Báo cáo “Trường đại học kiên cường trong đại dịch COVID-19: Sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây” của Viện KH&CN vì Nhân loại thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, có thể giúp ích cho giáo dục đại học trong những tình huống gián đoạn xảy ra trong tương lai.

GS Vanessa Evers và TS Iuna Tsyrulneva của NTU đã nghiên cứu các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế, đồng thời lấy dữ liệu từ các cơ quan tư vấn, ấn phẩm học thuật, thông cáo báo chí và báo cáo hằng năm từ một số trường đại học để xây dựng nên báo cáo này.

Giảm thiểu tác động tài chính

Báo cáo cho biết, các trường đại học đã giải quyết các hậu quả tài chính do COVID-19 gây ra bằng cách tận dụng các nguồn tài trợ mới và năng lực ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 của quốc gia ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động tài chính của các trường đại học.

Ví dụ, 55 trong số 76 trường đại học ở Trung Quốc thuộc quản lý của Bộ Giáo dục đã ghi nhận nguồn tài trợ tăng.

Ở Mỹ, Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế đối phó với virus Corona (CARES) cũng thành lập Quỹ cứu trợ khẩn cấp giáo dục đại học trị giá 14 tỷ USD, với ít nhất một nửa tổng số tiền này được phân bổ để hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho sinh viên.

Đại dịch COVID-19 đã khiến các phòng thí nghiệm và trường đại học phải đóng cửa, dẫn đến việc các dự án nghiên cứu không hoàn thành các thời hạn đề ra và các nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng như nhà nghiên cứu mới vào nghề - những người phụ thuộc vào nguồn tài trợ - bị ảnh hưởng về thu nhập.

Để giảm thiểu những bất lợi này, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, Viện Y tế Quốc gia Mỹ, Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia Pháp, Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh, Hội đồng Nghiên cứu Úc, Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Singapore và các cơ quan tài trợ khác đã nới lỏng các thời hạn báo cáo dự án và các yêu cầu khác.

Trong khi đó, phần lớn các trường đại học ở châu Phi phải đóng cửa trong nhiều tháng do chính phủ không đủ kinh phí để ứng phó kiên cường với COVID-19.

Đối mặt với việc cắt giảm ngân sách của chính phủ và mất nguồn thu từ học phí, các trường đại học đã tận dụng sự hỗ trợ hào phóng từ các nhà tài trợ. Ví dụ: Viện Công nghệ và Giáo dục Đại học Monterrey (Tecnológico de Monterrey) ở Mexico ghi nhận mức tăng trưởng 55% trong việc gây quỹ trong năm học 2020-21, trong khi Đại học Trung văn Hồng Kông ghi nhận số tiền quyên góp và hiến tặng tăng gần 40% so với năm 2019.

Chuyển sang học trực tuyến

iệt Nam nằm trong số các nước tạo điều kiện cho sinh viên học trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Ảnh minh họa: tuetech.edu.vn
Việt Nam nằm trong số các nước tạo điều kiện cho sinh viên học trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Ảnh minh họa: tuetech.edu.vn

Các cuộc khảo sát được thực hiện với sinh viên Đức, Anh, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Úc, New Zealand và Ấn Độ cho thấy hơn 60% sinh viên hài lòng với các lớp học trực tuyến.

Đáng chú ý, mức độ hài lòng cao hơn thường được quan sát thấy ở các quốc gia có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và ở các trường đại học tuân thủ các chính sách ngăn chặn COVID-19 của chính phủ.

Cùng thời gian đó, các cuộc khảo sát được thực hiện với sinh viên Hàn Quốc, Anh và Indonesia đã chỉ ra chất lượng giảng dạy không đạt yêu cầu và thiếu các thiết bị công nghệ học trực tuyến.

Để giải quyết vấn đề sau, các quốc gia đã phân phối bộ thiết bị kết nối, tạo điều kiện truy cập dữ liệu miễn phí và học tập từ xa (Brazil, Nam Phi, và một số quốc gia khác), cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các trang web giáo dục (Argentina, Chile và Việt Nam) và tổ chức các đợt quyên góp máy tính xách tay (Singapore).

Tỷ lệ nhập học và có việc làm sau tốt nghiệp thấp

Trong thời kỳ đại dịch, số lượng sinh viên ghi danh vào các trường đại học Mỹ nhìn chung sụt giảm. Các chương trình tiến sĩ khoa học xã hội và nhân văn ở Mỹ cũng dừng tuyển sinh. Trong khi đó, các chương trình sau đại học thuộc các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vẫn tiếp tục tuyển sinh vì kêu gọi được tài trợ.

