Gần năm năm sau khi nhà khoa học Hạ Kiến Khuê tuyên bố đã tạo ra các em bé chỉnh sửa gene, tháng hai vừa qua, Trung Quốc đã xác nhận ban hành các quy định mới nhằm ngăn ngừa các nghiên cứu liên quan đến đạo đức về con người.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Quy định toàn diện nhất từ trước đến nay


Với tài liệu có tiêu đề “Các biện pháp đánh giá đạo đức đối với khoa học đời sống và nghiên cứu y học liên quan đến con người” do Ủy ban Y tế Quốc gia, Bộ Giáo dục, Bộ KH&CN và Cục Quản lý Quốc gia về Truyền thống Trung Quốc soạn thảo và ban hành vào cuối tháng hai, đã có những quy định: Yêu cầu có sự bảo vệ đặc biệt cho những người tham gia nghiên cứu từ các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những người khuyết tật trí tuệ hoặc tâm thần; sẽ phạt các viện nghiên cứu và ủy ban đạo đức của viện nếu họ không nộp hoặc không tải thông tin lên hệ thống đăng ký nghiên cứu y học quốc gia, hoặc không yêu cầu các nhà nghiên cứu gửi báo cáo và thực thi theo các đánh giá; các nhà nghiên cứu cũng sẽ phải thông tin với những người tham gia về những phương pháp thay thế thuốc hoặc phương pháp điều trị mà họ muốn nghiên cứu – những gì Hạ Kiến Khuê bỏ qua trong nghiên cứu của mình. Và họ phải tham gia kết nối với ủy ban đạo đức khi có bất kỳ lo ngại nào. Các nhà khoa học phải tiết lộ những xung đột đạo đức tiềm năng, nguồn của các mẫu sinh học và cách họ sẽ chia sẻ kết quả nghiên cứu. Không giống như phiên bản năm 2016, các quy định mới nhấn mạnh vào việc sẽ áp dụng ở “các viện nghiên cứu, các trường đại học…” chứ không chỉ là các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế.

Trung Quốc đã tổ chức việc thành lập những quy tắc mới từ năm 2019, chỉ vài tháng sau khi Hạ Kiến Khuê tuyên bố đã chỉnh sửa DNA của hai bé gái để khả năng kháng HIV. Sau tuyên bố của Hạ Kiến Khuê, nhiều quốc gia đã lập tức cấm các chỉnh sửa, sau khi thảo luận về an toàn và đạo đức. Và một số cơ quan nghiên cứu lớn, bao gồm cả Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, có thể không tài trợ cho bất kỳ nghiên cứu sử dụng các công nghệ chỉnh sửa gene trên các phôi người.
Quy tắc này đã ra đời trong bối cảnh những tiên tiến về công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và những công nghệ mới nổi khác bộc lộ những thách thức ngày một gia tăng đối với việc giám sát đạo đức.

Các nhà khoa học nghĩ gì?


Các quy định mới là nhằm mục tiêu tăng cường những hướng dẫn và quy tắc đã có, theo Ruipeng Lei, một nhà đạo đức sinh học tại ĐH KH&KT Hoa Trung. Ví dụ, việc cập nhật bao gồm những thay đổi từ ngữ phản chiếu một nhấn mạnh lớn hơn vào việc ngăn cấm những người tham gia vào các nghiên cứu y sinh liên quan đến chỉnh sửa gene, nhà đạo đức sinh học Renzong Qiu của Viện Triết học, Viện Hàn lâm KH xã hội Trung Quốc, nhận xét.

Nhiều nhà khoa học đã chào đón các quy định mới, bao gồm các điều kiện cần thiết để bình duyệt về mặt đạo đức đối với các nghiên cứu về con người và vật liệu di truyền người như mô, trứng đã được thụ tinh, phôi thai. Các quy tắc mới được mở rộng so với những quy định đã được chấp nhận chỉnh sửa vào năm 2016 và có mục tiêu loại bỏ khoảng trống mà nhà lý sinh Hạ Kiến Khuê đã tận dụng để thực hiện thí nghiệm vào năm 2018 khi tuyên bố cùng nhóm nghiên cứu đã thay đổi về mặt di truyền DNA của phôi thai người mà sau đó cho ra đời hai bé gái. Sau đó, Hạ Kiến Khuê phải chịu án phạt ba năm trong tù do đã có “những thực hành y khoa phi pháp”.

