Phong cách và chính sách của Margaret Thatcher đã định hình lại Vương quốc Anh và thay đổi tư duy kinh tế hiện đại về vai trò của thị trường và nhà nước.
Đó là những nhận xét của Phó đại sứ Vương quốc Anh Steph Lysaght trong buổi ra mắt hồi ký của nữ cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher* và tọa đàm “Margaret Thatcher & những kinh nghiệm cải cách kinh tế quan trọng” ngày 20/4/2018 do công ty sách Omega+ tổ chức. Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu về Margaret Thatcher của ông.
Bà Margaret Thacher. Nguồn ảnh: Biography.com.
Tư tưởng tự do
Margaret Thatcher, sau này được biết đến chính thức là Quý bà Thatcher, là Thủ tướng người Anh nắm quyền lâu nhất trong thế kỷ 20. Bà đã phục vụ trong những năm tháng toàn cầu hỗn loạn và trong thời kỳ xã hội và kinh tế nước Anh có những biến chuyển to lớn.
Tôi sinh năm 1970. Không có gì cường điệu khi nói rằng Margaret Thatcher là một nhân vật xuất chúng của thế hệ tôi. Bà là người đứng đầu trong suốt những năm tôi đi học và khi tôi bắt đầu gia nhập ngành Ngoại giao ở Anh. Bà cũng là một hình mẫu cho cách mọi người nhìn nhận thế giới và cách nó nên được vận hành. Bà là nữ anh hùng của nhiều người, nhưng lại không được lòng những người khác do phong cách và chính sách của bà đã định hình lại Vương quốc Anh và thay đổi tư duy kinh tế hiện đại về vai trò của thị trường và nhà nước.
Bản thân con người bà có nhiều điểm mâu thuẫn, trong đó nổi bật là việc bà là người tiên phong mở đường cho phụ nữ tham gia chính trị, nhưng đồng thời bà không tích cực ủng hộ cho phong trào nữ quyền lúc bấy giờ. Khi bà giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 1979, việc bà là nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh đã lấn át các tít báo. Nhưng trong những năm tiếp theo, tác động của bà tới chính trị và xã hội Anh thậm chí còn to lớn hơn.
Tự do là tâm điểm trong tư tưởng của bà Thatcher. Bà đã bảo vệ nền tự do trước chủ nghĩa toàn trị và bảo vệ lãnh thổ Anh khỏi sự xâm lược nước ngoài. Bà muốn khu vực kinh tế tư nhân được giải phóng để tạo ra của cải. Và bà muốn người dân có nhiều quyền tự do để chi tiêu số tiền họ kiếm được hơn, thay vì để chính phủ chi tiêu số tiền đó thông qua thuế. Chính bản chất của một nền dân chủ khiến cho một nhà lãnh đạo mạnh mẽ sẽ thu hút nhiều sự chỉ trích cũng như khen ngợi. Bà Thatcher đã nhận được cả hai quan điểm này, và thời gian bà làm Thủ tướng vẫn thường xuyên tạo ra những cuộc bàn luận và tranh cãi gay gắt. Không một chính trị gia nào trong thời gian gần đây có thể khơi gợi cảm xúc và dư luận như bà.
Một trong những nơi mà bà Thatcher không nhận được sự nhiều sự đồng thuận là Liverpool, thành phố nơi tôi sinh ra. Những quan điểm chính trị bất đồng rõ rệt giữa chính quyền địa phương ở Liverpool và chính quyền quốc gia của bà Thatcher ở London đã cuốn hút tôi đến với chính trị từ khi còn trẻ tuổi. Điều này thôi thúc trong tôi một niềm đam mê lớn đối với nền dân chủ, tầm quan trọng của một hệ thống dịch vụ công độc lập, quyền tự do ngôn luận và quyền công dân.
Thúc đẩy tư nhân hóa
Tuy nhiên, phải đến nhiều năm sau đó, chúng ta mới nhận ra nhiều thành quả vô cùng to lớn của bà Thatcher. Ở châu Âu, phần lớn những người sống sau Bức Màn Sắt (Iron Curtain) hiện là thành viên của Liên minh Châu Âu và NATO. Đó là nhờ sự ủng hộ kiên định của bà Thatcher và Tổng thống Ronald Reagan đối với nhân dân Đông Âu, tạo cảm hứng và hy vọng cho người dân những nước này, dẫn tới sự xuất hiện của nền dân chủ ở các nước đó và kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Quý bà Thatcher cũng đã thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về nền kinh tế và chính trị. Bà đã thúc đẩy việc tư nhân hóa các tiện ích công cộng, khởi xướng thuê ngoài một số dịch vụ dịch vụ công và tự do hóa thị trường tài chính. Đây là những ý tưởng táo bạo, thường là trọng tâm của những cuộc tranh luận gay gắt và gây ra nhiều bất đồng. Tuy nhiên, trong những năm sau khi bà rời nhiệm sở, những ý tưởng này đã được học hỏi trên khắp thế giới và ngày càng trở thành xu thế mới. Một cựu thủ tướng khác của chúng tôi, ông Tony Blair, đã nói rằng người tiền nhiệm của ông đã thay đổi diện mạo chính trị nước Anh và cũng như các tranh luận về chính trị. Và những thành tựu của bà Thatcher chứng minh rằng việc Việt Nam cân nhắc thúc đẩy hợp tác công tư và bắt đầu tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.
