Và cơn sốt màu hồng này lan ra rất nhanh trên cộng đồng các nữ sáng lập viên trong cả nước. Hóa ra, họ đang cùng nhau chuẩn bị cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26.4.2018 – vì một thế giới sáng tạo hơn cho phụ nữ…
Nguồn tài nguyên lớn nhất
Có lần, bà Hillary Clinton, cựu ứng viên tổng thống Mỹ, bảo rằng: “Phụ nữ là nguồn tài nguyên lớn nhất chưa được khai thác trên thế giới”. Và các thông điệp hướng đến ngày Sở hữu trí tuệ thế giới lặp lại thông điệp này, với một nhấn mạnh rõ rệt hơn: Sở hữu trí tuệ cũng là tài nguyên chưa được khai phá đầy đủ ở Việt Nam; và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng phụ nữ lại càng là một kho báu tiềm năng.
Xưa giờ, cứ tưởng lĩnh vực sở hữu trí tuệ là món… khô khốc, vì đi qua hết hành trình để chứng minh được quyền sở hữu của mình với một sáng chế, phát minh hay đơn giản là một cái logo cũng rất “chua” với hầu hết các công ty khởi nghiệp. Nhưng nhìn vào lịch trình các “show diễn” của các bà, các chị trong hoạt động hướng đến ngày “màu hồng” này thì phải thấy rằng mình đã sai hoàn toàn.
Chẳng hạn, trên trang thông tin của WorldIPDay, phiên bản tiếng Việt, Charles Palliser, tiểu thuyết gia đã từng giành nhiều giải thưởng danh giá, tác giả của cuốn “The Quincunx”, đã chia sẻ một thông điệp vô cùng có ý nghĩa: “Tại sao Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới lại quan trọng với tôi đến vậy? Và đặc biệt khi chủ đề của năm nay là: “Tiếp sức cho thay đổi: Phụ nữ trong công cuộc đổi mới và sáng tạo”. Vô cùng đơn giản thôi. Tôi đã được nuôi dạy bởi hai người phụ nữ - mẹ tôi và bà tôi. Cả hai người đều gần như không nhận được sự giáo dục chính quy nào từ lúc họ bước sang tuổi 14. Từ đó, có hai điều đã nảy lên trong suy nghĩ của tôi: Thứ nhất, tài năng cũng như trí tuệ của họ đã không có được cơ hội công bằng để bộc lộ và thứ hai, mặc dù phải chấp nhận những rào cản đó, họ đã tìm cách tự học hỏi để bù đắp cho những cơ hội đã bị bỏ lỡ. Nói cách khác, họ đã tự trao cho mình sự giáo dục mà họ đáng được nhận bằng cách đọc sách và thảo luận về những cuốn sách đó với gia đình và bạn bè của họ”.
Áo ngực là sản phẩm của nhà nữ sáng chế người Mỹ Mary Phelps Jacob (1891-1970), được cấp bằng sáng chế vào tháng 2/1914. Sau đó, sáng chế này được bán cho nhà sản xuất áo ngực Warner Brothers với giá 1.500 USD (tương đương với 21.000 USD hiện nay). Sáng chế áo ngực vừa tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ khắp thế giới, vừa giúp cho hãng Warner Brothers kiếm được hơn 15 triệu USD mỗi năm trong thời gian dài. Nguồn: Cẩm nang sở hữu trí tuệ
Vị “đại sứ” chương trình này nói về sự thiếu thốn về giáo dục và cơ hội phát triển cũng như những khó khăn nó gây ra chính là điều mà hàng triệu phụ nữ trong suốt cuộc đời, ngay cả ở tại những quốc gia phát triển, đã phải đối mặt. Và điều đó chính là một mất mát vô cùng to lớn đối với từng cá nhân nói riêng và đối với toàn xã hội nói chung. Thật đáng buồn rằng, đây vẫn đang là hiện thực của rất nhiều phụ nữ sinh ra và lớn lên tại các vùng miền Tây. Nhưng, tất nhiên, tình trạng này còn tệ hơn rất nhiều tại các quốc gia đang phát triển.
