Không ngạc nhiên khi việc tu bổ biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo đã bùng nổ thành một cuộc chiến truyền thông. Màu sơn - nguyên nhân chính - cũng là “thủ phạm” cho một cuộc chiến trên mạng cách đây gần một thập kỷ: Sơn lại Nhà hát lớn Hà Nội.

Kịch bản đã lặp lại: Màu nào là màu sơn đúng? Tiêu chuẩn nào để biết là “đúng”? Màu sơn này có “thẩm mỹ” không? Ai mới có quyền kết luận về sự xấu/đẹp? Việc sơn lại có phá hủy văn hóa - lịch sử của di tích không? Chính quyền nên hành động tiếp thế nào?

Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài đang trong quá trình trùng tu. Ảnh: tapchikientruc.com.vn
Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài đang trong quá trình trùng tu. Ảnh: tapchikientruc.com.vn

Cuộc “phím chiến” năm 2023 thú vị ở chỗ: vượt ra khỏi phạm vi của chính sách văn hóa và gu thẩm mỹ; hai bên chiến tuyến chỉ trích lẫn nhau về ý thức kém cỏi khi tham gia mạng xã hội.

Bên (tạm gọi là) “chuyên gia” cho rằng màu sơn hợp lý vì các chuyên gia Pháp - quốc gia có chuyên môn cao về bảo tồn và cũng khai sinh ra kiểu kiến trúc này - đã trùng tu nguyên trạng. Những ai không đồng tình với quan điểm trên là những người thiếu tôn trọng chuyên môn và không hiểu biết về chính sách văn hóa. Nặng nề hơn, họ lo sợ về làn sóng chủ nghĩa dân túy sẽ ảnh hưởng xấu đến những đợt tu bổ di sản sắp tới.

Bên còn lại (tạm gọi là nhóm “quần chúng”) viện dẫn thị hiếu của đa số cho rằng ngôi nhà đang có màu sắc sặc sỡ quá mức, khác xa với hình dung của họ về tính cổ kính cần có của một biệt thự cổ giữa lòng thủ đô.

Một số quan điểm dựa vào những người đã sống, qua lại quanh biệt thự này hàng chục năm để khẳng định sự khác lạ của màu sơn mới so với ký ức chung của cộng đồng.

Còn có ý kiến thậm chí cho rằng bên “chuyên gia” áp đặt ý chí của phương Tây (và nhóm thiểu số tinh hoa) mà tảng lờ nguyện vọng chính đáng của quần chúng: một Hà Nội kết hợp giữa nét hiện đại toàn cầu và sự hoài cổ vương màu thời gian.

Đây có phải vấn đề gói gọn trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc? Hay gói gọn trong mạng xã hội - khi hai bên đều phê phán nhau đã sử dụng các phương tiện truyền thông (bài báo, ảnh chụp,...) một chiều, thiên kiến cùng những diễn giải hẹp hòi để ăn thua đúng sai?

Câu trả lời đều là không! Đằng sau tranh cãi về lớp sơn thực chất là cuộc đối đầu của hai hệ tư tưởng: bảo tồn nguyên trạng của thiểu số tinh hoa có tư tưởng phục cổ với duy tu có cải biến theo nguyện vọng đời thường của quần chúng.

Cuộc tranh giành “giá trị” của di sản này không dừng lại ở lĩnh vực kiến trúc mà diễn ra ở tất cả các hoạt động bảo tồn di sản trong đời sống đương đại (trừ một số ít di sản buộc phải giữ nguyên trạng 100% như vết đạn ở thành cửa Bắc).

Còn về truyền thông - trái với lầm tưởng hiện tại rằng nó chỉ là “phương tiện” để các bên đưa ra quan điểm trái chiều - đã trở thành thước đo đánh giá di sản có đang thực sự là một phần của cộng đồng không, và chúng ta phải cùng nhau ứng xử với di sản chung như thế nào.

Peter Howard, trong cuốn Di sản: Quản lý, Diễn giải, Bản sắc (Heritage: Management, Interpretation, Identity), chỉ ra có 5 nhóm liên quan đến thị trường di sản: chủ sở hữu (cá nhân/tổ chức đang sở hữu di sản), chính phủ (nhóm làm chính sách và quản lý ngân sách bảo tồn), học giả (người có chuyên môn về lịch sử và bảo tồn di sản), người trong cuộc (dân địa phương sống xung quanh di sản), và người ngoài cuộc (khách du lịch và học sinh tới trải nghiệm văn hóa).

