Với trung bình khoảng 20 - 30% ngân sách hàng năm được chi cho mua sắm công, nếu Nhà nước thực hiện nghiêm khắc các yêu cầu về sản phẩm hợp pháp thì sẽ tạo sức ép rất lớn, buộc các doanh nghiệp, và thị trường nội địa nói chung, phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp trong các hoạt động kinh doanh.

VCCI vừa công bố báo cáo “Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam” khảo sát 100 hồ sơ mời thầu (mua sắm sản phẩm gỗ) của các cơ quan nhà nước trong khoảng thời gian 2016-2018.

Báo cáo cho thấy nhiều sản phẩm gỗ trong mua sắm công (khách hàng tiêu thụ là Nhà nước) đang có rủi ro bất hợp pháp cao. Điều này đặc biệt xung đột với Hiệp định VPA/FLEGT mà Việt Nam ký với Châu Âu vào tháng 10/2018 và có hiệu lực từ tháng 6/2019, theo đó tất cả các sản phẩm gỗ ở Việt Nam, bao gồm cả gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, đều phải là gỗ hợp pháp. Điều đáng nói là, những thiếu sót trong quy định hoạt động đấu thầu mà VCCI chỉ ra, trong khi đặc biệt đúng với đặc thù của sản phẩm gỗ, có thể cũng đang ảnh hưởng đến tính hợp pháp của các sản phẩm mua sắm công nói chung.

Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018, Việt Nam chi trung bình khoảng 20 - 30% ngân sách hàng năm cho mua sắm công, cho thấy nhà nước là một “khách hàng” rất lớn trong thị trường nội địa. Nếu khách hàng này thực hiện một cách nghiêm khắc các yêu cầu về sản phẩm hợp pháp thì sẽ tạo sức ép rất lớn, buộc các doanh nghiệp, và thị trường nội địa nói chung, phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp trong các hoạt động kinh doanh.

VPA (Voluntary Partnership Agreement) là một thỏa thuận đối tác tự nguyện, được ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý giữa khu vực các nước châu Âu (EU) và quốc gia xuất khẩu gỗ bên ngoài khu vực EU. Châu Âu là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ tư của Việt Nam, giá trị xuất khẩu sang thị trường này luôn ổn định trong ba năm qua, với giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm trên 700 triệu USD. Các sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT của Việt Nam có thể xuất khẩu sang EU mà không cần trải qua các kiểm định EUTR (EUTR chỉ cho phép gỗ và sản phẩm gỗ được khai thác hợp pháp và có chứng nhận được buôn bán tại thị trường châu Âu). Hàng rào thuế và thuế quan cũng sẽ được giảm khi gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT. Các chuyên gia trong ngành ước tính nếu đạt chuẩn VPA / FLEGT, giá sản phẩm gỗ xuất khẩu có thể tăng thêm từ 20% đến 25%. VPA / FLEGT có thể mở ra những hy vọng lớn lao cho ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam, nhưng việc hiện thực hóa những tiềm năng này đang đặt ra một số vấn đề nhất định.

Thiếu các quy định hướng dẫn

“Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng tôi, chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào về hiện trạng, cơ chế kiểm soát bảo đảm gỗ hợp pháp trong mua sắm công của nhà nước Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Hội nhập kinh tế quốc tế (WTO), VCCI, nói. “Liệu pháp luật hiện hành về mua sắm công có đủ công cụ, quy định để lọc bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi nguồn cung cho nhà nước hay không?”

Câu hỏi này có thể đặt ra với tất cả các sản phẩm và ngành hàng mua sắm công nói chung, không chỉ gỗ. Bởi nguyên tắc chung của hoạt động đấu thầu là phải tuân thủ pháp luật đấu thầu và tất cả các hệ thống pháp luật liên quan (theo khoản 1, điều 3, Luật Đấu thầu), nhưng trên thực tế nguyên tắc này “không có bất kỳ một quy định hướng dẫn nào” và “không được áp dụng để kiểm soát hàng hóa, trong đó có gỗ, có được mua sắm hợp pháp hay không”, theo Giám đốc trung tâm WTO. “Trên thực tế, nó hay được áp dụng để [đảm bảo] nhà thầu tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, về thuế, về lao động”.

Luật Đấu thầu có điều kiện về “Tính hợp lệ của hàng hóa dịch vụ”, tuy nhiên “hợp lệ” không phải là “hợp pháp” và đối với sản phẩm gỗ thì các điều kiện “hợp lệ” chưa đủ để đáp ứng các khái niệm gỗ hợp pháp, theo báo cáo của VCCI.

Hơn nữa đây chỉ là một hướng dẫn trong mẫu hồ sơ mời thầu, không có giá trị pháp lý tương đương điều kiện về tư cách nhà thầu nằm trong Luật Đấu thầu. “Pháp luật đấu thầu hiện nay chưa có yêu cầu hàng hóa dịch vụ phải hợp pháp”, bà Trang, đại diện nhóm nghiên cứu VCCI, nói tại buổi công bố báo cáo, “chưa có yêu cầu chứ chưa nói đến cơ chế để kiểm soát”.

Chỉ biết trông vào cơ quan mời thầu

Tuy chưa có quy định cứng, nhưng các cơ quan, đơn vị nhà nước khi thực hiện mua sắm vẫn có quyền tự đưa ra yêu cầu riêng về tính hợp pháp của sản phẩm trong hồ sơ mời thầu. Một lần nữa, về lý thuyết, điều này có thể hạn chế sản phẩm bất hợp pháp, nhưng thực tế khảo sát của VCCI cho thấy các cơ quan nhà nước khi mời thầu không quan tâm nhiều đến tính hợp pháp của sản phẩm.

Trong 100 bộ hồ sơ mời thầu sản phẩm gỗ được VCCI khảo sát, chỉ có 4 hồ sơ yêu cầu thêm về việc sản phẩm tuân thủ pháp luật về nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu, bên cạnh các yêu cầu chung của hồ sơ mời thầu (vốn không quá chặt chẽ với sản phẩm). Hơn nữa, 11% trong số các hồ sơ yêu cầu sản phẩm thuộc gỗ nhóm I hoặc gỗ nhóm II, gỗ quý và độ rủi ro bất hợp pháp là rất cao do chính phủ đã không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên từ hơn 10 năm nay.

“Phần lớn các bộ hồ sơ mời thầu trên thực tế không quan tâm đến tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Bên mời thầu, hay đơn vị mua sắm, không đặt ra các yêu cầu liên quan đến tính hợp pháp của sản phẩm gỗ”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Tuy báo cáo của VCCI chỉ có phạm vi 100 hồ sơ mời thầu, và chỉ tập trung vào sản phẩm gỗ, nhưng vẫn cho thấy những điểm yếu nhất định trong Luật Đấu thầu; cũng như cho thấy khi mua sắm công, khả năng cao các cơ quan nhà nước sẽ không yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm nếu không có quy định bắt buộc.

Nếu như Luật Đấu thầu không đặt ra điều kiện về “tính hợp pháp của hàng hóa dịch vụ” và đưa ra các quy định chi tiết mà chỉ trông chờ vào sự tự giác của các cơ quan thì như báo cáo đã cho thấy, không nhiều cơ quan tỏ ra quan tâm, kéo theo rủi ro bất hợp pháp cao với sản phẩm mua sắm công.