“Đối với tôi, không có một vấn đề nào có thể quan trọng hơn sự giáo dục cho phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Không phải chỉ là vì tài năng của họ không được công hiến cho xã hội cũng như được tôn vinh một cách xứng đáng, mà hơn thế, trách nhiệm nuôi dạy con cái hầu như luôn đặt nặng lên người phụ nữ, dù bằng một cách đúng hay sai, và vì vậy, họ sẽ là người giáo dục cũng như gây ảnh hưởng lớn tới lớp trẻ trong những năm tháng học hỏi đầu đời của chúng. Phụ nữ về cơ bản có thể thay đổi mọi thứ” – bà nói.
Hẹn nhau ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Ngày 21.4.2018 sắp tới, mọi người hẹn nhau ở một địa chỉ, mà ngẫu nhiên rất ý nghĩa: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội, để cùng tiếp nối câu chuyện về sở hữu trí tuệ trong một không gian internet với vai trò của phụ nữ.
Thiết bị cạo râu mỏng, nhỏ và an toàn như hiện nay do King Camp Gillette (1855-1932) sáng chế và được cấp bằng sáng chế vào năm 1901. Đến năm 1905, Gillette đã bán được số lượng dao cạo khổng lồ với 267.577 chiếc, đút túi 145 triệu USD. Trong suốt thời kỳ thế chiến I, ông còn có khoản thu lớn hơn khi cung cấp 3,5 triệu dao cạo với 36 triệu chiếc lưỡicho quân đội Mỹ, giúp Gillette trở thành một người giàu có. Nguồn: Cẩm nang sở hữu trí tuệ
Chuyện hào hứng mà mọi người đang ăn mừng, là vừa rồi, Việt Nam đứng vị trí 47/127 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Theo đó, Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Con số này, như một điểm sáng có phần lẻ loi trong một bức tranh chung nhiều gam màu xám của giáo dục, nghiên cứu khoa học và tham gia vào đổi mới sáng tạo thế giới, nhưng là một nỗ lực lớn để tạo ra động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Năm 2015 là năm đầu tiên sự kiện kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được tổ chức mở rộng. Với ý tưởng xuyên suốt “Walk A-head for Innovation & IP” và câu khẩu hiệu “Đi bộ bằng đầu, sáng tạo dài lâu”, sự kiện đã thu hút hơn 1.000 người tham gia. Năm 2016, 2017 tiếp tục tinh thần của cuộc “đi bộ bằng đầu” này, BTC đã xây dựng nên hình tượng “IP Man” (IP Girl/ Lady…) cùng câu khẩu hiệu “Ai cũng có thể trở thành IP Man, nếu muốn”. Ý tưởng này ngay lập tức đã thu hút được rất nhiều người tò mò, quan tâm và đăng ký tham gia để được trở thành “IP Man”.
Còn nhớ, khi nhóm Rapnews giới thiệu bài hát “Ai cũng là IP man”, đã gây một làn sóng không nhỏ các bạn trẻ tìm đến với sở hữu trí tuệ, đơn giản là vì nó bắt đầu bằng sự vui tươi. Mọi người đang chờ, năm nay cơn lốc sở hữu trí tuệ màu hồng của các IP-lady sẽ tưng bừng đến mức nào nữa.
Chủ đề WIPO đưa ra cho IP Day năm nay hướng đến tôn vinh sự sáng tạo, khéo léo và lòng can đảm của những phụ nữ đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thay đổi và định hướng cho tương lai toàn cầu. IP Day 2018 là cơ hội để thế giới làm nổi bật cách thức hệ thống sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ những sáng tạo của phái đẹp nói riêng và loài người nói chung trong việc đưa những ý tưởng sáng tạo tuyệt vời của họ ra thị trường. |