Tác động của việc tham dự các kỳ Olympic Toán quốc tế IMO không chỉ “khu trú” ở những học sinh đội tuyển, không thể chỉ đong đếm bằng những tấm huy chương hay thứ hạng.
Bước khởi động trên đường chạy marathonTrước hết, với những người tham gia IMO, kỳ thi này mở ra cánh cửa vào con đường học toán, trở thành nhà toán học về sau, hoặc làm các công việc cần đến toán, cũng giống như bước khởi động trên đường chạy Marathon. Đây là điều mà những nhà khoa học giàu ảnh hưởng như GS Ngô Bảo Châu đã “nói rõ là nếu không có IMO thì tôi không thành nhà toán học”, hay nhà toán học trẻ TS Phạm Tuấn Huy (IMO 2013, 2014), Đại học Standford, chia sẻ “IMO mang tôi đến gần toán học hơn, bắt đầu cảm nhận về vẻ đẹp của toán học”.
Có những người không còn theo đuổi nghiệp nghiên cứu cơ bản về toán nữa mà nghiên cứu phát triển sản phẩm và điều hành doanh nghiệp như Phạm Kim Hùng, Công ty Cổ phần True Platform, thì quá trình học toán khiến anh luôn nhớ làm toán “là phải đẹp, phải trong sáng. Điều đó định hình suy nghĩ của mình trong quá trình làm sản phẩm luôn tìm giải pháp tốt nhất, giản dị, trong sáng nhất, hiệu quả nhất”.
“Toán học giúp ích gì cho công việc hiện nay? Giúp ích rất nhiều”, PGS.TS. Nguyễn Phi Lê, Đại học Bách khoa Hà Nội (IMO 2000), cho biết. “Học toán cho tư duy logic rất tốt. Khi mình học toán chuyên sâu một thời gian dài thì mình có tính kiên trì, không ngại khó. Hiện nay tôi làm công nghệ thông tin [IT], đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo [AI], mọi người cứ nói học toán sơ cấp không liên quan, nhưng khi làm IT tôi thấy toán sơ cấp liên quan rất nhiều. Chẳng hạn như công nghệ Blockchain, dùng rất nhiều đến toán sơ cấp hay AI thì cần đến các kiến thức về xác suất thống kê hay đại số tuyến tính rất nhiều. Không phải chỉ có đi nghiên cứu toán học mới dùng đến kiến thức ấy, mà kể cả học kinh tế, trong điều hành mình có tư duy logic rất tốt thì cũng làm cho mình lên kế hoạch, giải quyết vấn đề rất tốt”, PGS.TS. Nguyễn Phi Lê nói.
Trái với những lo ngại rằng các kỳ thi vào đội tuyển hay nền giáo dục trường chuyên lớp chọn nặng về “luyện gà”, thì đối với những người có năng khiếu, môi trường rèn luyện chuyên biệt và các kỳ thi lại thực sự hữu ích. Đối với GS Ngô Bảo Châu, môi trường này “ảnh hưởng rất sâu sắc ở nhiều khía cạnh khác nhau, tích cực rất lớn, và chỉ hơi tiêu cực một chút thôi”.
Từ bậc phổ thông, ông đã cảm nhận các kỳ thi trong sáng thời ấy như một dạng thể thao bổ ích, tạo động lực rất lớn cho việc học, và ông không phải là trường hợp cá biệt. “Đặc sản” của Chuyên A0 Tổng hợp (sau này là Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) là thi hai tuần một lần, “trước khi thi học sinh giỏi thì chúng tôi đã được thi 10 kỳ rồi, nên lúc thi thật không thấy có áp lực gì cả, vì thấy nó cũng giống một trong 10 kỳ thi mà mình đã đi qua thôi, nếu may mắn thì mình làm hết, không may thì bỏ một bài, chẳng sao cả. Tâm lý thi cử rất tốt”.
Dù hoạt động luyện thi dày đặc đem lại một bất tiện nho nhỏ là làm cho người học quá chuyên sâu về thi cử, không còn thời gian cho sự mở mang hiểu biết toán học hay khoa học nói chung tại thời điểm đó, nhưng cũng lại chính điều đó giúp GS Ngô Bảo Châu bám trụ được với con được học toán khi sang Pháp vì “học khó quá”, tới mức nhiều lúc muốn bỏ cuộc.
Cũng trái với ngộ nhận rằng chỉ Việt Nam mới tuyển lựa, rèn học sinh thi IMO kiểu “lò luyện tài năng” thì theo tìm hiểu của GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, người có 11 năm dẫn đoàn Việt Nam thi IMO thì ở các quốc gia khác, quá trình tuyển chọn, rèn giũa rất bài bản, hệ thống. Thậm chí các nước không chỉ tổ chức các kỳ thi tuyển với nhiều kỳ thi rất phức tạp (thường bốn - năm lần thi) mà còn liên kết tổ chức những cuộc thi chung (như Nga, Trung Quốc), khóa học chung (Hàn Quốc và Thái Lan). Hệ thống các trường năng khiếu, câu lạc bộ năng khiếu, bao gồm cả lĩnh vực toán học, vẫn tồn tại
1 ở các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Lợi ích của IMO với những người có thiên hướng học toán, tự nguyện lựa chọn môn học khó này từ bậc phổ thông hẳn đã rõ ràng, nhưng còn với đại đa số học sinh phổ thông, với nền giáo dục quốc gia thì sao?
Các đại biểu tham dự hội thảo kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự IMO đồng tình với GS Ngô Bảo Châu rằng, ảnh hưởng của IMO nằm ở chỗ thúc đẩy phong trào học toán ở bậc phổ thông, tạo nền tảng cho nguồn nhân lực chất lượng cao sau này. IMO vẫn là một sân chơi của môn thể thao trí tuệ và phần nào là thước đo để đánh giá năng lực phát triển toán học của một quốc gia. Dù có những nốt thăng, nốt trầm nhưng mỗi thời kỳ chúng ta đều có những cá nhân rất xuất sắc, với những cựu học sinh IMO đã và đang là những nhà khoa học chuyên nghiệp, có uy tín quốc tế và tích cực đóng góp vào sự phát triển của toán học Việt Nam.
“Cần tổng kết sau 50 năm thì phong trào dạy toán ở bậc phổ thông đã tạo ra được số lượng bao nhiêu em yêu thích toán, có năng lực về toán”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề xuất với Hội Toán học Việt Nam. Ông cũng so sánh việc rèn học sinh thi IMO với việc hướng tới thể thao đỉnh cao và chỉ ra lợi ích của nó đối với phong trào học tập nói chung. Ông dẫn ra trường hợp nước Mỹ, “bản chất không phải chỉ tạo ra những những người đạt huy chương vàng, mà bản chất là tạo ra một phong trào rộng rãi trong tất cả các trường đại học. Nhiều vận động viên đỉnh cao của Mỹ có xuất phát từ phong trào trong trường đại học, khi có một số vận động viên xuất sắc ở trường thì sẽ kéo thành phong trào ở trường đấy”.
Ước tính nhanh của GS.TS Lê Anh Vinh cho thấy, “Mỗi năm có sáu bạn thi IMO thôi, nhưng chúng ta có hàng nghìn học sinh thi toán. Phải nói là IMO đã mang lại phong trào học toán tốt hơn rất nhiều”.
Giống như đá bóng, “nhiều người đá bóng thì chúng ta khỏe, một đất nước có sức khỏe là đất nước hùng mạnh. Toán học cũng thế thôi, toán học nghiên cứu đỉnh cao hay được giải thưởng IMO rất quan trọng, đấy là sự khích lệ, nhưng điều quan trọng nhất là mặt bằng chung của nhân dân: 100 triệu người Việt học giỏi lên một chút, một chút thôi là diện mạo đất nước thay đổi”, GS Ngô Bảo Châu nói. “Chúng ta nên học toán không phải chỉ để giải phương trình mà là để rèn khả năng ra quyết định một cách độc lập. Tư duy độc lập là quan trọng, không chỉ cần cho những người làm khoa học mà cho tất cả mọi người. Một đất nước lớn mạnh khi tất cả mọi người đều có khả năng tư duy độc lập, duy lý… Một đất nước chỉ cần có 10 nghìn em rất giỏi toán, rất thông minh thì tương lai về KH&CN sẽ khác trong vòng 20 năm nữa. Thực ra đó là một dạng đầu tư xứng đáng cho tương lai của đất nước, là việc đầu tư cho học sinh giỏi, không nên nghĩ đầu tư như vậy chỉ để cho IMO, mà cho một tương lai phát triển KH&CN của đất nước”.
Hay nói như PGS.TS Lê Minh Hà trong một lần trả lời phỏng vấn người viết, nếu chúng ta có “Mathematics Inside” thì chúng ta có thể mơ về những tiến bộ đáng kinh ngạc ở hầu hết các lĩnh vực.
Những vấn đề hậu IMO
Đầu tư cho IMO và cho phong trào toán học nói chung “là một dạng đầu tư xứng đáng cho tương lai của đất nước”. Nhưng một vấn đề gây trăn trở cho các nhà quản lý bấy lâu nay là những người có thành tích IMO vang dội, như Đào Hải Long (huy chương vàng IMO 1994, 1995), Ngô Đắc Tuấn (IMO 1995, 1996), Lê Hùng Việt Bảo (IMO 2003, 2004), Phạm Tuấn Huy (IMO 2013, 2014)… và nhiều cựu thí sinh IMO xuất sắc khác nữa đều ở lại nước ngoài và chúng ta vẫn chưa thật sự thành công trong việc thu hút họ trở về.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua, ngành toán đã được quan tâm đầu tư đặc biệt, là ngành duy nhất có Chương trình Trọng điểm quốc gia. Chương trình Trọng điểm quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020 cũng là chương trình duy nhất được Chính phủ giao tổng kinh phí ngay từ đầu (với các chương trình khác thường được phê duyệt nội dung và xin cấp kinh phí hằng năm).
|
Nếu như ở bậc học phổ thông, phong trào học toán nói chung và việc đào tạo chuyên sâu cho các em học sinh có năng khiếu toán học không quá chênh lệch so với các nước thuộc top đầu, thì việc tạo môi trường thu hút người giỏi đến làm việc còn có quá nhiều cách biệt. Sự cách biệt không chỉ đến từ chế độ đãi ngộ (GS Ngô Bảo Châu từng nhận được lời mời với đãi ngộ tương đương ngân sách đầu tư cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM cả năm) mà còn từ môi trường làm việc, cơ sở vật chất chưa được đầu tư bài bản, hệ thống. “Thử so sánh Việt Nam, với các nước khác, dù không dám so với Mỹ nhưng thử so sánh với Ấn Độ hay Trung Quốc. Họ gấp [Việt Nam] 10 lần về dân số nhưng cơ chế, ngân sách đầu tư cho khoa học không gấp 10 lần, mà gấp trăm lần, thậm chí nghìn lần ta. Một ý nhỏ nhưng cho thấy con đường để chúng ta thu hút nhà khoa học Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài về còn xa. Chúng ta không giàu được như họ, nhưng quan trọng là phải có tầm nhìn về đầu tư cho khoa học. Thấy rằng họ có tầm nhìn như vậy. Nếu không có mạnh dạn đầu tư thì làm sao cuốn hút được các nhà khoa học xuất sắc từ nước ngoài trở về”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Trong 10 năm qua, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tạo môi trường thuận lợi để các thế hệ cựu thí sinh IMO và các nhà toán học quốc tế đến làm việc chung với các nhà toán học trong nước. Nhưng các cuộc hợp tác làm việc này thường diễn ra trong thời gian ngắn chứ chưa thể thu hút nhiều nhân tài toán học trở về.
Trăn trở thứ hai là “nguồn” cho IMO tới đây cũng như việc đào tạo các môn khoa học nói chung. “Chúng ta thành công phần rất lớn dựa vào mạng lưới trường chuyên. Các trường đã làm rất tốt trong việc chọn đội tuyển”, GS.TS Lê Anh Vinh nói. Thế nhưng nay không còn hệ thống trường chuyên ở bậc trung học cơ sở
nữa và việc có thiếu hụt học sinh giỏi toán hay không thì cần thêm nhiều năm nữa mới thấy được.
Trong bối cảnh đó, ngành toán đang có những nỗ lực riêng, tiêu biểu như Chương trình Toán mở rộng các hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi tập trung vào những học sinh tài năng để chuẩn bị cho IMO (VIMONI, thuộc Chương trình Trọng điểm quốc gia Phát triển Toán học 2021 - 2030 do VIASM điều phối). Nhìn rộng ra, với giáo dục phổ thông, làm sao đề cao vai trò môn toán và khoa học nói chung, làm sao để toán học không chỉ chiếm thời lượng nhiều hơn trong chương trình học mà còn tạo hứng thú cho người học, là điều mà những nhà quản lý như Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hoàng Minh Sơn
hết sức quan tâm. “Chúng ta muốn có chiều sâu thì phải đào rộng, muốn có cây cao thì phải vun từ gốc”. Trong quá trình xây dựng đề án nguồn nhân lực chất lượng cao tới đây, ông cho biết “chúng ta cũng phải đi từ gốc, từ giáo dục phổ thông”. Tuy nhiên “có một tin đáng buồn là tỉ lệ học sinh các trường chuyên chọn ngành STEM ở đại học chỉ đạt 26,6%, còn thấp hơn cả tỉ lệ chung của cả nước là 31%. Đây là điểm chúng ta cần suy nghĩ”, ông Hoàng Minh Sơn nói.