Kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2019 cho thấy các địa phương ở Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2018. Tuy nhiên, các địa phương vẫn ít tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quy trình ngân sách.
Đây là năm thứ 3 Việt Nam thực hiện chỉ số POBI hay Provincial Open Budget Index - một công cụ do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) xây dựng độc lập với nhà nước, nhằm giúp các tỉnh, thành phố đo mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Tại hội thảo "Công bố chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2019" ngày 8/7 tại Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu của BTAP đánh giá "nhiều tỉnh, thành đã có nỗ lực rất lớn trong việc tuân thủ các quy định về công khai thông tin cho người dân theo dõi, giám sát."
Theo đó, chỉ số POBI 2019 trung bình của cả nước đạt 65,55/100 điểm, cao hơn so với năm 2018 (51 điểm) và năm 2017 (30.5 điểm).
Tín hiệu đáng khích lệ là năm 2019 đã có 24 tỉnh lọt vào nhóm công khai đầy đủ (nhóm A), so với năm 2018 chỉ có 6 tỉnh và năm 2017 không có tỉnh nào. Ngược lại, vẫn có 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ (nhóm C) và chỉ có 3 tỉnh ít công khai (nhóm D) là Hoà Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn.
Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương thì Đà Nẵng và Hà Nội ở trong nhóm A (trên 75 điểm); Cần Thơ, Hải Phòng và TPHCM thuộc nhóm B - công khai tương đối (từ 50-75 điểm).
Xét tổng thể năm 2019, Việt Nam đã có 51/63 tỉnh thành có mức điểm trên 50, tức thuộc Nhóm B trở lên, tương đương trên 80% số tỉnh đạt mức công khai tương đối đầy đủ, so với mức 50% các tỉnh năm 2018. Điều này cho thấy các tỉnh đã có những nỗ lực rõ rệt trong việc cải thiện công khai minh bạch ngân sách của địa phương mình.
Khảo sát POBI dựa trên thông tin về các tài liệu ngân sách của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND, HĐND, Sở Tài chính và Sở kế hoạch và Đầu tư của mỗi tỉnh.
POBI 2019 bao gồm hai trụ cột về quá trình công khai minh bạch và sự tham gia về ngân sách. Các tiêu chí đánh giá gồm tính đầy đủ, sẵn có, kịp thời, tin cậy, thuận tiện và sự tham gia của người dân.
Với trụ cột về minh bạch công khai ngân sách, khảo sát POBI 2019 áp dụng cho 10 loại tài liệu, 7 loại trong đó được quy định trong bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và 3 loại được khuyến khích công khai (dấu *), bao gồm:
1. Dự thảo Dự toán ngân sách tỉnh năm trình HĐND tỉnh
2. Dự toán ngân sách tỉnh năm đã được HĐND tỉnh quyết định
3. Báo cáo Tình hình thực hiện ngân sách tỉnh Quý 1/2019
4. Báo cáo Tình hình thực hiện ngân sách tỉnh Quý 2/2019
5. Báo cáo Tình hình thực hiện ngân sách tỉnh Quý 3/2019
6. Báo cáo Tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2019
7. Báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh
8. Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân*
9. Danh mục dự án đầu tư công*
10. Báo cáo tình hình nợ công của tỉnh* (Tăng thêm so với khảo sát POBI năm 2018)
Với trụ cột về sự tham gia của người dân, khảo sát POBI 2019 áp dụng cho các loại tài liệu phục vụ kì họp Hội đồng Nhân dân trên trang các cổng thông tin điện tử của tỉnh, gồm:
1. Biên bản kỳ họp/thảo luận về dự toán và phân bổ ngân sách của tỉnh năm 2020
2. Báo cáo thẩm tra ngân sách của HĐND tỉnh (bao gồm cả báo cáo thẩm tra quyết toán 2018 và dự thảo dự toán 2020)
3. Báo cáo góp ý/báo cáo tổng hợp tiếp nhận ý kiến cử tri năm 2019
Tuy vậy, POBI 2019 cũng chỉ ra rằng, như năm trước đó, nhìn chung các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Mức độ tham gia của người dân trung bình cả nước năm 2019 chỉ đạt khoảng 38/100 điểm, nhỉnh hơn mức 34,35 điểm của năm 2018. Ít nhất một nửa các tỉnh không công khai các tài liệu phục vụ kỳ họp Hội đồng Nhân dân trên các cổng thông tin điện tử dễ truy cập.
Báo cáo POBI 2019 đầy đủ xem
tại đây.