Cổ phiếu Facebook đã phản ứng tích cực với thông báo về dự án Libra và đã tăng 1,4% kể từ ngày 18/6. Cổ phiếu hiện đang giao dịch với giá 191 USD. Mục tiêu giá trung bình 220 USD mang lại cho Facebook tiềm năng tăng giá 15%. Hiện tại, cổ phiếu Facebook đang được các nhà phân tích đồng thuận khuyến cáo ở mức ‘Mua mạnh”.
Báo Khoa học & Phát triển giới thiệu ý kiến của anh Đặng Việt Hùng - Founder & CEO công ty Anyware Global chuyên phát triển các ứng dụng blockchain quanh câu chuyện thời sự này.
Tuyên bố sứ mệnh của Libra được đăng trên website libra.org là "Tiền tệ toàn cầu và hạ tầng tài chính đơn giản nhằm đem lại quyền lực cho hàng tỷ người dân".
Câu hỏi đặt ra là, Libra có đơn giản thật không?
Tất nhiên là không. Chẳng có thứ gì đem lại quyền lực cho hàng tỷ người lại đơn giản cả. Nếu nó có vẻ đơn giản thì ẩn sau chắc chắn là một cơ chế rất phức tạp. Nhìn vào white paper của Libra thì thấy đó là một loại tiền mã hóa trên một blockchain riêng được điều hành bởi một cộng đồng các tổ chức hàng đầu của Mỹ có giá trị neo với một rổ tiền tệ gồm dollar Mỹ, bảng Anh, Euro, yên Nhật và Franc Thụy Sĩ. Loại crypto kiểu này khá giống với một số crypto riêng của ngân hàng trước đó, không quá phức tạp về kỹ thuật. Một team khoảng 30 dev giỏi có thể tạo ra đồng tiền tương tự trong 6-12 tháng.
Nhưng dù được thiết kế tốt thế nào và đang có thị trường vài trăm tỷ thì các loại crypto vẫn đang là đứa con lạc loài trong mắt giới tài phiệt tiền tệ và các ngân hàng trung ương. Việc thuyết phục để một đồng crypto được chấp nhận như một phương tiện thanh toán mới là bài toán khó. Vì nếu chấp nhận một đồng crypto tồn tại song song với tiền fiat đồng nghĩa với việc giới tài phiệt tiền tệ cáo già phải chia miếng bánh với một tay chơi mới vào. Đó là điều khó có thể xảy ra nếu tay chơi không phải là Mark Zuckerberg, người có trong tay 2,38 tỷ người dùng hàng tháng, tài sản gần 70 tỷ USD, tham vọng ngút trời và cực kỳ thông minh.
Một cuộc chơi lớn cần phải có lá cờ chính nghĩa. Với Mark lá cờ đó là đem lại quyền lợi công bằng cho 1,7 tỷ dân số thế giới không được tiếp cận với hệ thống tài chính tiền tệ hiện đại, phải chịu phí chuyển tiền cao, vay nặng lãi và dễ bị cướp mất tài sản dành dụm được. Với lá cờ này, Mark đã tụ tập được một lực lượng 28 tổ chức hàng đầu thế giới cùng tham gia Libra. Chỉ riêng số lượng người dùng của các tổ chức này đã lên tới phân nửa dân số thế giới và cả trăm triệu merchant bán hàng. Mark cũng khéo léo tổ chức Libra như một mạng lưới phân quyền để tránh búa rìu dư luận. Hiện thời, FED và các ngân hàng trung ương chưa đưa ra cam kết không xử lý (Non-action) nào đối với Libra. Nhưng có một bài báo ghi lại ý kiến đáng chú ý của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ FED Jerome Powell trả lời báo chí hôm 19/6. Ông Powell cho rằng tiền crypto còn lâu mới ảnh hưởng được đến chính sách tiền tệ và bật mí là “Facebook đã làm việc nhiều vòng với các NHTW và FED về Libra rồi, có nhiều lợi ích nhưng cũng có những rủi ro nên chúng tôi sẽ theo dõi sát sao...”.
Hãy thử xem đâu là rủi ro và lợi ích chính của Libra đối với FED và chính quyền Mỹ nhé.
Rủi ro là tiền crypto có thể bị thao túng bởi tổ chức phát hành. Cái này FED xử dễ, chỉ cần xin một node để giám sát toàn bộ giao dịch là được. Rủi ro thứ hai là Libra có thể bị tấn công. Đây là vấn đề của công nghệ. Mỹ chắc chắn là nước tiên phong về công nghệ nên không quá ngại điều này. Rủi ro thứ ba là sự không chấp nhận của nhiều chính phủ khiến Libra không phổ biến được. Vấn đề này sẽ được giải quyết nếu chính quyền Mỹ và các nước đồng minh cùng bắt tay với Libra để chia các lợi ích dưới đây.
Lợi ích trước hết, dân số sử dụng dollar Mỹ tăng vọt nhờ được phân phối gián tiếp qua Libra. Hãy thử nghĩ, việc Libra tích dollar trong tài khoản rồi chuyển một lượng crypto tương ứng cho dân châu Phi tiêu có khác gì các ngân hàng truyền thống giữ tiền trong tài khoản rồi cho dân Mỹ chuyển khoản online? Khi dân số sử dụng một loại tiền tăng lên thêm vài tỷ và FED được chủ động điều tiết cung tiền thì lợi ích khổng lồ đủ thuyết phục bất cứ tay tài phiệt nào. Đối với chính quyền Mỹ, nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump thì lợi ích thứ hai cũng không kém phần hấp dẫn. Đó là Libra sẽ giúp chấm dứt nạn trợ giá xuất khẩu trá hình bằng tỷ giá thấp để nhiều nước duy trì thặng dư thương mại với Mỹ. Rất có thể việc chấp nhận Libra như ngoại tệ sẽ được đưa vào như một trong các chỉ tiêu để xếp một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không. Chính Việt Nam mới đây cũng thoát trong gang tấc khỏi danh sách này. Nếu thao túng thì sẽ bị áp thuế, nếu không muốn bị coi là thao túng thì phải tuân thủ một số điều kiện trong đó có việc giao dịch Libra như ngoại tệ. Chỉ có một vấn đề nhỏ là loại ngoại tệ này không thể kiểm soát được giao dịch và đã có sẵn trong ví của hàng tỷ người dân trên toàn cầu. Và cuộc chiến giữa nội tệ với đồng crypto ngoại tệ sẽ giống như taxi truyền thống với Uber.
Và các lợi ích trên càng đặc biệt quan trọng khi diễn ra vào đúng năm bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Sẽ có rất nhiều thay đổi nếu Libra đi đúng kế hoạch của Facebook công bố. Và những thay đổi đó có thể đến rất nhanh. Nhưng người dân cũng không nên nhìn nó quá tiêu cực. Hãy bình tĩnh, mưa dông chưa chắc đã quá tệ và sau cơn mưa thì trời lại sáng.