Trang New York Times ngày 13/10 có đăng bài viết “Is Vietnam the Next ‘Asian Miracle’?” của tác giả Ruchir Sharma.

Trong lúc Covid-19 đang càn quét thế giới thì bằng những biện pháp phù hợp và kịp thời, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng dập các ổ dịch, đưa tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất thế giới (dưới 01 trên một triệu người). Thành công này cho phép Việt Nam sớm mở cửa và khôi phục lại các hoạt động kinh tế. Nhiều dự báo cho biết, GDP của Việt Nam trong năm 2020 có thể sẽ tăng trưởng gần 3% (nhanh nhất thế giới), cùng với thặng dư thương mại kỷ lục (12 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2020) bất chấp sự sụt giảm trên quy mô toàn cầu.

Thành tích ứng phó với Covid-19 của Việt Nam được đánh giá là tốt nhất thế giới. Ảnh: FAZ.

Thành tích ứng phó với Covid-19 của Việt Nam được đánh giá là tốt nhất thế giới. Ảnh: FAZ.

Đã lâu rồi thế giới mới lại chứng kiến một nền kinh tế đột phá theo cách như vậy, Sharma1nhận định. Sau Thế chiến II, câu chuyện “thần kỳ châu Á” đầu tiên đã được viết nên bởi Nhật Bản, để rồi Hàn Quốc, Đài Loan và mới đây là Trung Quốc tiếp bước – thoát nghèo, vươn lên giàu có nhờ mở cửa thương mại và đầu tư để trở thành các cường quốc sản xuất, xuất khẩu. Việt Nam dường như cũng đang đi trên con đường tương tự, nhưng trong một thời đại với nhiều đổi khác khi những yếu tố thuận lợi làm nên kỳ tích trên đã không còn nữa (hiện tượng bùng nổ dân số thời hậu chiến và xu thế toàn cầu hóa là động lực thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư, …) Tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại trên khắp thế giới. Ngoài ra, một số cường quốc (Mỹ, EU) ngày nay cũng sẽ khó bỏ qua những chiến lược đã giúp các nền kinh tế thần kỳ tranh thủ được lợi thế trong quá khứ. Hoa Kỳ vừa lên tiếng cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và khởi xướng một cuộc điều tra tương tự như cách mà họ đã làm để khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Trong giai đoạn phát triển bùng nổ của mình, những nền kinh tế thần kỳ châu Á đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình gần 20%/năm – gấp đôi các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tại cùng thời điểm. Việt Nam cũng làm được điều tương tự trong ba thập niên qua khi quy mô xuất khẩu đang không ngừng được mở rộng với tốc độ nhanh nhất thế giới – gấp gần ba lần mức trung bình của nhóm nền kinh tế mới nổi. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ưu tiên rất nhiều nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, bến cảng, sân bay, …) để phục vụ xuất khẩu, và trường học để đào tạo nguồn nhân lực. Chính phủ hiện đang đầu tư khoảng 8% GDP mỗi năm cho các dự án phát triển mới – cao hơn bất cứ quốc gia nào khác ở trình độ phát riển tương tự.

.

Quy mô xuất khẩu của Việt Nam đang không ngừng được mở rộng, ngay cả trong đại dịch.

Việt Nam cũng đang hút tiền từ nước ngoài theo cách hết sức ấn tượng, khi vốn FDI đăng ký đạt trung bình hơn 6% GDP trong 5 năm qua – tỷ lệ cao nhất trong số những nền kinh tế mới nổi. Phần lớn nguồn vốn này – chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc – được đổ vào để xây dựng nhà máy sản xuất chế tạo và cơ sở hạ tầng liên quan. Có thể nói, “những nền kinh tế thần kỳ cũ đang góp sức để viết tiếp câu chuyện mới” (The old miracles are helping to build the new one), tác giả chơi chữ.

Việt Nam ngày càng được lựa chọn làm điểm đến của các nhà sản xuất mong muốn tìm kiếm nguồn lao động chất lượng với mức lương rẻ hơn Trung Quốc. Mặc dù GDP đầu người đã tăng gấp 5 lần so với cuối thập niên 1980, lên gần 3.000 USD/người, nhưng chi phí lao động của Việt Nam vẫn chỉ bằng một nửa Trung Quốc. Hơn nữa, nguồn lao động được đào tạo tương đối bài bản và tay nghề cao đang giúp Việt Nam tiến rất nhanh trên nấc thang chuỗi giá trị khi tham gia sản xuất các sản phẩm ngày càng tinh vi, phức tạp. Từ năm 2015, công nghệ đã vượt qua quần áo và da giày để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn vào thặng dư thương mại kỷ lục.

.

Tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghệ vào GDP của Việt Nam đang ngày càng lớn.

Trong kỷ nguyên mà chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) đang có xu hướng thắng thế, Việt Nam chính là nhà vô địch trong việc mở cửa nền kinh tế khi đã đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những thỏa thuận hết sức sâu rộng và đột phá như EVFTA, CPTPP.

.

EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết hết sức sâu rộng và được kỳ vọng tạo ra đột phá.

Liệu Việt Nam có tiếp tục duy trì được thành quả phát triển ấn tượng ấy, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn bởi tình trạng già hóa dân số, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, bên cạnh sức ì của một bộ máy công quyền còn quá cồng kềnh và ôm đồm? , … Tác giả lạc quan rằng “CÓ THỂ” (probably). Đến nay, chính phủ Việt Nam đã không hề mắc phải loại sai lầm nghiêm trọng trong chính sách, điều thường làm cản trở, thậm chí hủy hoại tiền đồ phát triển ở các quốc gia mà nhà nước can dự sâu vào nền kinh tế. Chủ nghĩa tư bản nhà nước (state capitalism), vì thế đang tỏ ra hiệu quả đến bất ngờ tại Việt Nam, thông qua những chính sách kinh tế cởi mở và quản lý tài chính hợp lý.

Tuy nhiên, Sharma cũng đưa ra một vài cảnh báo với Việt Nam. Đó là: mặc dù nhà nước đã nhiều lần thúc đẩy cổ phần hóa để sở hữu ít doanh nghiệp hơn, nhưng đó vẫn là những thực thể rất lớn – chiếm gần 1/3 sản lượng kinh tế. Khi xảy ra biến động, khối doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh này – được ví von là “đàn khủng long của nền kinh tế vị thành niên”, cũng là chủ thể của phần lớn khối nợ xấu trong hệ thống ngân hàng – sẽ rất dễ biến thành ngòi nổ. Nên nhớ chính sự gia tăng của các khoản nợ khó đòi đã dẫn đến khủng hoảng tài chính, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn tăng trưởng “phi mã”, như kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Đó là bài học mà Việt Nam cần tránh.

Việt Nam đang từng bước thu gọn khối doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam đang từng bước thu gọn khối doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng sau tất cả thì Việt Nam hiện đang nổi lên như một ngôi sao sáng tại châu Á2, trên con đường xuất khẩu sự thịnh vượng của mình ra thế giới – Sharma kết luận.

Chú thích:

1. Trưởng chiến lược gia toàn cầu tại công ty quản lý đầu tư thuộc tập đoàn Morgan Stanley, tác giả cuốn best-seller: “The Ten Rules of Successful Nations” (10 quy tắc làm nên quốc gia thành công).

2. Tờ Jerusalem Post của Israel mới đây có đăng bài viết "Vietnam: A bright star in Asia (Việt Nam: ngôi sao sáng ở châu Á), nhân ngày Quốc khánh của Việt Nam.