Hàng triệu học sinh, sinh viên ở nước ta đã phải nghỉ học để ngăn chặn lây nhiễm của dịch Covid -19. Giáo dục trực tuyến đã được hầu hết các trường lựa chọn để tiếp tục vận hành các chương trình đào đạo, đảm bảo lợi ích của sinh viên.

Thực tế trong ứng phó bệnh dịch cho thấy, người Việt Nam chúng ta có khả năng “chống chịu” tốt và thích ứng nhanh với những thay đổi. Thế hệ trẻ lại có nhiều lợi thế trong sử dụng máy tính, ngôn ngữ quốc tế, và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Đây là những lợi thế lớn cho các phương pháp đào tạo mới trên các nền tảng công nghệ.

Học sinh lớp 5 trường Tiểu học Vinschool (Hà Nội) luyện tập toán qua bài tập trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Do giáo dục trực tuyến còn khá mới với Việt Nam, việc sử dụng phương pháp này trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh như Covid-19 cũng đặt ra không ít thách thức. Ngoài mức độ sẵn sàng về hạ tầng công nghệ thông tin (máy móc, phương tiện, kết nối internet, v.v..) và đào tạo kỹ thuật cho giảng viên thì sự sẵn sàng của sinh viên (với số lượng lớn) là yếu tố quyết định sự thành công của các khoá học trực tuyến. Chúng tôi đã nhắc đến điểm này trong bài số 2 và ở đây chúng tôi muốn trao đổi về cách thức mà người học trực tuyến có thể tối ưu hoá việc học của mình, để từ đó nắm chắc vận hội tương lai, trong bối cảnh chuyển đổi số ngày một tăng và kiến thức cần học vượt ra rất nhiều khuôn khổ của các lớp học truyền thống, nguồn học liệu tồn tại chủ yếu trên các không gian mạng.

Tương lai thuộc về những người chủ động trong việc học, chủ động trong việc phát triển bản thân và thế giới. Nghiên cứu cũng cho thấy việc học chủ động có thể được khuyến khích mạnh mẽ khi người giảng và nhà trường quan tâm tạo môi trường tác động tích cực cho một số hành vi của người học được cải thiện, phát triển.

Đam mê: Đó là khả năng tự tạo ra và duy trì sự thích thú và là khởi nguồn của sáng tạo. Một học viên đam mê học và mày mò tìm hiểu, sẽ dễ thích nghi khi chuyển sang học trực tuyến. Hơn nữa, việc học trực tuyến có thể trở thành cơ hội để tương tác với các học viên và giảng viên từ những quốc gia khác với sự đa dạng văn hoá – kiến thức, và để phát triển các kỹ năng máy tính và tìm kiếm thông tin.

Tự đánh giá: Đó là khả năng sinh viên tự xây dựng các kỹ năng và tiếp cận các nguồn lực cần thiết để tự chủ việc học của mình. Trong thời đại công nghệ số, chúng ta không nhất thiết phải đi đến thư viện mới mượn được tài liệu để đọc, không nhất thiết phải đến trường mới là đi học. Nhiều thứ chúng ta có thể tìm ra nếu chúng ta có kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng. Mạng xã hội cũng là nơi chúng ta tiếp cận nguồn lực phong phú. Quan trọng là chúng ta cần có khả năng tự nhìn nhận, đánh giá các nguồn cơ hội. Trong việc học trực tuyến cũng vậy, mọi thứ có thể ảo, nhưng biết tự đánh giá mình là ai, mục đích sống của mình là gì thì bạn sẽ biết mình cần phải làm gì và làm như thế nào.

Tự chủ: Đó là khả năng sinh viên có thể sử dụng nhiều chiến lược học khác nhau để bớt phụ thuộc vào giáo viên hay tài liệu giảng dạy. Truyền thống ‘tôn sư trọng đạo’ là tốt, nhưng không phải người thầy là người biết tất cả. Sinh viên cần nhận thức được rằng mình là trung tâm của việc học chứ không còn là giáo viên. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chiến lược tự học là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến kết quả học trực tuyến. Hơn nữa, chủ động trong việc học là bước khởi đầu của một cuộc sống có ý nghĩa.

Tương tác với các sinh viên khác: Đó là khả năng duy trì các mối quan hệ với người học khác để có thể kiếm tìm sự giúp đỡ, hoặc giúp đỡ người khác khi cần. Trong sự phát triển của con người từ khi bé cho đến tuổi trưởng thành được chia làm ba giai đoạn: (1) khi còn bé phải phụ thuộc vào cha mẹ nuôi nấng; (2) tự lập bắt đầu từ khi bắt đầu có ý thức như tự mặc quần áo, tự đến trường cho đến tự kiếm sống; và (3) phụ thuộc lẫn nhau khi chúng ta đã tự lập và bắt đầu biết hợp tác với người khác để làm được những thứ lớn hơn, thách thức hơn. Do đó với sinh viên đại học thì tương tác với các sinh viên khác hiệu quả là khởi đầu của sự phụ thuộc lẫn nhau ngoài xã hội để trưởng thành nhanh hơn. Sự tương tác tích cực với các sinh viên khác cũng được chứng minh là giúp việc học trực tuyến mang lại kết quả cao hơn.

