Trong danh sách gần 7000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới năm 2022, do Công ty Tính toán dữ liệu Clarivate công bố, có tên giáo sư Nguyễn Xuân Hùng (Viện Công nghệ liên ngành, Đại học Công nghệ TPHCM) và bảy nhà khoa học người Việt khác. Đáng chú ý, đây là lần thứ 9 liên tiếp, giáo sư Nguyễn Xuân Hùng được vinh danh.
Một bức tranh xếp hạng khoa học
Những năm trở lại đây, nhiều tổ chức, nhà xuất bản khoa học và công ty phân tích dữ liệu, trắc lượng khoa học đã cùng tạo ra nhiều bảng xếp hạng nhằm đánh giá hiệu suất nghiên cứu của nhiều tổ chức và cá nhân khoa học. Với các cách tiếp cận và tiêu chí đánh giá khác nhau, họ đã chọn lọc được những cái tên xuất sắc nhất theo quan điểm của mình. Giữa những bảng xếp hạng này, danh sách Các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (Highly Cited Researcher), hay còn gọi là top 1% thế giới, được đánh giá cao hơn cả bởi trao quyền lựa chọn cho cộng đồng khoa học thế giới thông qua chỉ số trích dẫn, cho dù danh sách này vẫn còn tồn tại một số khiếm khuyết nhất định.
Đúng như tên gọi của mình, những cái tên thuộc top 1% được lựa chọn dựa trên trích dẫn theo lĩnh vực nghiên cứu và xuất bản trong giai đoạn 11 năm từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2021. Để lựa chọn “ai là nhà nghiên cứu xuất sắc nhất” (who’s who), các nhà khoa học của Viện Thông tin khoa học của Clarivate đã áp dụng bộ chỉ số đánh giá Chỉ số khoa học cốt lõi (Essential Science Indicators) - vốn được dùng để tìm hiểu các xu hướng khoa học mới nổi, cá nhân/viện nghiên cứu/bài báo/tạp chí/quốc gia có ảnh hưởng trong từng lĩnh vực nghiên cứu – phân tích dữ liệu khoa học gồm 12 triệu bài báo được xuất bản trên 12.000 tạp chí chuyên ngành trên toàn cầu trong chỉ mục của cơ sở dữ liệu Web of Science.
Trong năm 2022, việc nhìn thấu “nơi nào khoa học sẽ đi và ai đang dẫn đầu con đường” như ví von của Viện Thông tin khoa học Clarivate còn được mở rộng phân tích chất lượng nhằm làm giảm đi những lo ngại về các hành vi gian lận có thể xảy ra (ví dụ như trích dẫn giả…).
Trong danh sách Các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới năm 2022 có 6.938 nhà khoa học thuộc 69 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia nghiên cứu ở 22 lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Nhấn mạnh vào xu thế liên ngành và xuyên ngành của thế giới, Clarivate ghi nhận các nhà khoa học nổi trội: 219 người thuộc hai lĩnh vực, 28 người ba lĩnh vực và bốn người thuộc bốn lĩnh vực. Do đó, xét về tổng thể có 3.981 người được vinh danh trong các lĩnh vực chuyên ngành cụ thể và 3.244 được ghi nhận có tác động xuyên ngành.
Nếu xét ở quy mô quốc gia, Mỹ là nơi có nhiều nhà nghiên cứu thuộc top được trích dẫn nhiều nhất năm 2022 với 2.764 người, chiếm 38,3% danh sách. Tuy vẫn là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới khoa học nhưng số lượng của Mỹ đã giảm xuống so với năm 2018 với 43,3%. Khoảng cách của Mỹ so với Trung Quốc cũng đang dần được thu hẹp. Điều này cũng từng được phản ánh ở một số chỉ số khác liên quan trong vài năm qua như số lượng bài báo, số lượng ngân sách đầu tư cho khoa học…
Đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách Các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất, Trung Quốc có 1.169 người, tăng lên gấp đôi số lượng theo thời gian: từ 7,9% năm 2018 lên 16,2% trong năm nay. Vị trí tiếp theo là Anh với 579 người, chiếm 8%. Tuy thoạt nhìn có vẻ con số này khiêm tốn nhưng nhìn sâu vào đặc điểm dân số và so sánh với hai quốc gia dẫn đầu thì nó lại mang ý nghĩa lớn: dân số Anh bằng 1/5 Mỹ và 1/20 Trung Quốc.
Các vị trí tiếp theo cũng thuộc về những cường quốc khoa học: Đức 369 người, Australia 337 người, Canada 226 người, Hà Lan 210 người, Pháp 134 người, Thụy Sĩ 112 người và Singapore 106 người (Singapore vượt qua Tây Ban Nha).
Nếu xét ở quy mô cơ sở nghiên cứu thì ĐH Harvard dẫn đầu với 233 nhà nghiên cứu, giữ vững vị tri so với năm 2021; theo sau là nhiều tổ chức nghiên cứu hưởng ngân sách quốc gia như Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc 228 người, Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ 113 người, Hội Max Planck Đức 67 người. Do đó, dù chưa thật hoàn hảo thì danh sách này của Clarivate cũng là một góc nhìn từ bên ngoài vào năng lực nghiên cứu, năng lực cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu của các tổ chức khoa học, giáo dục công và tư nhân từng quốc gia.
Nỗ lực đơn lẻ từ Việt Nam
Trong bối cảnh đó, việc bất cứ nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách cũng khiến người ta chú ý. Bởi lẽ, với môi trường nghiên cứu còn xa mới đạt đến độ lý tưởng và điều kiện đầu tư còn hạn chế thì khoa học Việt Nam rất ít có cơ hội thực hiện những nghiên cứu đỉnh cao hoặc có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng chuyên môn của mình. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, từ chín năm nay, cái tên Nguyễn Xuân Hùng liên tiếp có trong danh sách hằng năm của Clarivate, một kỷ lục được mở rộng theo thời gian.
Hằng năm, danh sách đều nêu tên một số nhà khoa học gốc Việt được trích dẫn nhiều nhất. Năm nay, gồm có TS. Trần Phan Lam Sơn (ĐH Công nghệ Texas, Mỹ) ngành khoa học cây trồng và vật nuôi; TS. Bùi Quang Minh (ĐH Quốc gia Australia) liên ngành – cựu sinh viên ĐHQGHN, Nguyen T. Nhu (ĐH Harvard) ngành sinh học và hóa sinh – cựu bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM; giáo sư Nguyễn Minh Hồng (ĐH Pittsburgh) liên ngành; giáo sư Đặng Văn Chí (Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig, Mỹ) liên ngành; giáo sư Ngô Hữu Hào (ĐH Công nghệ Sydney) chuyên ngành sinh học và hóa sinh; TS. Đinh Cao Thắng (ĐH Queens, Canada) ngành hóa học – cựu sinh viên trường ĐH Mỏ Địa chất. Ngoại trừ gương mặt trẻ Nguyen T. Nhu, những nhà khoa học còn lại đều là trưởng các phòng thí nghiệm lớn và có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay cả trong điều kiện làm việc “mơ ước” thì cũng chưa có nhà khoa học người Việt nào đạt tới kỷ lục chín năm liên tiếp lọt vào danh sách Nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất như giáo sư Nguyễn Xuân Hùng, người từ nhiều năm qua kiên quyết lựa chọn con đường làm việc ở trong nước kết hợp với thỉnh giảng ở nước ngoài. Đây là nỗ lực gần như đơn lẻ của một nhà nghiên cứu từ lâu đã đạt tới trình độ quốc tế trong lĩnh vực của mình: nhận được một số giải thưởng quốc tế và tìm kiếm các nguồn tài trợ cho nghiên cứu từ các quỹ quốc tế. Thậm chí, Viện Công nghệ liên ngành (CIRTech) do anh dẫn dắt cũng hoạt động một cách độc lập trong lòng ĐH Công nghệ TP HCM, khi tồn tại bằng các nguồn tài trợ quốc tế, tư nhân và dự án hợp tác với doanh nghiệp mà không trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước.
Con đường làm khoa học của giáo sư Nguyễn Xuân Hùng xuất phát từ cơ học tính toán, một lĩnh vực giao thoa giữa lý thuyết và thực nghiệm với việc áp dụng các mô hình tính toán mô phỏng. Mặc dù thuận lợi hơn đồng nghiệp ở các lĩnh vực thực nghiệm khi không cần quá nhiều cơ sở hạ tầng nghiên cứu nhưng cơ học tính toán là một lĩnh vực mới nổi, sức cạnh tranh cũng rất lớn nên việc đứng vững trong top đầu lĩnh vực này cũng cần có “bí quyết” nền tảng: sự hiểu biết sâu sắc và bao quát bản chất của vật chất ở những môi trường có tính chất khác nhau.
