Từ đương đầu với biến đổi khí hậu hay gia tăng dân số, châu Phi đang cần gây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu từ chính cộng đồng dân cư của mình.
Nếu năm 1950, từ chỗ chỉ có 200 triệu người thì chỉ trong vòng 7 thập kỷ, dân số châu Phi đã tăng lên 1,25 tỷ vào năm 2018. Với đà gia tăng này, vào thế kỷ tới, người ta dự báo dân số của châu Phi sẽ tăng lên gần gấp bốn lần. Cùng với đó, nhiệt độ của châu lục này cũng được dự báo là tăng lên khoảng 3 °C đến 4 °C vào thế kỷ tới, nhiều khả năng dẫn đến hạn hán, ngập lụt, xung đột và sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật.
Để đối mặt với những thách thức đó, châu Phi phải tăng cường năng lực bằng con đường đào tạo đại học và nghiên cứu. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục và nghiên cứu ở các trường đại học đã bị suy giảm trong hai thập kỷ qua. Do đó, theo quan điểm của các nhà khoa học trẻ từng được học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, châu Phi phải bắt tay vào nâng cấp hệ thống giáo dục đại học trong các trường đại học công và tư với sự hỗ trợ của cộng đồng khoa học quốc tế.
Bùng nổ hay tan vỡ?
Trong hơn 20 năm cuối thế kỷ 20, các chính quyền và World Bank đã ưu tiên giáo dục tiểu học hơn là giáo dục đại học. Ví dụ từ năm 1980 đến năm 1996, trong tổng ngân sách giáo dục của vùng Hạ Sahara của châu Phi, 49% là dành cho giáo dục tiểu học và chỉ 18% là cho giáo dục đại học.
Nhưng từ đầu những năm 2000, các chính quyền và tổ chức quốc tế đã thay đổi chiều hướng đầu tư cho giáo dục đại học lại được coi trọng. Ví dụ ở Ethiopia, hiện đã có 46 trường đại học trong khi trước năm 2000 chỉ có hai trường. Từ năm 2000 đến năm 2013, toàn lục địa có 12,2 triệu sinh viên và học viên cao học.
Dẫu vậy phần lớn trường đại học ở châu Phi đều thiếu thiết bị, thư viện và các cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Tại trường Đại học Addis Ababa (xếp hạng 37 trong số các trường châu Phi), mỗi nghiên cứu sinh nhận được 16.000 USD cho 4 năm nghiên cứu, thấp hơn tới 60% so với các nghiên cứu sinh ở châu Âu hoặc Mỹ. Hơn thế, quá trình nghiên cứu của họ cũng gặp nhiều hạn chế bởi ít có quyền truy cập vào các ấn phẩm khoa học ngoài những ấn phẩm có sẵn miễn phí trên mạng.
Tại Ethiopia năm 2010, số lượng giảng viên có bằng cao học ít hơn 20%, và số tiến sĩ ít hơn 4%, thậm chí ở Nam Phi, quốc gia có ngân sách đầu tư vào R&D cao nhất châu lục cũng chỉ có 39% giảng viên là tiến sỹ.
Vì các trường đại học ở châu Phi tiếp tục bùng nổ như nấm sau mưa và số lượng người theo học cũng đông nên trên khắp châu lục, các giảng viên giờ lên lớp trong các lớp học có rất đông sinh viên theo học. Cộng với việc lương thấp, nhiều người trong số họ phải tìm thêm công việc phụ tại các trường đại học tư hoặc tham gia các tổ chức NGO nên lại càng ít có thời gian nâng cao trình độ.
Sự thiếu hụt trong quá trình đào tạo này trở thành một vòng luẩn quẩn. Học viên tốt nghiệp từ nhiều trường đại học với những luận văn không đạt tiêu chuẩn quốc tế, và hiếm khi công bố được trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao.
