Cùng với việc đánh giá cao các thành tích mà kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2019, các chuyên gia kinh tế đi sâu phân tích các khía cạnh rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm nay, từ lĩnh vực bất động sản đến vấn đề nợ công và nguy cơ nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ.

Tại buổi tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2019" ngày 16/1 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS), VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2020 ở mức 6,48%, so với mục tiêu do Quốc hội đề ra là 6,8%. Và ngay cả để đạt được mục tiêu ít lạc quan hơn này cũng cần các điều kiện “ràng buộc”, đặc biệt trong việc điều hành chính sách tiền tệ có khả năng gây ảnh hưởng đến cung tiền, hoạt động trả nợ công, lãi suất, tín dụng, dự trữ ngoại hối và sức ép lạm phát.

Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 | Ảnh: VEPR
Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 | Ảnh: VEPR

Bên cạnh đó, VEPR khẳng định triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khả năng thay đổi chất lượng dòng vốn FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc sau việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, nhưng lợi ích ròng phụ thuộc rất nhiều vào cách các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị năng lực cạnh tranh và Việt Nam đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế như thế nào. Báo cáo VEPR đưa ra ví dụ cụ thể về việc thép Việt Nam bị đánh thuế sang Mỹ lên tới hơn 400% trong năm 2019 vừa qua đặt ra các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và “Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ”.

Các khía cạnh rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt

Bên cạnh việc đánh giá cao các thành tích mà kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2019 như số liệu công bố của các cơ quan nhà nước và Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 của World Bank ngày 15/1, các chuyên gia kinh tế trong buổi tọa đàm đi sâu hơn vào phân tích các khía cạnh rủi ro nền kinh tế phải đối mặt.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 6 thách thức trong năm tới. Theo ông, rõ ràng từ vài năm nay, nông nghiệp đã trở nên khó khăn do tác động rất mạnh từ biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Việc tái cơ cấu nền kinh tế chậm chạp, năm 2019 số doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đến 30% kế hoạch. Cải cách thể chế, nhất là thể chế cho kinh tế số, không đáp ứng được kì vọng – “những nghị định cho mô hình kinh doanh mới như uber, fintech vẫn chưa hoàn thành. Điều chỉnh chậm về thể chế sẽ làm mất nhiều cơ hội trong nền kinh tế số” - TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số thị trường như bất động sản đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rủi ro. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc như chất lượng nguồn nước, chất lượng không khí nổi lên cho thấy chúng ta vẫn chưa thực sự nắm được phát triển bền vững và có thể những nỗ lực tăng trưởng của Việt Nam ở ngành khác sẽ bị thiệt hại của ô nhiễm môi trường san lấp mất. Thêm vào đó, năng lực chống chọi của nền kinh tế vẫn còn yếu trước những cú sốc từ bên ngoài.

Các diễn giả tham gia hội thảo kinh tế ngày 16/1/2020. Từ trái qua, PGS.TS. Phạm Thế Anh, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Võ Trí Thành, TS. Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Trí Hiếu
Các diễn giả tham gia hội thảo kinh tế ngày 16/1/2020. Từ trái qua, TS. Phạm Thế Anh, TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Võ Trí Thành, TS. Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Trí Hiếu | Ảnh: VEPR

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Kinh tế cao cấp, cũng đề cập đến một số ví dụ cho thấy kinh tế Việt Nam chưa thực sự “tỏa sáng” như những gì kì vọng. Cụ thể, về quy mô GDP quốc gia chỉ đứng thứ 146/211 thế giới, hơn 3 nước Lào, Campuchia, Myanmar trong khu vực, trong khi GDP bình quân đầu người chỉ ở mức 2.698 USD. “Con số tăng trưởng GDP hơn 7% hay quy mô GDP hơn 300 tỷ USD đều tốt cả, nhưng với riêng mỗi cá nhân người Việt Nam, chúng ta vẫn ở trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Muốn tiến lên nhóm thu nhập trung bình cao, con đường của Việt Nam còn dài, chúng ta vẫn ở trong bẫy thu nhập trung bình”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.

Một vấn đề khác là xếp hạng tín nhiệm Việt Nam theo đánh giá của Moody’s, Fitch, Standard & Poors vẫn ở mức non-investment grade speculative – nhóm không nên/ không khuyến khích đầu tư, mang tính đầu cơ, rủi ro cao. Việc Moody’s hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ mức tích cực xuống tiêu cực vào giữa tháng 12/2019 và tiếp tục hạ bậc triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng trong nước chỉ ra rằng nếu Việt Nam không nỗ lực gấp đôi để cải thiện, xếp hạng trong tương lai của chúng ta sẽ tiếp tục bị sụt giảm và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quyết định đầu tư của nước ngoài vào.

Các nhà kinh tế cũng bày tỏ lo lắng về hai vấn đề tài chính trong năm 2020, một là việc nợ công và đợt phát hành trái phiếu để trả nợ lãi và một phần nợ gốc, hai là việc nguy cơ nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Chính phủ nên xem xét việc đưa ra một trần nợ công trên con số tuyệt đối trong một giai đoạn nhất định, thay vì con số tương đối là phần trăm trên GDP như hiện nay, để phản ánh được rõ con số nợ công và giúp đưa ra những hoạch định chính sách phù hợp hơn.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR – cũng nhận xét dù GDP tăng về mặt danh nghĩa nhưng số nợ công thực chất không đổi và khả năng trả nợ, tức khả năng thu thuế và giảm thâm hụt ngân sách, có thể không theo kịp với nhu cầu trả lãi và gốc. Theo ông, Nhà nước nên đưa ra các con số nợ công theo giá trị cụ thể, chia theo cơ cấu nợ khác nhau để công chúng thuận tiện cho việc giám sát.

Về danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu không đồng tình với các nhà kinh tế khác khi cho rằng nguy cơ Việt Nam bị đưa vào danh sách là lớn bởi theo ông việc này mang tính chất chính trị của tổng thống Trump hơn, nhưng cũng nên thận trọng để tránh bị liệt vào về mặt kĩ thuật. Để đối phó với nguy cơ kỹ thuật, TS. Cấn Văn Lực đề xuất rằng Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện dự trữ ngoại hối nhưng không phải một chiều mà theo hướng có mua, có bán, không can thiệp liên tục trong 6/12 tháng; đồng thời, không dùng công cụ tỷ giá để làm tăng ngoại thương.

Nói chung, các nhà kinh tế cho rằng trước bối cảnh kinh tế bất định và sức chống chịu của Việt Nam chưa cao, các thành phần của nền kinh tế đều cần sự chuẩn bị đầy đủ và có những kịch bản đối phó cụ thể.

Tại Tọa đàm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) dùng ba từ để mô tả về nền kinh tế thế giới hiện nay là “giảm tốc, bất định và rủi ro”. Theo ông, tình trạng này sẽ còn duy trì trong năm 2020, nhất là về dài hạn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2019 được các tổ chức quốc tế đánh giá là lạc quan hơn so với thế giới. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm đạt 7,02% - mặc dù thấp hơn năm 2018 (đạt 7,08%) nhưng vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu năm 2019 (khoảng 3,0 – 3,5%). Tuy nhiên, do nhận thấy những bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới vẫn tiếp tục có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước, Quốc hội mới đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 6,8% và lạm phát dưới 4%.


Tài liệu tham khảo:

Hội thảo 16/1/2020 và Báo cáo thường kỳ của VEPR