Theo thời gian, tư duy mở đã đưa anh ra khỏi biên giới của cơ học tính toán. Anh dùng chính các công cụ mình có trong tay để giải quyết các bài toán đa dạng của khoa học và thực tiễn đời sống. Mặt khác, anh nắm bắt rất nhanh những điểm mới có thể trở thành xu hướng nghiên cứu của thế giới và học hỏi, phát triển công cụ có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau để mở những con đường mới. Đó là lý do vì sao, trong khoảng 5 - 7 năm gần đây, anh dành khá nhiều thời gian cho xử lý dữ liệu, học máy, học sâu và AI… Trên trang cá nhân của anh, ngoài từ khóa “kỹ thuật tính toán”, có bổ sung “dữ liệu quy mô lớn”, “in 3D”, “năng lượng tái tạo”. Các công cụ mới mà anh phát triển và tối ưu không chỉ giải được các bài toán ở nhiều lĩnh vực mà còn ở các cấp độ quy mô khác nhau, thậm chí có công cụ sử dụng được cả trong điều kiện không thuận lợi về cơ sở hạ tầng tính toán.
Những cố gắng bền bỉ ấy đã góp phần đảm bảo cho giáo sư Nguyễn Xuân Hùng một vị trí tiên phong và những đóng góp có giá trị cho cộng đồng khoa học quốc tế, ngay từ Việt Nam. Vì vậy, chín năm liên tiếp anh có mặt trong danh sách Các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Clarivate là một hệ quả từ quá trình này.
Tuy không khỏi cảm thấy vui vì lần thứ 9 lọt vào top 1% với sự công nhận của các đồng nghiệp nhưng giáo sư Nguyễn Xuân Hùng không cho rằng đó là một đích đến của người làm khoa học. Niềm vui của người làm nghiên cứu nghiêm túc không gói gọn vào những thời khắc được vinh danh trước đông đảo công chúng và những bó hoa chúc mừng, dù nó cũng là “hàm thưởng” cho họ trên con đường lâu dài làm nghiên cứu. Những phút giây tràn ngập cảm xúc, thậm chí trào nước mắt, của họ đến một cách lặng lẽ trong những lúc tìm ra giải pháp mới cho các vấn đề phức tạp hoặc nhận được hồi âm chấp nhận đăng tải công trình của những tạp chí mơ ước. Không có sự chứng kiến của công chúng trong những khoảnh khắc giản dị như thế. Với giáo sư Nguyễn Xuân Hùng cũng vậy. Năm 2022 của anh không chỉ được “điểm tô” bằng danh hiệu top 1% mà còn bằng việc có hai bài báo được chấp nhận đăng trên các tạp chí hàng đầu, hai nghiên cứu phát triển các công cụ tính toán tiên tiến về giải pháp điều khiển dữ liệu tối ưu AI trong công nghệ in 3D: “A data-driven machine learning approach for the 3D printing process optimisation” (Một cách tiếp cận học máy điều hướng dữ liệu cho tối ưu hóa quá trình in 3 D) trên tạp chí Virtual and Physical Prototyping; “Strengthening Gradient Descent by Sequential Motion Optimization for Deep Neural Networks” (Tăng cường khả năng tìm kiếm nghiệm toàn cục của các mạng neuron sâu bằng tối ưu hóa chuyển động tuần tự) trên tạp chí IEEE Transactions on Evolutionary Computation. Đặc biệt, bài báo thứ hai đăng trên tạp chí thuộc A*, top 1% trong lĩnh vực khoa học máy tính (IF 16,497), “nơi từ trước đến nay chưa bao giờ tôi đăng được bài”, anh nói.
Những bài báo này sẽ góp phần đảm bảo cho anh khả năng viết thêm kỷ lục được trích dẫn nhiều nhất mới chăng? “Ồ không, với tôi, niềm vui sẽ còn lớn hơn nhiều, nếu được chứng kiến những công cụ tính toán mà mình dành nhiều thời gian ấp ủ, suy nghĩ trở nên hữu ích với đồng nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và biết đâu là cả những sản phẩm mới từ đó nữa”, anh trả lời.
Khi làm nghiên cứu và gửi bài báo tới các tạp chí quốc tế chuyên ngành, tôi thật sự không nghĩ đến việc phải cố lọt vào danh sách này hay danh sách khác. Tôi chỉ cố gắng làm việc thật nghiêm túc và nỗ lực từng ngày để theo đuổi các vấn đề nghiên cứu thời sự, có thể có ảnh hưởng.
GS. Nguyễn Xuân Hùng |