Học giả có xu hướng “đóng băng” nguyên trạng di sản (lập hàng rào ngăn người sờ đầu rùa Văn Miếu), nhóm người ngoài cuộc thường muốn tiếp cận tối đa di sản (không thu phí vào cửa ở các di sản như ở Hội An), nhóm trong cuộc luôn nghĩ di sản phải là một phần đời sống của mình (cổ vật phải thuộc về bảo tàng quốc gia, không thể bị thị trường hóa hoặc quốc tế hóa).

Nhà nước có phần coi trọng di sản như là nơi thể hiện tính ưu việt của chính sách văn hóa; trong khi đó, các chủ sở hữu lại có những động cơ vô cùng đa dạng, không hề có quy luật chung nào giữa họ.

Năm nhóm trên vừa có điểm chung vừa mâu thuẫn mạnh mẽ với nhau, cả về quan điểm lẫn lợi ích nên sự xung đột giữa họ là không thể tránh khỏi. Xung đột này, với tùy từng di sản, hoặc trở thành cuộc chiến pháp lý, hoặc âm ỉ trong lòng cộng đồng hoặc bột phát thành cơn bão truyền thông.

Peter Howard cho rằng giới truyền thông tất yếu xuất hiện như một lực lượng thứ sáu có ý nghĩa đặc biệt trong việc thị giác hóa và đại chúng hóa các giá trị trừu tượng của di sản.

Ông cảnh báo khi truyền thông tham gia sâu vào thị trường di sản, nó sẽ thành con dao hai lưỡi. Một mặt, truyền thông kích thích công chúng tiếp cận và nâng cao ý thức về di sản; tạo ra cơ hội điều hòa mâu thuẫn trường trực giữa các bên. Mặt khác, đặc trưng cố hữu của truyền thông - phóng đại các đặc tính: to nhất, dài nhất, gây tranh cãi nhất, đáng thuộc về ai nhất - sẽ đẩy các thảo luận vào ngõ cụt, như ta thấy trong vụ việc 49 Trần Hưng Đạo.

Vậy bài toán không phải chỉ trích lẫn nhau, mà theo Peter Howard là: Quan hệ công chúng hay quản lý truyền thông [về di sản] … trở thành tiêu chí ảnh hưởng đến toàn bộ sự thành bại của dự án. Chiến lược truyền thông do vậy cần phải đặt ở trung tâm [của dự án về di sản].

Nói cách khác, truyền thông về quá trình bảo tồn di sản còn hệ trọng hơn cả bản thân việc việc bảo tồn di sản (về kỹ thuật).

Để bàn về chiến lược truyền thông cho dự án 49 Trần Hưng Đạo cần nghiên cứu bài bản, tôi chỉ xin đề xuất một vài điểm nên thực hiện, dựa trên cơ sở coi giáo dục di sản như mục đích trọng tâm của truyền thông di sản:

Một là, truyền thông công khai và cập nhật liên tục về tiêu chuẩn và kế hoạch thực thi dự án ngay từ khi bắt đầu, để đông đảo công chúng và chuyên gia liên ngành tham gia góp ý và phản biện. Công tác này phải bám sát tiến độ dự án, nên được thực hiện đa dạng và sinh động với nhiều hình thức: triển lãm ngoài trời, trang tin tức, mạng xã hội dạng video (YouTube, TikTok,...)

Hai là, hệ thống hóa và biên tập các tài liệu chuyên môn lẫn các góp ý thành một tài liệu chung dành cho đại chúng. Sự đồng tình và mâu thuẫn sẽ thành học liệu giáo dục quan trọng giúp thế hệ trẻ nhận ra: các giá trị đô thị đang giao thoa và biến đổi liên tục với sự tương tác và lựa chọn giữa nhiều bên liên quan; từ đó suy nghĩ về bản sắc đương đại trong mối quan hệ với biến thiên của lịch sử.

Ba là, công tác trùng tu phải hướng đến việc đáp ứng cơ sở vật chất trực quan cho các chương trình giáo dục di sản và giao lưu văn hóa. Các hoạt động giáo dục và văn hóa này mới thực sự làm nên hồn cốt của công trình trong lòng công chúng.

Một di sản văn hóa, không phải ở màu sơn hay hàng gạch, mà ở nỗi xúc động của mỗi người khi chìm trong những dấu vết của cha ông đã lưu nơi này.