Anh, Úc, châu Âu và một số nước Nam Á báo cáo tỷ lệ việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp thấp. Chính phủ các quốc gia giàu hơn đã phát triển các sáng kiến để tăng khả năng có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, điều này khiến cho sinh viên mới tốt nghiệp ở Úc và Singapore tự tin hơn về triển vọng việc làm của họ. Trong khi đó, ở Ấn Độ, Afghanistan và Sri Lanka, các đợt tuyển dụng bị hoãn, các đợt sa thải diễn ra và các chương trình đào tạo lại bị dừng.

Việc tuyển dụng giảng viên bị ngưng trệ

Các trường đại học chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí từ sinh viên đã ngừng tuyển dụng giảng viên. Ví dụ, do lượng tuyển sinh dự kiến giảm, các trường đại học ở Vương quốc Anh đã cắt giảm chi tiêu và ngừng tuyển dụng giảng viên mới. Nhiều trường đại học Mỹ đã đóng băng việc tuyển dụng vào mùa xuân năm 2020. Các trường đại học Úc báo cáo đến tháng 2/2021 đã mất tới 10% số giảng viên. Pháp và Vương quốc Anh cũng cho thấy xu hướng nghỉ việc đáng lo ngại của các nhà nghiên cứu.

Cùng thời điểm đó, ở Trung Quốc, Malaysia và Ba Lan, một công việc ở trường đại học được coi là tương đối an toàn. Các vị trí trưởng nhóm nghiên cứu ở châu Âu đã không bị cắt giảm nghiêm trọng do vẫn được tài trợ, chủ yếu là các tài trợ từ bên ngoài trường đại học. Đáng chú ý, việc tuyển dụng vẫn diễn ra đối với những nhà nghiên cứu và giảng viên ở các lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến COVID-19.

Sự phụ thuộc vào học phí của sinh viên nước ngoài

Nhiều trường đại học đang xem xét lại các chính sách phát triển của mình sau khi nhận ra họ phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế. Số lượng sinh viên quốc tế mới đăng ký vào các trường đại học Úc và New Zealand đã giảm 23% - 30% vào năm 2020. Con số này ở Mỹ là 43%.

Vương quốc Anh cũng đối mặt với những vấn đề tương tự do phụ thuộc nhiều vào sinh viên sau đại học Trung Quốc, nhưng nước này đã tiếp tục thu hút sinh viên quốc tế tiềm năng vào năm 2020, thậm chí đôi khi bằng cách tổ chức các chuyến bay thuê bao từ các nước sở tại.

Việc hạn chế di chuyển giữa các quốc gia do COVID-19 không ảnh hưởng rõ rệt đến các quốc gia ít phụ thuộc vào sinh viên quốc tế, chẳng hạn như Việt Nam, Sri Lanka, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác.

Cơ hội cho tương lai

COVID-19 đã chứng minh thế giới hội nhập như thế nào. Con đường phục hồi của các trường đại học không phải là trở lại với thực tế trước COVID-19, mà là thay đổi cách tiếp cận giáo dục, thiết kế lại trường học, đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác nghiên cứu, xem xét lại tầm nhìn và tái dựng hình ảnh trường đại học như một đối tác cho học tập thích ứng suốt đời.

Điều cần thiết là phải xem những thách thức do đại dịch tạo ra như những cơ hội mới chưa được khám phá có thể góp phần cải thiện trải nghiệm học tập cho sinh viên và nhà nghiên cứu.
Đại dịch đã dạy cho thế giới một bài học về vai trò của quan hệ đối tác và hợp tác đa phương; tầm quan trọng của sự tuân thủ các quy định, chính sách; cũng như ý nghĩa của chiến lược nghiên cứu hay chiến lược việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Khả năng vượt qua các thử thách tài chính trong đại dịch của các trường đại học đã được tăng lên nhờ đa dạng hóa nguồn tài trợ đến từ quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, ngành công nghiệp và các tổ chức quốc tế, cũng như từ các quỹ tài trợ và hiến tặng. Các chương trình giáo dục truyền thống ưu tiên giáo dục trong khuôn viên trường đại học đã bộc lộ những điểm cần được điều chỉnh và thiết kế lại.

Sự lan rộng của các khóa học và hội thảo ảo dẫn đến các thảo luận đa chiều hơn và mở ra các mối quan hệ hợp tác mà trước đây không thể có được.

Việc dạy cho sinh viên khả năng phản ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của thị trường việc làm và việc giới thiệu các khóa học ngắn hạn, khóa học trực tuyến, khóa thực tập ảo hay chứng chỉ kỹ thuật số cũng ngày càng trở nên rốt ráo.

Tất cả những bài học này sẽ rất quan trọng cho tương lai, khi những tình huống gián đoạn lại có thể xảy ra.


Nguồn: