Những giá trị truyền thống và di sản văn hóa không giống như trò chơi điện tử hay trung tâm thương mại. Đối với trẻ con, nó là cả một thế giới già nua – cảm thấy cần phải kính trọng, nhưng cũng thấy khó gần và xa lạ. Để đến gần hơn với thế hệ nhỏ tuổi, di sản cần được làm mới và gắn liền với đời sống đương đại.

Các em học sinh tham gia trải nghiệm chủ đề “Khám phá bia tiến sĩ” trong phòng trải nghiệm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Các em học sinh tham gia trải nghiệm chủ đề “Khám phá bia tiến sĩ” trong phòng trải nghiệm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Công việc khó khăn đó đã được Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực hiện trong suốt 4 năm qua, một cách lặng thầm và bền bỉ.

Trong khu nhà bia tiến sĩ, một nhóm những em học sinh cấp 1 đang tụ tập tìm kiếm hình ảnh những con nghê trên tấm bia đá, tự tin trò chuyện với những du khách nước ngoài để giải thích về loài linh vật này. Cùng lúc đó, tại một khu vực khác trong Văn Miếu, cha mẹ của các em đang tỏ ra thích thú khi lắng nghe họa sĩ Trần Hậu Yên Thế giải thích về ý nghĩa hình ảnh loài nghê gối cửa ở bậc Đại Thành. Đó là một buổi trải nghiệm vào buổi sáng Chủ nhật ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám của các em học sinh thuộc Trường học Âm nhạc và Nghệ thuật biểu diễn Erato.

Từ ý tưởng sơ khởi

Năm 2015, bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, khi đó là người phụ trách phòng Giáo dục – truyền thông của Văn Miếu đã thuyết phục lãnh đạo đơn vị cho làm đề cương xây dựng chương trình giáo dục di sản. Ý tưởng của bà hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của các nhà nghiên cứu di sản ở Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH). Từ lâu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Phó Giám đốc Trung tâm CCH) - những người vẫn tích cực phối hợp cùng với các chuyên gia giáo dục, chuyên gia về di sản của UNESCO nghiên cứu đưa ra một quy trình giáo dục di sản với ba bước “trước, trong và sau tham quan” ở nước ta nhằm giúp học sinh chủ động, sáng tạo khám phá di sản.

Vào thời điểm lúc đó, những cán bộ ở Văn Miếu đã ý thức được rằng, trước tiên cần phải có sự tham gia của những chuyên gia trong lĩnh vực này, những người thực sự hiểu giáo dục di sản là gì. Và thế là trong năm 2016, một tuần sẽ có từ 2 đến 3 buổi, TS. Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm CCH) và PGS.TS Nguyễn Văn Huy được mời đến để đào tạo cho những cán bộ ở đây; đồng thời trong vòng một năm, họ cùng nhau “lao vào” tìm hiểu các chương trình giáo dục di sản trên thế giới để xây dựng bốn chương trình giao dục di sản theo chuẩn cho học sinh tiểu học, trong đó bao gồm khung chương trình, tài liệu dành cho giáo viên, kịch bản dành cho cán bộ giáo dục, và những phiếu hỏi.

Từ năm 2016 đến nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã triển khai thí điểm Chương trình giáo dục di sản kiểu mới.

Cho đến những viên gạch đầu tiên

Cho đến ngày 15/11/2019, tức là 4 năm sau đó, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã cho ra mắt Khu trải nghiệm cùng di sản để phục vụ thực hiện “Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới”.

“Khu trải nghiệm cùng di sản” được hiện thực hóa, đồng nghĩa với việc các cán bộ giáo dục ở đây đã gỡ được một nút thắt của mình trong nhiều năm qua. Trước đó, những cán bộ giáo dục có nội dung chương trình nhưng lại không có địa điểm để thực hiện, và sau rất nhiều nỗ lực, rất nhiều cố gắng, Văn Miếu giờ đây cũng đã có một căn phòng với đầy đủ điều kiện phù hợp cho các hoạt động giáo dục di sản: bàn, ghế cho các hoạt động của học sinh như vẽ, nặn... và các thiết bị hiện đại: máy tính, máy chiếu, máy tính bảng… phục vụ cho các hoạt động chiếu phim, clip về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa cử Việt Nam. Tại đây cũng có các phương tiện để phục vụ việc trình chiếu, thuyết trình của khách tham quan.

Đến nay, Chương trình đã xây dựng được gần 20 chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học, tích hợp với kiến thức trên lớp như: Mãnh hổ hạ sơn, Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ, Sách và mộc bản, Ơ kìa con nghê... Học sinh giờ đây sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm mang tính chủ động, tích cực, sáng tạo. Sau khi tham quan, học sinh sẽ được hướng dẫn, sáng tạo ra những sản phẩm của mình thông qua kiến thức thu được từ tham quan di tích.

Màn diễn xướng múa nghê mở đầu chương trình trải nghiệm “Ơ kìa con nghê”.
Màn diễn xướng múa nghê mở đầu chương trình trải nghiệm “Ơ kìa con nghê”.

