Vào tháng 11 năm ngoái, EU đã ra tuyên bố đóng băng, ngừng tài trợ cho các trường đại học và viện nghiên cứu Hungary thông qua chương trình Horizon và Eusramus vì lo ngại về sự minh bạch và tự do học thuật tại đây do từ năm 2021, Chính phủ Hungary đã đặt 34 trường, viện vào dưới quyền kiểm soát của các quỹ tín thác do Thủ tướng Viktor Orbán và liên minh của ông là Fidesz, thành lập. Họ tuyên bố là không có gì bất thường khi các chính trị gia có mặt trong hội đồng quản trị các trường đại học.
Ông Sebastian Dahle Eurodoc, một thành viên của liên đoàn quốc tế quản lý các hội do các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ cho biết mặc dù ông ủng hộ các quyền cơ bản, các giá trị văn hóa và tự do học thuật theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng ông cho là “việc loại Hungary, đặc biệt là khỏi chương trình Erasmus+, chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các nhà nghiên cứu trẻ, điều mà chúng tôi thấy đáng báo động”. Còn Balázs Krabácz, chủ tịch Mạng lưới sinh viên Erasmus của Hungary (ESN) cho biết, quyết định này sẽ làm ảnh hưởng đến những người mà EU đã hỗ trợ trong những năm qua”. Năm ngoái, 20.000 sinh viên Hungary đã tham gia các hoạt động trao đổi và trong số 15 trường đại học mà ESN hợp tác, 2/3 bị ảnh hưởng bởi việc đóng băng tài trợ.
Do đó, ngày 14/3, Chính phủ Hungary đã quyết định rót gần 12,5 triệu Euro vào quỹ Tự lực để hỗ trợ các dự án nghiên cứu bị ngừng tài trợ trong hợp tác với châu Âu.
Người phát ngôn của Văn phòng Nghiên cứu, phát triển và Đổi mới sáng tạo quốc gia Hungary – nơi quản lý quỹ tự lực, nói với Science|Business, kinh phí sẽ bảo đảm cho những dự án bị ảnh hưởng vẫn được tiếp tục và chính phủ sẽ chuẩn bị rót thêm tiền nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng tin là những hạn chế từ EU đối với các trường, viện của Hungary sẽ được tháo bỏ kịp thời.
Chính quyền Hungary “lo ngại sâu sắc là các viện nghiên cứu ở châu Âu đã đưa ra những quyết định phi lý vì lí do chính trị” và nó có thể loại “các nhà nghiên cứu Hungary xuất sắc” khỏi môi trường nghiên cứu châu Âu. “Các biện pháp này không chỉ làm tổn hại đến hệ sinh thái R&D và đổi mới sáng tạo của Hungary mà còn cả toàn bộ châu Âu”, người phát ngôn nói.
Dù không nêu cụ thể những dự án bị ảnh hưởng nhưng rất nhiều trường, viện xuất sắc của Hungary đã tham gia Horizon EU.Một thông báo nội bộ về quỹ tự lực đã được gửi tới một trong những trường đại học bị ảnh hưởng là “5 tỷ Forint Hungary sẽ có thể hỗ trợ cho 12 dự án từ chín trường đại học khác nhau”.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu Hungary lo ngại là đây không phải là giải pháp khả thi dài hạn và bền vững. Rất nhiều thành viên của Diễn đàn các nhà nghiên cứu Hungary (HASF), một hiệp hội của các nhà khoa học, cùng viết những suy nghĩ của mình vào một bức thư gửi Science|Business, đề nghị giấu tên. Một người viết “Điều gì sẽ xảy ra vào năm tới đây? Quỹ tài trợ này là một cách để dập đi một đám cháy nhưng không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi trong dài hạn được”.
Dániel Deák, giáo sư thuế quốc tế và luật EU tại ĐH Corvinus Budapest, một trong những trường đại học đặt dưới quản lý của một quỹ tín thác công, cảm thấy quỹ này là một bước đi sai lầm.Thay vào điều này, chính quyền Hungary cần xem xét lại đề nghị của EU về việc tái cấu trúc các quỹ tín thác công này hơn là nỗ lực tạo ra quỹ tự lực, ông nhận xét.“Chúng tôi cần một môi trường nghiên cứu không tham nhũng và các thành viên Hungary được các đối tác châu Âu chào đón”.
Deák cũng kêu gọi việc tài trợ công cho các trường đại học nhiều hơn và củng cố hệ thống giáo dục công mà theo ông đang suy giảm chất lượng.
Một thành viên khác của HASF thì ít chỉ trích hơn về quỹ tự lực và ít ra là nhìn vào mặt tích cực của nó, “bước cần thiết tiếp theo bởi chính quyền không muốn các trường đại học bị tác động bởi quyết định của EU bị rơi vào khủng hoảng. Đây là một hành động kịp thời cho các giảng viên và các nhà nghiên cứu làm việc tại đây là họ không bị rời bỏ dự án. Quan điểm của tôi là chúng ta không nên lên án hành xử này bởi đồng nghiệp của chúng ta vẫn được ủng hộ”, người này viết trong thư.
Hungary không muốn bỏ quyền kiểm soát Hành động của EU nhằm vào các quỹ tín thác công của Hungary là một phần trong mối lo ngại lớn hơn về các vi phạm quy định luật pháp của quốc gia này theo quan điểm của EU và được bắt nguồn sau sự kích hoạt điều chỉnh EU đối với Hungary vào đầu năm 2022. Đây cũng chỉ là vấn đề duy nhất mà hai bên thảo luận với nhau kể từ đó. Một phiên họp kỹ thuật đã được tổ chức vào ngày 16/3 vừa qua, khi tiến trình đánh giá những vi phạm của Hungary được thảo luận nhưng các chi tiết không được tiết lộ công khai.Tuy nhiên các đại diện của Hungary sẽ gặp mặt các quan chức EU ba tháng một lần để cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình này nhưng EU chưa đưa ra hạn chót để họ giải quyết các yêu cầu EU đưa ra.
Balazs Ujvari, người phát ngôn của EU không bình luận về quá trình trao đổi nhưng cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 21/3 là việc điều chỉnh theo yêu cầu của EU là vì các nền tảng lợi ích công cộng. “Chúng tôi đã trao đổi về một vài mốc như tháng sáu hoặc tháng bảy, nếu tất cả được giải quyết thì sẽ tránh được tác động đến các trường, viện đã nhận tài trợ của EU nhưng cũng không có hạn chót cụ thể được EU đưa ra”.
Vào giữa tháng hai, chính quyền Hungary loan báo là bảy bộ trưởng trong nội các chính phủ sẽ rời khỏi vị trí của họ trong một số quỹ tín thác công, một cách để xoa dịu lo ngại của EU về tự do học thuật. Dẫu vậy thì chưa chắc điều này có đủ đáp ứng tiêu chuẩn của EU bởi Hiệp hội các trường đại học châu Âu đã chỉ ra là việc các quan chức chính phủ tham gia vào hội đồng quản trị các trường không là vấn đề duy nhất trong cấu trúc của các quỹ tín thác công.
Gần đây Hiệp hội các trường đại học châu Âu có một báo cáo phân tích bổ sung cho thấy tác động cụ thể của các quỹ tín thác công lên sự tự chủ của học thuật Hungary cùng với bảng xếp hạng tự chủ đại học quốc gia này. “Bản phân tích đã nhấn mạnh vào các yếu tố như sự không rõ ràng về nhiệm kỳ quản lý của hội đồng quản trị, vì ban đầu họ được chính phủ bổ nhiệm theo cách chỉ định, chỉ có thể bổ nhiệm thành viên thông qua sự bỏ phiếu của hội đồng và hội đồng quản trị được trao toàn quyền quyết định.
Một thành viên của HASF cho biết, ảnh hưởng mà chính phủ có được đối với các trường đại học là lý do tại sao chính phủ không muốn tái cơ cấu các quỹ tín thác công. “Họ đã giành được một số ảnh hưởng trong hệ thống này, giờ họ muốn thử áp dụng một số giải pháp thay thế tài trợ của EU bởi họ không muốn đánh mất ảnh hưởng đối với các trường”.
Nguồn: sciencebusiness.net