Một hoạt động trọng tâm đặt ra với các sở KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên từ lần giao ban vùng lần thứ XIV tại Lâm Đồng năm 2017 là triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp xung quanh việc phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, thực hiện được những yêu cầu cấp bách này là không dễ dàng.

Việc thu hút doanh nghiệp sẽ chưa thể dễ dàng được nếu vẫn tồn tại một chuỗi dài các thủ tục “mòn mỏi”, theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam Ảnh: HL
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam Ảnh: HL

Là những người đầu tiên có ý kiến phát biểu tại Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XV tại Đà Nẵng vào ngày 21 tháng 6, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi và ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam nhấn mạnh, ngay từ sớm các Sở này đã đề ra kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, với ba trọng tâm chính gồm hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ và nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp. Hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hành các tiêu chí, công cụ để nâng cao năng suất chất lượng hoặc hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác cho các hộ kinh doanh và hợp tác xã thì dễ dàng hơn và thấy rõ hiệu quả. Có thể thấy rõ ràng, hộ kinh doanh, hợp tác xã nhận được lợi ích rất lớn khi nhận được các hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, chẳng hạn, tiêu Tiên Phước (Quảng Nam) sau khi được đăng ký nhãn hiệu tập thể và đang trong quá trình xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý hiện có giá cao hơn bất kỳ loại tiêu nào khác ở Việt Nam, còn nước mắm Cửa Khe cũng đã tăng giá vài lần sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể.

Không để doanh nghiệp mòn mỏi vì thủ tục hành chính

Nhưng để hỗ trợ được doanh nghiệp tham gia chương trình đổi mới thiết bị công nghệ, bằng cách chính cán bộ Sở KH&CN đi khảo sát thực tế để vận động các doanh nghiệp tham gia vào chương trình, thậm chí “in tờ rơi, thành lập các tổ công tác đi vào các khu công nghiệp” (đến nay Quảng Ngãi hỗ trợ được 8 dự án, với tỉ lệ nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp đối ứng 70%), thì quá trình vận động doanh nghiệp là…“gian nan” bởi vì doanh nghiệp rất sợ bị kiểm tra hoạt động. Bản thân ông Thành, từng có xuất thân làm trong khối doanh nghiệp nên mới tiếp cận doanh nghiệp dễ hơn.

Đồng tình vì những vấn đề của Quảng Ngãi cũng “tựa tựa” Quảng Nam, ông Phạm Viết Tích cho biết thêm, việc thu hút doanh nghiệp sẽ chưa thể dễ dàng được nếu vẫn tồn tại ràng buộc về thủ tục hành chính. Mà hiện nay, dường như “chúng ta đang đặt doanh nghiệp lên bàn cân rất lớn”, giữa hỗ trợ với một chuỗi dài các thủ tục “mòn mỏi”. Ông lấy ví dụ về việc khó tiếp cận quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia NATIF vì quy trình tiếp nhận hồ sơ rất chậm chạp: “chúng tôi đề xuất năm dự án mà sau hai năm nộp hồ sơ mới nhận được kết quả là chỉ có một dự án của Trường Hải được chấp nhận. Còn những dự án khác chúng tôi cũng không hiểu rõ tại sao lại không đạt”. Ông Tích đoán, những dự án không đạt bởi vì công nghệ không “rất mới” so với Việt Nam, tức là công nghệ mà các công ty đề xuất sẽ ứng dụng đã từng được áp dụng ở những trung tâm KH&CN lớn của đất nước như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Nhưng đó là một đòi hỏi quá cao, mà “khi nghe họ nói là tụi tôi thất vọng liền”, bởi vì “không mấy doanh nghiệp địa phương tham gia áp dụng công nghệ mới chưa có bao giờ có ở Việt Nam cả”.

Do vậy, để mời gọi doanh nghiệp tham gia vào các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, thì điều quan trọng nhất là phải cởi mở trong quy trình xét duyệt, giảm các thủ tục hành chính, có tiêu chí rõ ràng trong xét duyệt dự án đổi mới công nghệ, trong đó có tính đến đặc thù, mặt bằng ứng dụng KH&CN của các địa phương khác nhau. “Họ đang sử dụng công nghệ rất cũ mà mạnh dạn đổi mới sang công nghệ mới giúp năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, còn nếu không, “ở tỉnh lẻ thì dễ dàng gì mà theo kịp”, ông Tích nói.

Trong khi đó, Quỹ KH&CN của các địa phương, được kỳ vọng không chỉ tạo ra một cơ chế mới về tài chính cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của địa phương, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay, nhưng để hỗ trợ được cho doanh nghiệp có lẽ còn là câu chuyện xa xôi. Chưa kể một số tỉnh trong vùng không thành lập được Quỹ KH&CN (như Phú Yên, Khánh Hòa), thì nhiều tỉnh đã thành lập Quỹ này nhưng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn rất hạn chế. Như Bình Định, Đà Nẵng có Quỹ nhưng không thể cho vay được, bởi vì điều lệ hoạt động chỉ cho phép chi không quá 10% vốn điều lệ của Quỹ hoặc lãi suất vẫn không giảm được bao nhiêu so với việc doanh nghiệp vay ở quỹ khác. Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết ông phải nhận khuyết điểm là có quỹ mà không hoạt động tốt và đề nghị cho sáp nhập quỹ này vào với Quỹ Phát triển của tỉnh. Còn Quảng Ngãi thì đã tuyên bố giải thể Quỹ KH&CN tỉnh vào cuối năm 2018 do kể từ khi thành lập vào năm 2006 đến nay chưa đi vào hoạt động. Đại diện của Vụ Tài chính cũng cho biết, không chỉ các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhìn chung đến năm 2018 nhiều tỉnh đã phải dừng hoạt động hỗ trợ của Quỹ KH&CN tỉnh. Bởi vì, đến giờ vẫn vướng các quy định về tài chính, phải tuân theo Luật Ngân sách và phải rà soát tính chất từng quỹ là đơn vị trong ngân sách hay ngoài ngân sách. Chẳng hạn, nếu được xác định là quỹ trong ngân sách nhà nước thì muốn hỗ trợ doanh nghiệp sẽ phải bảo toàn vốn và không được trùng lắp với nội dung chi của các nhiệm vụ KH&CN của nhà nước.

Phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực: Không thể thiếu liên kết

Không chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ, việc thúc đẩy doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, đặc biệt là các chuỗi của sản phẩm chủ lực của địa phương, vùng là trọng tâm khác mà các sở KH&CN đặt lên hàng đầu. Thậm chí cụm từ “thúc đẩy chuỗi giá trị” đã trở thành “quen quen” mà đi đâu cũng nghe nói, theo bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng, nhưng làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất? Điểm mấu chốt là “một mình sở KH&CN sẽ không thể làm được”.

Cụm từ “thúc đẩy chuỗi giá trị” đã trở thành “quen quen” mà đi đâu cũng nghe nói. Nhưng làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất?, theo bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng Ảnh: HL
Bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng Ảnh: HL

Mà ở đây phải có sự liên kết, một là giữa sở KH&CN ở địa phương và các sở, ngành khác có liên quan trong cùng một địa phương, giữa các địa phương trong vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cũng như một cơ chế điều chỉnh, chỉ đạo từ Trung ương. Bài học của Lâm Đồng, tỉnh có khoảng 130 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, trong đó có những doanh nghiệp đã mở rộng liên kết hàng trăm hộ sản xuất, là phải xác định rõ, trong bối cảnh kinh phí [hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ sản xuất] của ngành KH&CN “không đáng là bao, mà các sở ngành khác cũng có hỗ trợ từ nguồn của họ nữa”, thì phải đảm nhiệm lấy vai trò đầu mối, sau đó phải ngồi cùng doanh nghiệp xác định được chiến lược phát triển trong từng sản phẩm, từng ngành hàng và làm cầu nối liên kết doanh nghiệp với viện, trường.

Tuy nhiên, việc liên kết giữa các địa phương với nhau, hoặc giữa chuỗi giá trị các ngành sản phẩm chủ lực khác nhau trong cùng một địa phương nhiều khi lại không dễ dàng, suôn sẻ như vậy. Ví dụ như trường hợp của Ninh Thuận, hiện nay đã xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng và xác định có 12 sản phẩm đặc thù. Năm 2018, Sở KH&CN tỉnh này đã đăng ký tem điện tử thông minh cho 12 sản phẩm và năm 2019 hướng dẫn người dân, các doanh nghiệp tạo lập thông tin để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, mỗi công ty, mỗi chuỗi sản phẩm lại có thể sẽ sử dụng một loại phần mềm riêng, mà nếu không kiểm soát trên phạm vi rộng ở vùng hoặc thậm chí trong nước thì sẽ dẫn tới “loạn”. Chẳng hạn, nếu không kiểm soát thì có thể mỗi sản phẩm, mỗi tỉnh lại “làm một kiểu”, cần cài một ứng dụng riêng để kiểm tra truy xuất nguồn gốc, và với hàng chục, hàng trăm đặc sản thì người tiêu dùng khó lòng kiểm tra được thông tin.

Việc liên kết nội vùng còn giúp tiết kiệm đáng kể nguồn lực cho KH&CN, chẳng hạn, có nhiều đề tài nghiên cứu đã được các thành phố lớn, tập trung các viện, trường uy tín trong vùng như Đà Nẵng nghiệm thu và triển khai hoàn toàn có thể chia sẻ với các tỉnh khác có cùng các vấn đề tương tự, nhằm ứng dụng ngay mà không mất tiền của xây dựng các đề tài tương tự. Tuy nhiên, báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN địa phương cũng đã chỉ ra, liên kết giữa các sở trong vùng còn mờ nhạt, chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KH&CN có thể giải quyết được các vấn đề liên tỉnh, liên vùng.

Trước thực tế như vậy, trước hết, để khắc phục tình trạng “ốc đảo” về thông tin giữa các sở, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết, mới đây Cục hoàn thành hệ thống thông tin KH&CN về các nhiệm vụ KHCN trong cả nước và cấp tài khoản cho cả 63 Sở KH&CN. Hệ thống này cung cấp toàn văn tất cả các nhiệm vụ KHCN (33.000 kết quả đề tài nghiên cứu các cấp, trên 300.000 nghìn bài báo KH&CN trong nước) từ trước tới nay, nhằm giúp các sở khai thác, chuyển giao vào thực tế ở địa phương mình. Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cũng cho biết, sẽ cung cấp thông tin về tình hình ứng dụng một số nghiên cứu ở Đà Nẵng cho các tỉnh khác.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng yêu cầu các đơn vị chức năng trong Bộ phải rà soát cập nhật những vướng mắc mà địa phương gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sớm có hướng dẫn để đưa ra một quy định thống nhất trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Để thúc đẩy nhiệm vụ có tính xuyên suốt, lâu dài là liên kết vùng mà hiện nay vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Phát triển KH&CN địa phương cùng các Sở soạn thảo nội dung và báo cáo lãnh đạo Bộ trong ba tháng tới.