Hai luật mới mà Chính phủ Phần Lan mới thông qua hướng đến việc đảm bảo cam kết gia tăng đầu tư công và tư cho khoa học. Dự kiến vào năm 2030, tổng đầu tư cho khoa học chiếm 4% GDP.
Phần Lan đang thiết lập một kế hoạch đầy tham vọng để thúc đẩy R&D bằng việc rót hơn 280 triệu Euro đầu tư công vào lĩnh vực khoa học hằng năm, trong giai đoạn 2024 đến 2030. Mục tiêu cuối cùng của Chính phủ Phần Lan là đưa tổng đầu tư công và tư đạt tới mức 4% GDP, và trở thành quốc gia dẫn đầu châu Âu về mức đầu tư cho R&D. Hiện tại, mức đầu tư cho khoa học của EU trung bình đạt mức 2,3%; cao nhất trong số các quốc gia EU là Bỉ và Thụy Điển với 3,5%, các quốc gia Áo, Đức, Đan Mạch lần lượt là 3,2%, 3,1% và3%; còn các quốc gia đội sổ là Bulgaria, Slovakia 0,9%, Romania 0,5%. Phần lớn các quốc gia trong khối EU mới chỉ cố gắng để đạt con số khiêm tốn 3% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu vào năm 2030, Phần Lan cần phải có những thay đổi lớn về chính sách và lượng ngân sách đầu tư cho R&D. Điều đó đã hiển hiện bằng hai đạo luật mới.
Thứ nhất, Đạo Luật Tài trợ cho R&D, có hiệu lực vào năm nay, sẽ đem lại sự tăng trưởng về ngân sách R&D quốc gia, nâng từ 2,4 triệu Euro vào năm 2023 lên 4,3 tỉ Euro vào năm 2030.
Thứ hai là một luật mới đưa việc khuyến khích thuế chung và vĩnh viễn cho các công ty đầu tư cho R&D. Việc thực thi luật này chủ yếu là nhằm vào nhóm các công ty vừa và nhỏ (SME) và là một thay đổi lớn trong định hướng của một đất nước từ trước đến nay chỉ đưa ra những tín dụng thuế R&D trong thời hạn cố định.
Antti Pelkonen, cố vấn khoa học của nội các Chính phủ Phần Lan, đánh giá những thay đổi sẽ là một “cú thúc lớn” cho hệ thống R&D Phần Lan. Ông hoàn toàn tự tin về việc luật pháp đứng đằng sau kế hoạch đầu tư công trong R&D sẽ giúp kế hoạch này sống sót trước bất kỳ thay đổi nào trong chính phủ. Có lẽ, việc tăng đầu tư cho khoa học sẽ không bị thay đổi, dẫu đảng nào nắm đa số phiếu trong nghị viện Phần Lan. “Nhiều chính trị gia gần đây đã phát biểu là việc đầu tư cho khoa học quan trọng và cam kết bảo lưu ý kiến”, Pelkonen nói với Science|Business. “Tất nhiên, một chính phủ trong tương lai có thể thay đổi luật, điều này có thể xảy ra nhưng ở khoảnh khắc này, tôi hoàn toàn tin là nó sẽ được bảo vệ”.
Mục tiêu của Phần Lan là gia tăng hơn nữa các khoản đầu tư cho R&D, từ 2,9% lên 4% không hoàn toan là điều không tưởng. Vào năm 2009, mức độ đầu tư R&D đã là 3,7% GDP. Tuy nhiên sau đó vào những năm 2010, con số này đã bị suy giảm, bất chấp những cải thiện trong những năm tiếp theo. Rất nhiều điểm cho thấy hệ quả khủng khiếp của Nokia đã góp phần quan trọng vào sự sụt giảm này. Công ty dẫn đầu thị trường điện thoại di động này đã chạm đến đỉnh cao vào khoảng năm 2007 nhưng nhanh chóng bị suy giảm vị thế cạnh tranh của mình sau vụ phá sản vào năm 2013.
Kể từ cú ngã ngựa của Nokia, sự đầu tư vào R&D của các công ty tư nhân danh tiếng của Phần Lan. “Nguyên nhân chính đằng sau sự sụp đổ là Nokia có vai trò quá lớn với nền kinh tế Phần Lan”, Laura Juvonen, Phó Chủ tịch chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu Công nghệ VTT Phần Lan, nhận xét. Bà cho rằng không chỉ có duy nhất vấn đề này, những quyết định chính trị cũng có tác động, như việc cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu trong tài trợ này liên quan đến nghiên cứu cơ bản và có thể gắn kết các nhà khoa học ở trường viện với ngành công nghiệp. “Điều này thật tồi tệ bởi vì ngành công nghiệp đầu tư cho R&D để kiếm lời hơn là cho những mục tiêu dài hạn”, bà phân tích.