Những hỗ trợ từ quốc tế
Hiện nay, những hỗ trợ từ bên ngoài cho khoa học châu Phi đều chủ yếu từ các tổ chức quốc tế như World Bank, từ các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, NaUy, Thụy Điển, Anh... Kể từ năm 2014, World Bank đã cung cấp 500 triệu USD để tăng cường năng lực hoặc xây dựng 46 trung tâm xuất sắc trong trường đại học, vốn tập trung vào giáo dục sau đại học và nghiên cứu ứng dụng. Một nửa các trung tâm này đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ riêng tại Tây và Trung Phi, 8.000 sinh viên cao học và 2.000 nghiên cứu sinh được nhận vào các trung tâm này.
Tuy nhiên những hỗ trợ như vậy đều không bền, kinh phí đầu tư cũng chỉ theo giai đoạn ngắn 5 năm và các xu hướng hỗ trợ hiện đang bị thu hẹp: vào tháng 3/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất cắt 23% kinh phí trong các chương trình hỗ trợ châu Phi.
Từ năm 1961, Thụy Điển đã cung cấp các khoản tài trợ dài hạn cho các nhóm nghiên cứu tại các trường đại học ở các nước thu nhập thấp - chủ yếu ở châu Phi - về vật lý, hóa học và toán học. Tương tự, Na Uy mở nhiều chương trình đào tạo khoa học khác nhau từ năm 1970 và thay đổi cách thức đào tạo với Chương trình Đối tác Na Uy về hợp tác học thuật toàn cầu (NORPART) thay thế Chương trình học bổng hạn ngạch Na Uy từ cuối năm 2017. Từ NORPART, một chương trình trao đổi giáo dục hai bên cùng có lợi giữa Đại học Oslo và Đại học Addis Ababa được thiết lập để thúc đẩy trao đổi ý tưởng giữa các giảng viên và đào tạo cả 26 sinh viên Ethiopia và 15 học viên cao học Na Uy trong 5 năm.
Ba bước để thay đổi
Từ việc quan sát những gì diễn ra ở quê hương và kinh nghiệm phát triển của các quốc gia mạnh về khoa học, các nhà nghiên cứu trẻ châu Phi đã rút ra một số vấn đề cần thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục và khoa học của lục địa đen:
1. Mời các nhà khoa học quốc tế tư vấn và hướng dẫn
Việc thiết lập chế độ “một kèm một” giữa các nhà khoa học từ các quốc gia tiên tiến với sinh viên châu Phi sẽ giúp cho châu Phi có được những nhà nghiên cứu trẻ đạt trình độ quốc tế, qua đó thúc đẩy tốc độ phát triển khoa học ở châu Phi một cách bền vững. Và để thúc đẩy điều đó tốt hơn, những nhà khoa học đảm trách vai trò cố vấn cho sinh viên châu Phi và cả những người từ các quốc gia thu nhập thấp cũng cần được tăng thêm một số khoản tài trợ đặc biệt để họ có thêm điều kiện tư vấn.
2. Thiết lập những chương trình đạo tạo “đặc biệt”
Các trường viện ở các quốc gia phát triển hỗ trợ sinh viên châu Phi nên thiết kế các chương trình phù hợp với nhu cầu của người học hơn là áp dụng những chương trình có sẵn hoặc có những khoản kinh phí bổ sung cho sinh viên có điều kiện học thêm một năm hoặc nhiều khóa học hơn.
3. Hỗ trợ các nhà khoa học ở các trường viện châu Phi
Các trường đại học trên khắp châu Phi cần thu hút các nhà nghiên cứu giỏi và đặc biệt là nghiên cứu trẻ, bằng việc cải thiện điều kiện nghiên cứu. Dù dễ dàng có được một vị trí trong các trường nhưng mức lương thấp khiến nhiều nhà nghiên cứu trở về nước sau một thời gian ở nước ngoài cảm thấy khó khăn duy trì khả năng cạnh tranh nên họ có xu hướng bỏ trường để tới làm việc trong các công ty tư nhân, gây nạn chảy máu chất xám.
Để khuyến khích các tiến sĩ châu Phi làm khoa học ngay trên quê hương mình, các tổ chức tài trợ trên thế giới nên cung cấp nhiều khoản tài trợ dài hạn cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cho họ.