Những biện pháp mới do bốn cơ quan chính phủ thiết lập đã “toàn diện và hệ thống hơn trước”, và “cố gắng tạo thế cân bằng khi ngăn ngừa những người tham gia vào các nghiên cứu như vậy và cho phép khoa học tiến về phía trước”, Linqi Zhang, một nhà vi trùng học tại ĐH Thanh Hoa, nhận xét. Còn Renzong Qiu lưu ý, những người tham gia “được coi là có vai trò khoa học tương đương với những người làm chính”.

“Việc ban hành quy định này được cho là quy định pháp luật quan trọng nhất và quy mô nhất về đạo đức sinh học Trung Quốc kể từ năm 2018,” Joy Zhang, nhà sinh học xã hội tại ĐH Kent, và Lei Ruipeng, nhà đạo đức sinh học tại ĐH Khoa học và công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán đã bình luận trên Diễn đàn Đạo đức sinh học Hastings. “Trong khi Trung Quốc có những cải thiện bền vững về quy định đạo đức quốc gia thì vẫn có những lỗ hổng”.

Nhưng một số nhà nghiên cứu đã lo ngại là những điều kiện mới chưa đủ sức phát huy tác động bởi những đổi mới trong lĩnh vực y sinh của Trung Quốc đang ngày một gia tăng. Sự chỉnh sửa “vô cùng cần thiết nhưng tôi không nghĩ nó hiệu quả”, Joy Zhang nói. Một thiếu sót đáng chú ý là các công ty, quỹ và những cơ sở tư nhân không chịu sự điều chỉnh của quy tắc này trong khi nhiều viện nghiên cứu đã có những đánh giá nghiêm ngặt về đạo đức từ rất lâu rồi. Những thay đổi được cho là chỉ có một tác động nhỏ đến các trường đại học nghiên cứu, Zhang nói.

Họ cũng cho rằng để giám sát tốt về mặt đạo đức, ngoài vấn đề cập nhật quy định pháp luật, cần phải nuôi dưỡng một văn hóa để cho phép các nhà nghiên cứu Trung Quốc “cảm thấy thoải mái trao đổi một cách cởi mở và thẳng thắn về những vấn đề thách thức trong nghiên cứu”, cả ở trong nước và ở nước ngoài.

Sự thật là việc các quy định này không được dùng để giám sát các công ty tư nhân là điều “đáng sợ hãi”, Robin Lovell-Badge, một nhà sinh học tế bào gốc ở Viện Francis Crick nhận xét. Ví dụ, He, sau ba năm chịu án phạt, đã thiết lập một viện nghiên cứu phi lợi nhuận để nghiên cứu về bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne – do sai sót trong gene kiểm soát cách cơ thể giữ cho cơ bắp khỏe mạnh và các chủ đề khác. Viện nghiên cứu này của Hạ Kiến Khuê không bị quy tắc mới giám sát nhưng Hạ Kiến Khuê trả lờiSciencelà anh ta hướng đến “thiết lập một ủy ban đạo đức quốc tế để giám sát công việc của tôi”.

Thách thức trong việc điều chỉnh các cơ sở nghiên cứu tư nhân không phải là trường hợp riêng của Trung Quốc, nhà sinh học đạo đức Françoise Baylis, từng làm việc tại ĐH Dalhousie, Canada. Mỹ, Canada và những quốc gia khác đã áp dụng những quy định khác nhau cho nghiên cứu được quỹ công và tư tài trợ, thường có xu hướng đem lại cho các công ty tư nhân ưu đãi lớn hơn.

Thách thức tiếp theo sẽ là đảm bảo sự tuân thủ các quy định mới. Theo Jing-Bao Nie, một nhà đạo đức y học Trung Quốc làm việc tại ĐH Otago, Dunedin, vấn đề này “không chỉ là thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện mà còn ở cách nhận thức của nhà nghiên cứu trong thực hành”, ông nói.

Hiện tại, Hạ Kiến Khuê đã kêu gọi được vốn đầu tư cho nghiên cứu đầu tiên trong công ty mới của mình và lên kế hoạch thiết lập một ca thử nghiệm lâm sàng vào năm 2025.