Covid-19 chính là cơ hội của Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Chúng ta được lựa chọn và cần lựa chọn đón các dòng FDI xanh sạch như các nguồn đầu tư vào giáo dục để phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Ảnh minh họa: vietnamtimes

Trước dòng FDI công nghệ cao được dự đoán là sẽ chảy vào VN sau Covid-19, liệu chúng ta có sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ trong khu vực và trên thế giới?

Có thể nói trong rất nhiều năm kinh tế mở cửa và phát triển thì Giáo dục vẫn chưa thực sự bắt kịp sự phát triển về kinh tế để có những tầm nhìn chiến lược dài hạn thích hợp. Hãy nhìn sang các trung tâm giáo dục quốc tế hàng đầu ngay cạnh Việt Nam để thấy kinh nghiệm của họ trong việc phát triển, thu hút dòng đầu tư giáo dục quốc tế.

Tại Malaysia, năm 1996, nước này đã có chính sách biến Malaysia trở thành một trung tâm giáo dục của Đông Nam Á. Tôi còn nhớ, năm 2003, mỗi buổi sáng, tôi chứng kiến người Malaysia ở Iskadar vượt qua cây cầu, cũng là biên giới để sang Singapore làm việc. Buổi chiều tối họ lại qua cầu trở về nhà. Tuy nhiên, đến năm 2006 thì chính phủ Malaysia quyết định xây dựng dự án biến Iskandar thành một thành phố giáo dục. Họ kêu gọi các trường đại học lớn ở Anh, Mỹ, Châu Âu vào xây dựng chi nhánh. Đến năm 2010 thì chính phủ nước này thực hiện bước tiếp theo là xây dựng Trung tâm giáo dục tài chính cho thế giới Hồi giáo. Kết quả là Malaysia trở thành nơi cung cấp giáo dục tài chính Hồi giáo lớn thứ hai trên thế giới, và đứng đầu thế giới trong lĩnh vực cung cấp các khóa đào tạo tài chính cho các doanh nghiệp tài chính Hồi giáo. Các doanh nghiệp và các cá nhân người Malaysia nổi tiếng là những người luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp.

Tại Singapore, hòn đảo nhỏ bé đã không có chút tài nguyên gì trong tay sau khi tách ra khỏi Malaysia. Tuy nhiên, Lý Quang Diệu đã tạo ra điều kỳ diệu cho Singapore, trong đó có việc biến nước này thành Trung tâm giáo dục của thế giới. Năm 1998, Singapore bắt đầu mở chương trình đại học chất lượng hàng đầu thế giới. Từ năm 2003 thì bắt đầu mở trường học toàn cầu, theo mô hình trung tâm giáo dục Boston của Mỹ. Năm 2012 Singapore trở thành thủ đô sáng tạo của châu Á. Năm 2013, nước này thành lập trung tâm sở hữu trí tuệ. Người Singapore nổi tiếng trong việc đầu tư vào giáo dục cho con cái.

Hongkong là hòn đảo mà Trung Quốc trao cho Anh Quốc sau khi thua cuộc trong cuộc chiến tranh Nha phiến năm 1842. Đến tháng 7 năm 1997, Hongkong được trao trả lại cho Trung Quốc sau hơn 150 năm cầm quyền, biến hòn đảo này thành một ‘con hổ châu Á’ với sức mạnh kinh tế là các ngành công nghệ cao từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Hongkong có tham vọng trở thành trung tâm giáo dục thế giới từ năm 2004 với lợi thế là mối liên hệ với Trung Quốc đại lục, nền giáo dục đại học quốc tế hóa, và danh tiếng “Hòn ngọc Viễn Đông”. Chiến lược mà Hongkong xây dựng là giáo dục đại học liên kết thành một khối thống nhất. Mỗi trường có một chuyên ngành và thế mạnh và nhiệm vụ riêng biệt, không đan chéo. Sự phân khúc về vai trò và lợi thế cạnh tranh quốc tế của mỗi trường đại học là xương sống trong quá trình cải tổ và xây dựng trung tâm giáo dục thế giới của Hongkong.

Việc xây dựng các trung tâm giáo dục quốc tế của ba quốc gia trên là kết quả của sự nỗ lực giữa nhiều người và nhiều cơ quan chính phủ. Dường như chính phủ các nước lên kế hoạch dựa trên bốn lý do chính:

Thứ nhất là yếu tố kinh tế. Các trung tâm giáo dục quốc tế này sẽ xuất khẩu giáo dục như một mặt hàng có giá trị cao, hút ngoại tệ mạnh.

Thứ hai, đây là điểm thu hút nhân tài phục vụ ngay cho sự phát triển tài chính và công nghệ cao của đất nước.

Thứ ba là nâng cao quốc tế hóa, toàn cầu hóa và cạnh tranh trong giáo dục.

Cuối cùng thì những trung tâm giáo dục này cũng nhằm phục vụ việc xây dựng quyền lực mềm cho các chính phủ.

Việt Nam có cần và có nên xây dựng một trung tâm giáo dục quốc tế như các nước trên? Tôi nghĩ là nên, và chúng ta có tiềm lực để làm điều này. Điều này không chỉ để đón làn song đầu tư đang tới, mà quan trọng hơn là để xây dựng một nguồn lao động chất lượng cao để đón đầu các cơ hội lớn trong lương lai.

Trong lúc này đây, chúng ta nên hết sức tỉnh táo để đón dòng đầu tư sạch, chất lượng cao, chứ không vội vã xây dựng các nhà máy sản xuất để gây ô nhiễm môi trường, mà Trung Quốc đã là một minh chứng lớn rằng: Có tiền nhưng vẫn không mua được không gian sạch để sống.

Tài liệu tham khảo:

Jacob, M. & Meek, V. L. (2013). Scientific mobility and international research networks: trends and policy tools for promoting research excellence and capacity building. Studies in Higher Education, 38(3), 331-344.

Lee, J. (2014). Education hubs and talent development: policymaking and implementation challenges. Higher Education, 68, 807-823.

* Tác giả:

PGS.TS. Bùi Thị Minh Hồng

Đại học Bath, Vương quốc Anh; Giám đốc mạng lưới giáo dục Edunet, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

Nội dung bài viết sẽ được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề “Trường học ngày mai, Công dân tương lai” do Mạng lưới Giáo dục Edunet (thuộcAVSE Global)và Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội tổ chức.

Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu - AVSE Globalcó trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp cho Việt Nam. AVSE Global có mặt trên 20 quốc gia, với hơn 300 hội viên quy tụ hơn 2.000 chuyên gia và là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu.