Đó là những thông tin được Ban quản lý Quỹ Nafosted đưa ra tại cuộc họp chuẩn bị đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực KHXH&NV năm 2018 đợt 2.
Ông Mai Thế Bình, phó giám đốc Quỹ Nafosted cho biết, “Sau khi tiếp nhận sự tư vấn góp ý của các hội đồng khoa học ngành KHXH&NV, Quỹ đã trình danh mục tạp chí uy tín mới, trên tinh thần là giữ nguyên đối với ngành kinh tế, còn lại điều chỉnh và mở rộng với các ngành khác tại quyết định số 224/QĐ-HĐQL-NAFOSTED”. Theo đó, hiện nay, tạp chí quốc tế có uy tín là các tạp chí thuộc danh mục sau đây:
1. Danh mục AHCI (Arts and Humanities Citation Index) hoặc SSCI (Social Science Citation Index) của Viện Thông tin khoa học Quốc tế (Hoa Kỳ);
2. Tạp chí khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thuộc cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier.
3. Tạp chí khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thuộc các Nhà xuất bản có uy tín trên thế giới sau:
3.1 Đối với ngành Kinh tế: Các nhà xuất bản Springer; Elsevier; Wiley-Blackwell; Taylor&Francis; Sage; Oxford University Press; Cambridge University Press; Emerald; Macmillan Publishers; Inderscience Publishers; Edward Elgar Publishing; Degruyter; World Scientific.
3.2 Đối với các ngành khác: Các nhà xuất bản được xếp nhóm A, B do Hội đồng kinh tế xã hội Hà Lan (SENSE) bình chọn hàng năm.
4. Tạp chí khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thuộc các Nhà xuất bản của 100 trường đại học hàng đầu thế giới đối với ngành Kinh tế và 500 trường đại học hàng đầu thế giới đối với các ngành khác theo xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings (THE).
Ngoài ra, Nafosted cũng chấp nhận danh mục tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước thuộc lĩnh vực KHXH&NV được tính điểm tối đa cao nhất theo từng ngành/liên ngành do HĐCDGSNN công bố. Riêng đối với một số ngành/liên ngành đặc thù như Sử học, Khảo cổ học, Văn học, Ngôn ngữ học, Quỹ Nafosted cũng đã đưa ra một danh mục riêng*.
Đánh giá về điều chỉnh này của Nafosted, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN cho rằng, nếu như trước đây Quỹ chỉ chấp nhận danh mục ISI/Scopus – có phần đánh đố các nhà KHXH&NV, thì theo quyết định mới này, danh mục tạp chí đã được mở rộng, đã chú ý tới đặc thù của những ngành khác nhau, như ngôn ngữ, sử học (ví dụ có tạp chí uy tín tiếng Trung, tiếng Pháp). Tuy nhiên, theo ông, cũng cần tiếp tục xem xét việc chấp nhận các chương sách nếu được xuất bản ở một số nhà xuất bản uy tín bởi vì đối với các ngành KHXH&NV, viết các chương sách quan trọng không kém xuất bản tạp chí.
Đồng thời, ông cũng góp ý một số chính sách để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ nâng cao năng lực công bố quốc tế. Thứ nhất, Quỹ nên hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nhà khoa học đi hội thảo quốc tế, bởi vì chỉ có thông qua cọ xát trên diễn đàn quốc tế họ mới có được ý tưởng. “Hiện nay số lượng đi hội thảo nước ngoài ít lắm, không biết các ngành khác thế nào, nhưng năm vừa qua tôi chỉ nhận được yêu cầu đánh giá một hồ sơ xin đi hội thảo ở viện Sử học”, ông cho biết. Thứ hai, Quỹ cũng nên cân nhắc và ủng hộ việc tổ chức hội thảo quốc tế ở trong nước, tất nhiên “các hội thảo này phải có điều kiện là có công bố quốc tế, chứ không phải là chỉ đưa ra một kết quả là tập kỷ yếu không tên tuổi”, GS Phạm Quang Minh nói.
Về phía Nafosted, ban quản lý Quỹ cũng cho biết chiến lược trong giai đoạn tới là: Hướng tới tăng cường công bố quốc tế; hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu nói chung, tăng cường hỗ trợ giao lưu học thuật quốc tế (tổ chức các hội nghị quốc tế ở Việt Nam, hỗ trợ các nhà khoa học tham gia hội thảo quốc tế). Đồng thời, hiện nay Quỹ vẫn đang lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, để tiếp tục bổ sung thêm các danh mục tạp chí uy tín vào danh mục trên để sửa đổi, sao cho tiêu chí xét chọn đảm bảo yêu cầu chất lượng nhưng không quá khắt khe đối với các ngành KHXH&NV, ông Mai Thế Bình cho biết.