Sáp nhập đại học sẽ là tất yếu trong tương lai để có thể hình thành những đại học lớn, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế; thu hút được người học cả trong và ngoài nước nhằm bảo đảm năng lực tự phát triển. Xu hướng này đồng thời đặt ra một loạt các thách thức.

Viện Công nghệ Nano, ĐH Quốc gia TPHCM. Nguồn: vnuhcm.edu.vn
Viện Công nghệ Nano, ĐH Quốc gia TPHCM. Nguồn: vnuhcm.edu.vn

Đại học tiếng Anh là university, có gốc từ sự kết hợp của 2 từ uni (sự đa dạng) và versity (liên kết). University có nghĩa là “sự liên kết những đa dạng, những bất đồng”, khác với diversity (đa dạng và bất đồng). Do đó, university đương nhiên phải là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có thể xem như một cộng đồng, xã hội thu nhỏ, liên kết những đa dạng, khác biệt và bất đồng.

Trực thuộc university có college là đại học của nhóm ngành (Georgetown College, Dartmouth College đều có hơn 10 ngành đào tạo từ đại học đến tiến sĩ) và school là đại học đơn ngành. Việc thành lập school phổ biến hơn college vì college là gần như là đại học đa ngành hẹp; một school muốn phát triển lên thành college phải sáp nhập, hoặc tự phát triển thêm rất nhiều ngành liên quan gần; và việc này mất rất nhiều năm do chuyện đào tạo nhân sự, phát triển hoạt động không dễ dàng. Còn từ college phát triển thành university lại càng gian nan hơn nữa. Do đó, có những college như Georgetown mặc dù đã tồn tại hơn 300 năm và rất nổi tiếng, vẫn tiếp tục là college chứ không phát triển thành university cho đến năm 2001.

Ngoài các trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ và ĐH Tôn Đức Thắng, tất cả các university còn lại hiện nay tại Việt Nam hầu hết đều là college hoặc school. Những trường này muốn tự phát triển thành university đúng chuẩn, phải cần 30 năm đến 100 năm nữa, trừ trường hợp tự nguyện sáp nhập với nhau để thành đại học đa ngành.

Cần lưu ý rằng không có nguyên tắc là phải university mới được đào tạo đại học. College và school đều có thể đào tạo đại học, sau đại học miễn là đủ điều kiện, được kiểm định công khai để có thể tuyển sinh. Thế giới đã tổ chức như vậy từ rất lâu, cho nên người ta mới không lạm dụng từ university cũng như không có chuyện thành lập university tràn lan.

Quá trình sáp nhập đại học sẽ trở nên ít tác dụng phụ hơn nếu chúng ta chủ động trong việc này. Một kế hoạch tổ hợp để 235 đại học (không kể cao đẳng) hiện nay rút xuống còn 150 hoặc 120; bao gồm cả dự kiến về tiếp nhận người học, công nhận văn bằng, sắp xếp việc tiếp quản tài sản, tài chính và công nợ của trường được sáp nhập... chắc chắn sẽ làm cho quá trình này không gây ra những lo lắng.

Sáp nhập đại học sẽ là tất yếu và xu hướng này đồng thời đặt ra một loạt các thách thức cần có giải pháp.

Đại học tư phi lợi nhuận hay là doanh nghiệp giáo dục đại học vì lợi nhuận?

Cho đến nay chưa có đại học tư nào tự nhận mình là vì lợi nhuận. Hầu như tất cả các trường tư đều tự cho mình là đại học phi lợi nhuận nhưng đối chiếu hành động của họ với những tiêu chí của một doanh nghiệp thì sẽ thấy đa số họ đang thực sự là doanh nghiệp vì lợi nhuận.

Do đó, việc phân biệt rõ đại học phi lợi nhuận và đại học vì lợi nhuận về mặt luật pháp có ý nghĩa rất lớn. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này, ranh giới giữa phi lợi nhuận và lợi nhuận sẽ không thể được nhìn ra; và chúng ta sẽ ứng xử với 2 loại đó như nhau. Mất công bằng trong ứng xử không thể giúp hệ thống đại học phát triển lành mạnh bởi không có cạnh tranh lành mạnh.

Phân biệt đại học lợi nhuận và phi lợi nhuận rõ ràng cũng giúp các đại học đi từ khuynh hướng lợi nhuận dần về khuynh hướng phi lợi nhuận; bởi đại học mà là doanh nghiệp sẽ khó phát triển do nhiều bất lợi về thuế khóa, về các chính sách ưu đãi, và cả về thị hiếu chọn trường của người học.

Trong hoàn cảnh đã và đang có nhiều doanh nghiệp bất động sản, người ngoài ngành đầu tư, mua trường đại học yếu hoặc có tranh chấp, tiến tới sở hữu nhiều trường đại học và xem đó như một hoạt động kinh doanh; việc luật pháp sớm xác định bảng mô tả và chính sách cho đại học phi lợi nhuận và vì lợi nhuận là vô cùng cần thiết.

Đại học công là đơn vị sự nghiệp công hay đại học phi lợi nhuận?

Rõ ràng là đến nay, cơ sở giáo dục đại học công lập là đơn vị sự nghiệp của nhà nước; và theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), họ tiếp tục sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Tuy nhiên, khi những khoản đầu tư của nhà nước vào xây dựng cơ bản và chi thường xuyên lần lượt chấm dứt trong vòng 5 năm tới, cơ sở giáo dục đại học công lập hầu như sẽ phải tự đứng trên đôi chân mình.

Đầu tư công dưới dạng dự án của quốc gia vào các chương trình trọng điểm rồi sẽ đi theo phương thức đấu thầu sản phẩm đầu ra, và mọi đại học, kể cả đại học tư vì lợi nhuận, đều có quyền ngang bằng để tham gia đấu thầu. Như vậy, hầu như khái niệm đơn vị sự nghiệp công hay dịch vụ công của nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học sẽ dần bị lu mờ bởi theo thời gian, giá trị tài sản, tài chính, con người do chính cơ sở đại học tạo ra sẽ từ lớn đến rất lớn so với tài sản, tài chính và con người vốn có nguồn gốc từ nhà nước đầu tư. Lúc đó, đại học công của Việt Nam sẽ giống với hệ thống UC, USC của Hoa Kỳ, nơi nhà nước chỉ chi phối đại học thông qua các chương trình đầu tư công của mình; còn quyền làm chủ nhà trường thực sự thuộc về hội đồng đại học gồm “đại diện tất cả các bên có lợi ích liên quan”, trong đó có các thành viên của nhà nước.

Rất khó để nói rằng đến lúc đó, đại học công lập tự chủ của Việt Nam còn thuộc về nhà nước 100%. Thực tiễn các nước có nền giáo dục đại học phát triển trước cho thấy, các cơ sở đại học công lúc đó đã trở thành cơ sở giáo dục của toàn dân, được làm chủ và quản trị bởi tập thể các bên có lợi ích liên quan đến nó trong toàn xã hội. Nó là đơn vị dịch vụ giáo dục phi lợi nhuận đích thực của cộng đồng.

Quá trình này có thể được nhìn thấy tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới với một số cơ sở đại học công phát triển trước.

Vai trò của các đại học quốc gia, đại học vùng sẽ ra sao?

Đại học quốc gia, đại học vùng lúc đó có cần nữa không? Câu trả lời của chúng tôi là có thể có và cũng có thể không.

Nếu đại học quốc gia, đại học vùng vẫn muốn được ngân sách nhà nước tài trợ như hiện nay, nhưng để rồi chỉ tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực như những đại học công tự chủ khác (các trường này lúc đó hoàn toàn không còn ngân sách đầu tư và chi thường xuyên) mà không có gì đặc biệt hơn, thậm chí chất lượng đào tạo chưa chắc đã bằng, thì sự duy trì các đại học quốc gia, đại học vùng là hoàn toàn không cần thiết.

Trong trường hợp các đại học quốc gia và đại học vùng chỉ chọn đi vào đào tạo cho các chương trình nhân lực trọng điểm, nghiên cứu chuyên sâu những ngành mà các đại học công lập tự chủ khác không thể làm được hoặc không muốn làm (như hàng không, vũ trụ, khoa học lượng tử, hạt nhân, công nghệ robot, 4.0...), nhường hẳn việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội cho những đại học công lập tự chủ đang làm tốt thì đại học quốc gia và đại học vùng vẫn có vai trò nhất định với đất nước để có thể tiếp tục được ngân sách bao cấp.

Đầu tư công vào giáo dục và KH&CN nên như thế nào?

Sẽ là đầu tư có điều kiện, và mọi cơ sở giáo dục đều được quyền tham gia bằng nhau. Cụ thể, đó là những điều kiện: a) đấu thầu công khai, minh bạch; b) đầu tư theo hình thức ứng trước và giao nộp sản phẩm để quyết toán sau; c) trong tình huống rủi ro, chỉ tài trợ lãi; vốn phải thu hồi. Vì sao vậy? Vì đầu tư vào những phòng thí nghiệm trọng điểm như máy gia tốc hạt dưới lòng đất, lò phản ứng hạt nhân để nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu y, dược; các trang thiết bị tối tân cho khoa học vũ trụ... đắt gấp trăm, ngàn lần việc xây một tòa nhà giảng đường với trang thiết bị thiết yếu dùng cho đào tạo đại học. Những khoản đầu tư như vậy một đại học tự chủ tài chính hoàn toàn (hoặc đại học tư của một doanh nghiệp không đủ mức đại chúng) khó có thể trang bị trong vòng 10 năm, 20 năm. Do đó, đầu tư công phải có mặt.

Nhưng đầu tư công này không phải là khoản chi vô điều kiện, không kèm theo sản phẩm. Thực chất, phương thức trên chỉ là ứng vốn để mua sản phẩm và đại học đăng ký phải cam kết giao nộp sản phẩm mà nhà nước đặt hàng trong thời gian nhất định. Nếu đúng thời hạn (kể cả ân hạn) giao nộp được sản phẩm, sẽ được quyết toán cấp luôn ngân sách đã nhận. Hết thời gian ân hạn, không nộp được sản phẩm, sẽ phải hoàn 100% tiền vốn từ đầu tư công. Cơ sở giáo dục đại học chỉ được tài trợ phần lãi (nhà nước không tính lãi tiền vốn đã cho mượn). Bằng cách này, ngân sách có thể chi cho rất nhiều chương trình bởi nếu có rủi ro thì cũng chỉ mất lãi. Chương trình kích cầu của TPHCM trong 20 năm qua (1999-2019) chỉ tiêu tốn khoảng 10.000 tỷ tiền trợ lãi mà đã kéo theo khoảng 150.000 tỷ vốn xã hội (mỗi đồng ngân sách chi ra, kéo theo đầu tư xã hội từ 13 đến 15 đồng), đem lại lợi ích lớn cho Thành phố. Chỉ cần trợ lãi là có thể mở rộng đầu tư công vào các cơ sở đại học mạnh, có tiềm năng KH&CN để giúp họ vốn ban đầu phát triển các mục tiêu nghiên cứu lớn. Bằng cách đó, nhà nước vẫn có trách nhiệm với đại học, nhưng có trách nhiệm một cách hiệu quả.

(Trích bài trình bày tại hội thảo Sắp xếp mạng lưới giáo dục-đào tạo do Hiệp hội các trường CĐ&ĐH Việt Nam tổ chức trung tuần tháng 6/2019)