Thích ứng cao: Đó là kỹ năng và động lực thay đổi để thích hợp với môi trường mới, hoàn cảnh mới, cách thức mới. Đại dịch Covid-19 là một phép thử về sự thích ứng của con người với những hoàn cảnh, điều kiện chưa từng chứng kiến. Với sinh viên Việt Nam học trực tuyến cũng vậy. Nó là phép thử thế hệ trẻ bước vào kỷ nguyên số hóa như thế nào. Để thích ứng nhanh và tốt nhất thì cần mở rộng mô hình trí tuệ (mental models), mở rộng cách nhìn nhận sự việc, thế giới với tâm thế mở hơn. Nếu là bắt buộc phải học (cũng như phải làm) thì cách thích ứng hiệu quả nhất là yêu thích nó – bước chuyển biến trong tâm lý. Khi yêu thích thì việc học (hay làm) sẽ trở nên dễ dàng hơn về mặt tâm lý làm động lực nội tại. Thuyết tiến hóa của Darwin đã chỉ ra: không phải những sinh vật khỏe nhất, hay thông minh nhất tồn tại, mà là những sinh vật thích ứng tốt nhất. Thích ứng với môi trường công nghệ số hứa hẹn là một chìa khóa sinh tồn của kỷ nguyên này.

Lời kết
Trong việc học, dù trực tuyến hay trực diện, thì kỷ nguyên này sẽ có rất ít chỗ cho những người học thụ động. Kiến thức trên lớp là không đủ. Sự sáng tạo diễn ra hằng ngày, hằng giờ, mà phần lớn đến từ thế hệ trẻ bởi các bạn đang đứng trên vai của “những người khổng lồ”. Cô gái 15-16 tuổi, Greta Thunberg, khó có thể tiên phong thu hút được một phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu trong giới trẻ nếu như không có những người vĩ đại như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Juckerberg hay Kevin Systrom, tạo ra máy tính, internet, điện thoại thông minh và các mạng xã hội để tương tác và thông tin trên toàn cầu.

Chắc chắn đã có nhiều sinh viên tận dụng được nguồn kiến thức vô tận từ các nguồn học liệu trực tuyến trước khi Covid-19 xảy ra. Trong một thế giới luôn thay đổi và tiến bộ khoa học diễn ra không ngừng thì rõ ràng là không thể ngồi chờ cho đến khi trường mở cửa lại mới đi học. Việc học có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh với sự hỗ trợ của các công cụ số hoá. Học trực tuyến chính thức hay không chính thức cũng không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là một sự chủ động học trong thế giới số. Giấc mơ học kiến thức từ các trường đại học danh tiếng như Harvard, MIT…, từ các giáo sư hàng đầu của thế giới hoàn toàn có thể thực hiện được tại Việt Nam, qua nguồn tài liệu và bài giảng mở. MIT Open Course Ware là một ví dụ.

Tài liệu tham khảo:

1. Beresford, J. (2003). Developing Students as Effective Learners: The Student Conditions for School Improvement. School Effectiveness and School Improvement, 14(2), 121-158.

2. Broadbent, J & Poon, W. L. (2015). Self-regulated learning strategies & academic achievement in online higher education learning environments: A systematic review. The Internet and Higher Education, 27, 1-13.

3. Covey, S. (2004). Seven Habits of Highly Effective People. New York: Free Press.

4. Newell, R. J. (2003). Passion for Learning: How Project-based Learning Meets the Needs of 21st- Century Students. New York: Rowman & Littlefield Education.

5. Ployhart, R. E. & Bliese, P. D. (2006). Individual adaptability (I-ADAPT) theory: Conceptualizing the antecedents, consequences, and measurement of individual differences in adaptability, in C. Shawn Burke, Linda G. Pierce, Eduardo Salas (ed.) Understanding Adaptability: A Prerequisite for Effective Performance within Complex Environments (Advances in Human Performance and Cognitive Engineering Research, Volume 6) Emerald Group Publishing Limited, pp.3 – 39.

6. Zembylas, M. (2007). A politics of passion in education: the Foucauldian legacy. Educational Philosophy and Theory, 39(2), 135-149.


* Tác giả:

PGS.TS. Bùi Thị Minh Hồng

Đại học Bath, Vương quốc Anh; Giám đốc mạng lưới giáo dục Edunet, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

GS.TS. Nguyễn Đức Khương

Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris) & Giáo sư thỉnh giảng, Khoa quốc tế, ĐHQG Hà Nội & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)