka. Người dân Việt Nam cũng ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ Internet cho hoạt động hằng ngày, từ mua bán, gọi xe, ăn uống đến giải trí, chăm sóc sức khỏe. Cùng với Indonesia, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet, chiếm hơn 5% GDP quốc gia vào năm 2019.

Giãn cách xã hội và những gián đoạn mạnh mẽ khác trong dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng sử dụng Internet nhiều hơn và gia tăng mức độ tin tưởng vào các dịch vụ trực tuyến. Theo một số hãng tài chính lớn trong nước, số lượng thiết bị di động giao dịch ngân hàng đã tăng gấp 3-5 lần trong vòng 6 tháng qua.

Mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà đã trở thành những hoạt động quen thuộc đối với người tiêu dùng trong thời kì bình thường mới. Có ít nhất từ 38-64% người tiêu dùng cho biết họ sẽ sử dụng các nền tảng trực tuyến nhiều hơn, ngay cả sau dịch Covid-19. Người dân không chỉ xem thương mại điện tử như một nền tảng để mua các mặt hàng có giá trị lớn như đồ điện tử giảm chi phí như trước kia, mà giờ đây họ càng sử dụng để mua sắm các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, quần áo, đồ đạc… một cách thường xuyên.

Bên cạnh đó, bối cảnh Covid-19 còn cải thiện niềm tin của người tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực mới như giáo dục và chăm sóc sức khỏe trực tuyến.

Nhiều khả năng, những thay đổi hành vi như vậy sẽ trở thành một thói quen vĩnh viễn và mang lại lợi ích tăng trưởng cho nền kinh tế Internet ở Việt Nam, báo cáo nhận định. Chính nhờ vậy, số công ty công nghệ nhảy vào các mảng trực tuyến như vận tải giao hàng, thanh toán hay thương mại đã tăng lên trong bối cảnh mới. Động thái này sẽ nâng tầm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp công nghệ, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng.

Ba lĩnh vực hấp dẫn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam

Cho đến nay, năm 2019 là năm thuận lợi nhất đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm vào các tech startup, với số lượng 123 thương vụ và giá trị đạt 861 triệu USD. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đạt con số kỷ lục gần 110 tổ chức, trong đó Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản là các nguồn vốn chủ đạo.

Tỷ trọng vốn đầu tư vào các thương vụ giai đoạn sau (later-stage) trong năm 2019 tương đối lớn, với sự xuất hiện của 7 giao dịch trị giá trên 50 triệu USD, nhưng số thương vụ đầu tư vào startup giai đoạn đầu (early-stage) vẫn gia tăng mạnh mẽ với 98 thương vụ đầu tư dưới 5 triệu USD, gần gấp đôi con số trong năm 2018.

Như vậy, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến những khoản lợi ích “chắc chắn” khi rót tiền vào những công ty trưởng thành mà đã tự tin hơn với những khoản đầu tư “bất định” vào các công ty non trẻ. Điều này cũng phần nào cho thấy chất lượng các startup và dự án trong nước đã trở nên tốt hơn so với thời kì ban đầu. Báo cáo nhận xét rằng xu hướng gia tăng đầu tư vào giai đoạn đầu này dự kiến sẽ tiếp tục trong vài năm tới.

Vốn và số thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam được ghi nhận | Dữ liệu: DO Ventures và Cento Ventures
Vốn và số thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam được ghi nhận | Dữ liệu: Do Ventures và Cento Ventures

Nửa đầu năm 2020, do dịch bệnh, hoạt động đầu tư cho công ty công nghệ bị gián đoạn và chậm lại. Trong 6 tháng, số nhà đầu tư hoạt động gần như bằng với năm ngoái, và chỉ có một số ít nhà đầu tư mới tham gia thị trường do hầu hết những thương vụ đầu tư giai đoạn đầu đều được nhà đầu tư trong nước hoặc các quỹ có trụ sở tại Việt Nam chiếm lĩnh.

Bán lẻ vẫn là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút đầu tư, nhưng giai đoạn này cũng chứng kiến sự tăng trưởng tài trợ cho các ngành mới nổi như tìm kiếm việc làm (HR Tech), bất động sản, và cơ sở hạ tầng (PropTech).

6 tháng qua, nguồn vốn đầu tư cho các Tech Startup trong nước cũng giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt 222 triệu USD.

Việc giảm đầu tư tại Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á là không thể tránh được do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước vẫn đặt mối quan tâm vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Dữ liệu khảo sát với 50 quỹ đầu tư lớn trong khu vực cho thấy Việt Nam vẫn sẽ là một trong những điểm hấp dẫn về đầu tư công nghệ trong 12 tháng tới, với mức ưu tiên đầu tư cao hơn cả Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Số thương vụ dự đoán ở mức từ 117-200 giao dịch, trong đó 80% số nhà đầu tư cho biết họ dự định đầu tư 1-5 thương vụ. Ba lĩnh vực đầu tư được tập trung trong năm tới là giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính. Các nhà đầu tư cũng cho biết còn rất nhiều nguồn tiền “bột khô” chờ đợi những doanh nghiệp có thể thích ứng và đưa ra sản phẩm dịch vụ đột phá, phục vụ cho những phương thức sống mới hậu Covid-19.

Tham khảo: