Trung Quốc liên tục khiến cả thế giới phải kinh ngạc vì khả năng huy động nguồn lực quốc gia cho những mục tiêu lớn lao, tưởng chừng như bất khả khi. Chẳng hạn, họ chỉ cần một thập kỷ để xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới – dài gần 23.500 dặm (37.600 km).
Tuy nhiên vẫn có những thứ mà Trung Quốc chưa hoặc không thể làm được như chế tạo chất bán dẫn tiên tiến và đưa đội tuyển bóng đá (nam) tìm kiếm vinh quang tại World Cup.
Thất bại của Trung Quốc với tham vọng phát triển chip tiên tiến là hết sức rõ ràng. Theo báo cáo, Quỹ Đầu tư Công nghiệp vi mạch tích hợp Quốc gia Trung Quốc (còn được gọi là Big Fund) đã rót tổng cộng 45 tỷ USD và hỗ trợ huy động vốn cho rất nhiều dự án. Chỉ riêng năm 2020, các công ty bán dẫn Trung Quốc đã tiếp nhận gần 35 tỷ USD đầu tư từ chính phủ và khu vực tư nhân. Tuy nhiên, họ vẫn đang thua kém Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ hằng thập kỷ. Chưa kể các quan chức Trung Quốc được giao nhiệm vụ đưa ngành chip nội địa tới chỗ tự chủ thậm chí còn lợi dụng chức vụ và quyền hạn để biển thủ công cụ. Năm 2022, một số quản lý cấp cao của Big Fund, bao gồm cả tổng giám đốc điều hành, đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng.
Hành trình đi tìm ánh hào quang cho đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc cũng ảm đạm không kém. Đất nước này mới chỉ giành quyền tham dự World Cup đúng một lần duy nhất vào năm 2002 và sau đó thì liên tục gây thất vọng. Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc giục đội tuyển bóng đá Trung Quốc phải lọt top thế giới. Nhưng việc chi hàng tỷ USD để thu hút những cầu thủ và huấn luyện viên nổi tiếng nước ngoài vẫn chưa thể tạo ra sự khác biệt, tình hình thậm chí còn có phần trở nên tồi tệ hơn1. Giống như Big Fund, các quan chức ngành bóng đá Trung Quốc cũng đều “nhúng chàm” – từ đầu năm 2023, chủ tịch và hai lãnh đạo cao cấp của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) đã bị bắt để điều tra hành vi tham nhũng.
Công bằng mà nói thì Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu khoa học công nghệ, ngay cả trong thời Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976). Năm 1964, họ chế tạo và thử nghiệm thành công bom nguyên tử, sau đó phóng vệ tinh lên không gian vào thập niên 1970,... Tuy nhiên, đó đều là những dự án với mục tiêu nhất quán và công nghệ thực ra đã phát triển chín muồi. Khả năng huy động, phân bổ và chỉ đạo các nguồn lực cần thiết một cách nhanh chóng – thứ mà Trung Quốc hoàn toàn vượt trội – đã mang đến kỳ tích. Nhưng những điều kiện như vậy lại không thể áp dụng cho một số nhiệm vụ đặc thù như làm chip hay đưa đội tuyển bóng đá quốc gia xưng bá thế giới. Các lĩnh vực này thường không có mục tiêu nhất quán, còn công nghệ chất bán dẫn lẫn kỹ năng (cùng phong độ) của cầu thủ lại là thứ luôn biến đổi và phân tán (không dễ để độc quyền). Ngoài ra, sự thành công cũng là kết quả tổng hòa của nhiều nhân tố khác như cạnh tranh, hợp tác, cải tiến,...
Có thể nói, chính cách tiếp cận top-down đã gây bất lợi cho Trung Quốc bởi các tài năng, trên thực tế chỉ có thể phát triển rực rỡ nhất trong một môi trường phi tập trung và năng động (ít bị nhà nước can thiệp và chi phối).
(*) Nhận định của giáo sư chính trị Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) trong bài viết Why China Is So Bad at Doing Big Things? (tạm dịch: Vì sao Trung Quốc chưa giỏi làm những thứ lớn?) trên Bloomberg.
Chú thích
1. Các CLB bóng đá Trung Quốc đã chi hàng chục triệu USD để mời những ngôi sao ở bên kia sườn dốc sự nghiệp như Didier Drogba, Carlos Tevez, ... sang thi đấu ở giải vô địch quốc gia (CSL), nhưng phần lớn đều thất vọng và rời đi chỉ sau một thời gian ngắn. Liên đoàn bóng đá nước này (CFA) cũng từng trả 28 triệu USD/năm cho HLV Marcello Lippi nhằm đưa đội tuyển vô địch châu Á và giành vé tham dự World Cup nhưng thất bại.
Phương Hiền (theo Bloomberg)