Vì nguyên nhân này mà chính phủ đã gia tăng gấp đôi đầu tư công cho R&D với định hướng là khuyến khích nhiều công ty hơn đầu tư cho nghiên cứu, trong đó đầu tư tư nhân cũng được mong chờ sẽ chiếm khoảng hai phần ba trong số 4% R&D vào năm 2030.
“Việc kinh doanh vô cùng phụ thuộc vào năng lực tạo ra những đổi mới sáng tạo và thay đổi lớn ở quy mô toàn cầu đang diễn ra, ví dụ như chuyển đổi số. Họ sẽ thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào nghiên cứu”, Juvonen nói.
Với Pelkonen, đây là một mục tiêu quan trọng đằng sau luật ưu đãi thuế. “Chúng ta nhất định cần nhiều công ty vừa và nhỏ hơn đầu tư vào R&D và gia tăng các hoạt động R&D”, ông nói. “Rõ ràng là có nhiều cách hỗ trợ trực tiếp mà chúng ta áp dụng nhưng các công ty nhỏ không thích áp dụng, vì vậy việc ưu đãi thuế có thể đem lại một khuyến khích hiệu quả hơn cho họ”.
Cách nào để thực thi?
Tất cả đổi mới về chính sách đều đánh cược vào việc dòng chảy đầu tư thông qua hệ thống này sẽ được chi tiêu như thế nào. Đây cũng là nội dung của một báo cáo của nhóm làm việc về R&D và đổi mới sáng tạo của nghị viện Phần Lan, được xuất bản vào đầu tháng ba vừa qua. Một thông điệp chính của báo cáo là các cải thiện sẽ không nhất thiết đến từ việc gia tăng đầu tư và rót tiền vào R&D mà cần phải cải thiện một số lĩnh vực trong hệ sinh thái R&D Phần Lan để có thể gia tăng có tác động tối đa của ngân sách nhà nước.
Báo cáo kêu gọi tăng cường vai trò của Hội đồng Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo và được trao quyền lớn hơn để có thể định hình chính sách R&D trong những năm đến. Điều đó có nghĩa là phải tái cấu trúc sự quản lý của Hội đồng và trao cho nó nguồn tài nguyên lớn hơn.
Tại cùng thời điểm, một danh sách các ưu tiên chiến lược quốc gia phải được ấn định, vì vậy Phần Lan có thể hướng đến đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có thể dẫn đầu. “Chúng ta không thể đầu tư vào mọi thứ vì chúng ta là một quốc gia nhỏ”, Pelkonen nói. Bất kỳ công việc nào của các lựa chọn chiến lược này sẽ có thể bắt đầu sau cuộc bầu cử, và có thể do Hội đồng Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo dẫn dắt.
Báo cáo cũng nêu sự thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng ở Phần Lan, điều đó có nghĩa là cần tập trung đầu tư vào giáo dục trên đại học, cụ thể là ở cấp tiến sĩ. “Chúng ta có thể không chạm đến mục tiêu 4% nếu không gia tăng số lượng nguồn nhân lực R&D”, Minna Hendolin, Giám đốc tác động của ĐH Đông Phần Lan. Nó ước tính, để đạt đến mục tiêu năm 2030, cần phải có 9. 000 chuyên gia R&D mới. “Đây là một khoảng thời gian quá ngắn cho đào tạo một lực lượng như vậy”, bà nói.
Về câu trả lời của việc thiếu hụt lao động có kỹ năng, có thể áp dụng chính sách thu hút nguồn nhân lực quốc tế. Hendolin cho rằng sự thật là chiến lược của chính phủ tập trung vào giới nghiên cứu đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Bên cạnh việc thu hút nhân tài quốc tế, báo cáo nêu Phần Lan cần tập trung thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo sự liên kết nhiều hơn nữa giữa giới học thuật và công nghiệp.
Với Juvonen, hai nhân tố này là điều tối cần thiết. “Chúng ta sẵn sàng cho một quá trình cải cách R&D,” bà nói. “Giờ điều còn lại là xem những đầu tư thực tế diễn ra như thế nào. Chúng ta cần tập trung vào những gì chúng ta có thể làm với khoản đầu tư tăng thêm cho sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và các công ty, đặc biệt ở những lĩnh vực mà chúng ta có thể có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết”.