Từ 1984-1991, Chính phủ Anh đã bán cổ phần nhà nước của 33 công ty lớn (ngành thép, viễn thông, cảng, điện). Tuy ban đầu việc này đã gây ra nhiều tranh cãi và phản đối quyết liệt, nhưng hiệu quả của sự dịch chuyển này rất rõ ràng. Năm 1981, 33 công ty này cần trợ giá hàng năm tới 1 tỉ Bảng Anh, nhưng khi được tư nhân hóa thì lợi nhuận của các công ty này tăng rõ rệt. Đầu thập niên 90, 33 công ty này đóng góp 4.4 tỉ tiền thuế doanh nghiệp trong một năm, và thanh toán cổ tức cho những trái phiếu nhà nước còn lại vào ngân khố, không bao gồm khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, người tiêu dùng hưởng lợi nhiều qua giá tiêu dùng giảm, chất lượng dịch vụ tăng. Năm 1996, giá xăng dầu giảm tới 25%, vé máy bay giảm gần 10%, viễn thông giảm 40% kể từ khi tư nhân hóa.
Vai trò của nhà nước và sự cân bằng cần thiết giữa khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân lại quay trở lại đang là tâm điểm của các cuộc tranh luận chính trị. Có rất nhiều cuộc tranh luận chính trị đang diễn ra ở Anh, Châu Âu và Mỹ khá tương đồng với những cuộc tranh luận đã diễn ra thời bà Thatcher. Đây là vấn đề cơ bản nhất liên quan đến nền kinh tế chính trị trong bất kể thời điểm nào.
Câu chuyện của bà Thatcher cũng nhấn mạnh đến những thế mạnh lâu dài của nền dân chủ thật sự. Trưởng thành từ trong tầng lớp bình dân, nhờ trí tuệ bà được nhận vào Đại học Cambridge, đến giờ vẫn là một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới. Bà bước chân theo nghiệp chính trị trong bối cảnh đang diễn ra những biến chuyển to lớn. Bà không bao giờ che giấu mục tiêu chính trị của mình và đã dốc hết sức để theo đuổi những mục tiêu. Bà đã được người dân tín nhiệm bầu làm Thủ tướng ba lần và rời khỏi nhiệm sở khi đảng chính trị của bà không cần bà nữa.
Thật đáng ngạc nhiên về nền dân chủ và hệ thống chính trị ở Anh khi bà Thatcher mặc dù thực tế đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ đảng bảo thủ vào năm 1990 và vẫn giữ vị trí lãnh đạo nhưng sau đó vẫn phải rời nhiệm sở. Số phiếu chống lại bà Thatcher đủ nhiều để bà hiểu quyền lực của mình đã bị tổn hại nghiêm trọng. Bà đã từ chức vào ngày hôm sau và trao quyền cho thế hệ kế tiếp. Việc bà có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng trong nước và trên trường quốc tế trong một thời gian dài là do những quan điểm của bà chứ không phải bắt nguồn từ sự ham quyền cố vị. Không ai có thể làm Thủ tướng Anh trọn đời. Và ngay cả thủ tướng nổi tiếng nhất của thời hiện đại cũng sẽ có ngày phải trao quyền cho những người có tư tưởng mới, và suy cho cùng mục tiêu của Thủ tưởng là phụng sự cho đảng chính trị của mình, và làm những điều tốt nhất cho nhân dân.
Cuộc đời của Margaret Thatcher mang ý nghĩa to lớn. Tên của bà được đặt cho một triết lý chính trị mới – “chủ nghĩa Thatcher” (Thacherism). Cuốn sách "Margaret Thatcher - Hồi ký Bà đầm thép" ra mắt ngày hôm nay sẽ cung cấp cho độc giả một cái nhìn sâu sắc về con người, các chính sách và một số hoạt động chính trị đã định hình nước Anh và Châu Âu vào cuối thế kỷ 20 và sau này.
Vũ Quốc Chiêm dịch
---
Chú thích:
* Hồi ký của cố Thủ tướng Anh, "Margaret Thatcher - Hồi ký Bà đầm thép", bản tiếng Việt dày 1024 trang, giá bìa 480.000 đồng, dự kiến phát hành ngày 21/4/2018.