Một số nhà khoa học cho rằng ý tưởng này không khả thi bởi có sự khác biệt khá lớn giữa Phần Lan, Israel và Canada trong việc đầu tư cho R&D.
Chú trọng đầu tư R&D
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Canada hòng giải quyết bài toán đổi mới sáng tạo. “Đã có rất nhiều thử nghiệm nhằm gỡ nút thắt này trong nhiều thập kỷ qua”, Paul Dufour, thành viên cấp cao tại Viện Khoa học, Xã hội và Chính sách tại Đại học Ottawa, cho biết.
Gần đây nhất, nước này đã tạo ra nhóm “siêu tổ chức” đổi mới sáng tạo: năm hợp tác công - tư với sự tham gia của các công ty, tổ chức nghiên cứu, tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng trong một số ngành cụ thể, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ đại dương - những lĩnh vực mà Canada có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Được thành lập vào năm 2018, cho đến nay các siêu tổ chức đã gặt hái được nhiều thành công. Canada đã tiếp tục đầu tư cho nhóm này 750 triệu đô-la Canada từ ngân sách tài chính 2022 để họ tiếp tục phát triển trong sáu năm tới.
Liệu cơ quan mới có hoạt động tương tự như những siêu tổ chức này không? Theo ông Dan Breznitz, đồng giám đốc Phòng thí nghiệm Chính sách Đổi mới tại Đại học Toronto - người đang tư vấn cho chính phủ về thiết kế của cơ quan mới, “mặc dù các nhà quản lý vẫn chưa hoàn thiện kế hoạch xây dựng, nhưng nó sẽ vận hành khác với các siêu tổ chức”. Cụ thể, các siêu tổ chức nằm rải rác khắp Canada và tập trung vào một số ngành nhất định, trong khi cơ quan đổi mới sẽ mang tầm quốc gia và tham gia hỗ trợ nhiều lĩnh vực - từ các công ty khởi nghiệp công nghệ cao đến các ngành dựa vào tài nguyên thiên nhiên như lâm nghiệp.
Chính phủ Canada dự định sẽ công bố chi tiết về hướng phát triển cơ quan trước cuối năm nay, sau khi tham vấn thêm với các bên liên quan.
Ngay từ lúc này, Breznitz đã hình dung ra một “tổ chức năng động độc lập, gắn bó chặt chẽ với hoạt động kinh doanh”. Với ông, điểm mấu chốt là nó sẽ phản hồi nhanh hơn bộ máy của chính phủ - giống như cách mà Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel (IIA) có thể đưa ra câu trả lời về các đơn xin tài trợ trong vòng khoảng mười tuần - và cần có sự hỗ trợ của chính phủ để các dự án nhận tài trợ có cơ hội thử nghiệm và ‘vẫy vùng’.
Tương tự IIA, Cơ quan Tài trợ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Phần Lan (TEKES) cũng là một hình mẫu cho cơ quan mới của Canada. 30 năm trước, các vấn đề Phần Lan phải đối mặt “trùng hợp một cách kỳ lạ với các vấn đề của Canada hiện nay”, Breznitz lý giải. Phần Lan từng chi tiêu rất ít vào hoạt động R&D, chủ yếu phụ thuộc vào việc bán tài nguyên thiên nhiên cho một nước láng giềng lớn là Nga - hệt như tình cảnh của Canada hiện tại, nước này đang phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giờ đây Phần Lan đã “trở thành một trong những quốc gia đổi mới sáng tạo bậc nhất thế giới, không chỉ gói gọn trong các ngành công nghiệp mới mà kể cả các ngành công nghiệp truyền thống.”
Có nên áp dụng mô hình DARPA?
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng mô hình kiểu Phần Lan hoặc Israel sẽ thành công tại Canada. Trái ngược với hai nước hình mẫu, các doanh nghiệp lớn của Canada có xu hướng bảo thủ và không mấy hào hứng với việc đầu tư vào R&D. Trong khi đó, cơ quan mới lại cần “sự dẫn dắt của khu vực tư nhân” nếu muốn thay đổi cục diện, Dufour lưu ý. “Tôi không chắc chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ của khối tư nhân.”
Alex Usher, chủ tịch Hiệp hội Chiến lược Giáo dục Đại học có trụ sở ở Toronto, cho biết Canada cũng là một quốc gia rất khác biệt: lớn hơn Israel và Phần Lan, cả về địa lý và dân số. Sự phân vùng rõ rệt cũng là yếu tố khiến quá trình hợp tác ở tầm quốc gia trở nên khó khăn hơn. Thành công của IIA và TEKES phần lớn đến từ việc hai cơ quan này tích cực kết nối với các nhà nghiên cứu trong trường đại học và các doanh nghiệp để hình thành quan hệ đối tác, cùng nhau phát triển ý tưởng và sau đó đưa chúng ra thị trường. Ông cho rằng Canada quá lớn để làm điều đó một cách nhanh chóng và những doanh nghiệp nước này chưa thực sự xem các trường đại học là đối tác trong đổi mới sáng tạo.
Vậy rốt cục đâu là con đường mà Canada nên đi? Với Usher, con đường hiện tại phù hợp nhất chính là sao chép DARPA - cơ quan đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ, nơi được mệnh danh là ‘cái nôi’ của GPS và Internet.
Không đồng tình với ý kiến trên, Breznitz chỉ ra rằng DARPA chủ yếu tạo ra các phát minh, thay vì thương mại hóa chúng. Do đó, ngay cả khi thành lập một bản sao DARPA nhằm tạo ra các phát minh và bán chúng ở Canada, nó cũng chẳng giải quyết được “bài toán quan trọng mà Canada đang đối mặt”.
Theo Bretznitz, điều quan trọng nhất là khiến chính phủ thừa nhận rằng họ có trách nhiệm trong việc khiến các doanh nghiệp Canada quan tâm đến đầu tư vào đổi mới sáng tạo. “Chúng tôi đã bị mắc kẹt trong tình cảnh kinh khủng này”, ông mô tả. “Và chính phủ phải thay đổi nó.”
Tất nhiên, rất khó để thay đổi mọi thứ trong ngày một ngày hai. “Nếu đó là một vấn đề đã ăn sâu vào hệ thống, bạn không thể sửa chữa ngay trong năm tới”, Breznitz cho biết. “Nhưng nếu thực sự hành động thì trong vòng một thập kỷ tiếp theo, bạn có thể nhìn lại nỗ lực đã qua và sửng sốt trước những gì mình đã làm được”.