Trước kia, khách tham quan chỉ nhìn thấy những cảnh quan của Văn Miếu, những thông tin lịch sử thông qua lời thuyết minh. Nhưng giờ đây, những giá trị đấy, những giá trị mang tính trừu tượng đang được hiển thị thông qua những sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh. Các em không còn đến Văn Miếu để “nghe thoáng rồi quên”, mà giờ đây những trải nghiệm của các em sẽ xuyên suốt từ trước khi tham quan, bằng cách chủ động tìm hiểu về Văn Miếu với sự hỗ trợ của thầy cô và cha mẹ, từ đó hình thành trong các em thói quen tra cứu trước khi đi sâu vào một vấn đề nào đó; cho đến trong khi tham quan bằng những hoạt động trải nghiệm để không chỉ tiếp thu những kiến thức văn hóa, mà còn học được đức tính kiên nhẫn thông qua các hoạt động như luyện cách mài mực, cách cầm bút... Và khi đã kết thúc chuyến đi tham quan, các em học sinh sẽ đứng trước cả lớp thuyết trình về những sản phẩm các em đã tự tạo như tranh vẽ, bút tre, ống quyển…

Đối với những em học sinh cấp 2, chương trình không thể xây dựng theo kiểu tập tô màu hay vẽ tranh được nữa, mà phải đặt ra những vấn đề sâu hơn để có thể cùng các em thảo luận và đề ra phương án giải quyết. Chẳng hạn với chủ đề “Đánh giá môi trường di tích”, các em sẽ được hướng dẫn tìm hiểu, đưa ra những ý kiến về vị trí bố trí quầy vé, thùng rác; thái độ của cán bộ, quản lý khu di tích; và quan trọng là đánh giá, đưa ra những giải pháp để bảo vệ bia tiến sĩ trước tình trạng bị khách tham quan bôi vẽ lên để ‘lưu lại dấu ấn’. “Các em tỏ ra bất bình trước những dòng chữ kia, và vì đã được học nội quy từ trước, không bạn nào sờ vào bia hay xoa đầu cụ rùa. Mình nghĩ, nếu các con ai cũng được tham gia những chương trình như thế này, thì khu vườn bia chắc không cần phải có hàng rào để ngăn nữa”, Chị Hà chia sẻ.

Ngoài ra, Trung tâm còn có một sáng kiến, đó là đưa công nghệ vào trong chương trình giáo dục di sản, “và quả thật là trẻ con rất thích”. Họ đã liên hệ với một công ty tin học để viết phần mềm nhận diện linh vật, chẳng hạn như mỗi khi học sinh tô xong hình ảnh con nghê, các em sẽ quét con nghê vào ứng dụng trên thiết bị, con nghê lập tức hiện lên và nói: “Chào bạn, tớ là nghê, vị trí của tớ là trên bia tiến sĩ.” Trong tương lai, Trung tâm sẽ xây dựng cả một ứng dụng trò chơi để đi tìm linh vật trên các công trình kiến trúc cổ. “Với trẻ con thì mình phải luôn luôn đặt mình là chúng, chứ nếu bảo ‘học thuộc đi, viết đi’ thì làm sao mà các con thích thú được”, ông Lê Xuân Kiêu nói.

Không chỉ dừng lại ở đó, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn tổ chức những chương trình mang tính chuyên đề với sự hỗ trợ của chuyên gia trong lĩnh vực đó. Như chương trình “Ơ kìa con nghê” kể trên, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế – một chuyên gia về nghê – đã phối hợp cùng Trung tâm để tìm ra cách truyền tải hình ảnh của linh vật này đến các em học sinh một cách sinh động, dễ hiểu. Và thế là một buổi diễn xướng múa nghê đã ra đời. Nếu các em nhỏ được tham gia những hoạt động thú vị, trao đổi cùng người nước ngoài để biết con nghê là gì, thì cha mẹ của các em ở một góc khác trong Văn Miếu đang lắng nghe họa sĩ Yên Thế kể về con nghê trong tâm thức người Việt và vị trí của nó bên rìa đời sống văn hóa.

Những giá trị cần được tiếp nối

Mỗi một tiếng reo vui thích từ con trẻ, mỗi một nụ cười hài lòng khi nhìn thấy con mình học được những điều hay từ các bậc phụ huynh, đó có lẽ là phần thưởng lớn nhất đối với những cán bộ giáo dục của Trung tâm Hoạt động Văn hoá, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ước tính trong năm 2019 đã có 30 trường, tương đương với gần 1000 học sinh trải nghiệm cách làm giáo dục mới này.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người đứng đầu Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám liên tục nhấn mạnh rằng, ông không muốn đưa Văn Miếu trở thành một hình mẫu thành công, bởi với Văn Miếu, đây “mới chỉ là bước khởi đầu”, và “luôn có thể thất bại”. Chương trình này mang ý nghĩa giáo dục, và vì là giáo dục nên “cần phải hết sức thận trọng”, phải đi từng bước vững vàng và chắc chắn. Đã hai tháng trôi qua kể từ khi phòng trải nghiệm được đưa vào hoạt động, nhưng đối với những cán bộ giáo dục ở đây, đó dường như vẫn là một niềm vui khó tin, bởi những gì mà họ cố gắng trong suốt 4 năm qua cuối cùng cũng đã dần thành hình.

Trong căn phòng trải nghiệm rộng 60 m2, các em nhỏ đang vừa lăn mực lên ván in chạm khắc hình hoa bát tiên – tượng trưng tổng hòa những tướng đẹp của hoa Sen - Cúc - Mẫu đơn – vừa tíu tít kể cho cha mẹ về những gì chúng đã học trong hôm nay về loài nghê, một loài linh vật xa lạ. Di sản dường như đã thôi già nua và cũ kĩ, nó đã ở đây, ngay sau cánh cửa mở rộng trước cặp mắt các em.