“Ô nhiễm không khí xung quanh không gây tác động tức thì đến sức khỏe con người như những bệnh truyền nhiễm do virus gây ra nhưng nó làm tăng nguy cơ khiến các bệnh khác trở nên trầm trọng hơn. Chúng ta không dễ nhận ngay ra hậu quả cho đến khi quá muộn.”

TS. Nguyễn Thị Trang Nhung (trường Đại học Y tế Công cộng) - một trong số ít những người tiên phong trong việc nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe người dân Việt Nam, chia sẻ về lý do vì sao chị lại chọn con đường này.

TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, trường Đại học Y tế Công cộng.

Đánh giá nguy cơ rủi ro về bệnh tim mạch và hô hấp

Hiện nay ở Việt Nam hầu như các nguy cơ và khuyến cáo về tác hại của ô nhiễm không khí và sức khỏe vẫn dựa trên hướng dẫn chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có rất ít nghiên cứu chuyên sâu đặc thù cho Việt Nam. Các nghiên cứu mà WHO thực hiện đều dựa vào những phương pháp có thể áp dụng trên nhiều quốc gia, không phân biệt mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí, tình trạng sức khỏe dân cư, các yếu tố ảnh hưởng khác... Do đó, việc sử dụng kết quả được mô hình hóa đó sẽ dẫn đến những sai lệch trong đánh giá nguy cơ sức khỏe thực sự ở Việt Nam, và có thể ảnh hưởng đến cả chuỗi phân tích lợi ích-chi phí cho những chính sách y tế hoặc giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả dựa trên dữ liệu sau này. Thêm vào đó, Việt Nam cũng cần phải có những mô hình bệnh tật của riêng mình bởi với mỗi nhóm bệnh và đối tượng thì từng loại chất gây ô nhiễm sẽ có những tác động gây bệnh khác biệt. Do vậy, theo TS Nguyễn Thị Trang Nhung, “Chúng ta cần phải tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động biết mức độ ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trên chính người Việt Nam”.

Nghiên cứu gần đây nhất của chị và các đồng nghiệp tại ĐH Y tế công cộng, do Quỹ NAFOSTED tài trợ, đánh giá tác động của ô nhiễm không khí lên tình hình nhập viện do 6 bệnh tim mạch (các bệnh hệ tuần hoàn chung, rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, mạch vành, đột quỵ) và 3 bệnh hô hấp phổ biến ở Việt Nam của người trưởng thành và trẻ em tại 3 địa phương Hà Nội, Phú Thọ và Quảng Ninh.

Để thực hiện nghiên cứu này, chị đã thu thập trên 380.000 bệnh án từ các bệnh viện tại ba tỉnh trong giai đoạn 2011-2018, đồng thời sử dụng dữ liệu môi trường từ các trạm quan trắc cố định và dữ liệu khí tượng từ Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương (Bộ TN&MT), trong đó dữ liệu môi trường tập trung vào bảy chất ô nhiễm đặc trưng là các khí NO2, O3, SO2, NO, CO và bụi PM2.5, PM10. Việc xem xét mối liên hệ giữa sự thay đổi của nồng độ ô nhiễm với số ca nhập viện cho thấy, hai loại bụi PM2.5 và PM10 làm tăng nguy cơ nhập viện do bệnh tim mạch ở cả ba địa phương. Các ca nhập viện do đột quỵ ở Hà Nội và suy tim ở Phú Thọ có mối liên quan chặt chẽ tới nồng độ SO2. Đáng chú ý, ô nhiễm không khí ảnh hưởng rõ rệt hơn với những người trên 65 tuổi, đặc biệt vào mùa lạnh.

Tuy nhiên đối với các bệnh về hô hấp, hầu như tất cả các chất ô nhiễm đều ảnh hưởng đến các ca nhập viện ở người lớn ở Hà Nội, trong đó nồng độ SO2 là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng nhập viện do bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính COPD. Với trẻ em, nồng độ bụi PM10 và NO2 tăng dù trước đó gần một tuần cũng có tác động mạnh nhất tới sức khỏe. Điều đáng tiếc nhất đối với TS. Nguyễn Thị Trang Nhung là so với Hà Nội thì chuỗi dữ liệu của Phú Thọ và Quảng Ninh ngắn hơn và bị gián đoạn, do đó nghiên cứu chưa thể đưa ra kết luận có ý nghĩa.

Dù đem lại những thông tin rất hữu ích nhưng với nhóm nghiên cứu, đây mới là những kết quả sơ bộ ban đầu. Họ vẫn đang tìm cách bổ sung các dữ liệu còn thiếu với mong mỏi tiến tới xây dựng được hàm yếu tố nguy cơ (dose-response), qua đó có thể ước tính được số người bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm không khí. “Nếu làm được điều này, chúng tôi sẽ có thể giải đáp được độ chính xác của nhận định ‘60.000 ca tử vong vì ô nhiễm không khí mà các tổ chức quốc tế ước tính cho Việt Nam’”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung giải thích.

Vào mùa đông, do lượng mưa ít, nhiệt độ không khí thấp ảnh hưởng của gió mùa đông bắc khiến cho không khí mùa đông thường ô nhiễm hơn mùa hè nên các chỉ số ô nhiễm không khí thường cao hơn mùa hè rất nhiều. Đỉnh điểm là mùa đông năm ngoái, các đợt chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng nguy hiểm kéo dài nhiều ngày. Các bệnh viện cho biết, trong các đợt không khí Hà Nội ô nhiễm cao, số trẻ đi khám hô hấp đã tăng lên hơn bình thường. Nguồn: Zing.

Thiếu dữ liệu hỗ trợ nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Trang Nhung là một trong số ít các nhóm nghiên cứu về tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe ở Việt Nam. Dù các nghiên cứu mang tính nền móng đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này đã bắt đầu từ những năm 2000 và một trong số đó là đánh giá gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí lên các ca nhập viện vì bệnh hô hấp ở trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh. Sau một quãng thời gian ngắt quãng, phải đến tận giai đoạn 2015-2019 mới bắt đầu có thêm một số nghiên cứu tương tự lên nhóm bệnh tim mạch và hô hấp ở cả trẻ em và người lớn tại một số tỉnh phía Bắc (trọng tâm là Hà Nội) và TP.Hồ Chí Minh. Theo TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, sở dĩ có ngắt quãng là do Việt Nam khi đó có rất ít dữ liệu về môi trường và y tế trong khi việc tiến hành những nghiên cứu theo hướng này lại rất cần đến hai loại dữ liệu đó.

Đây cũng là khó khăn mà nhóm nghiên cứu của chị cũng đang phải nếm trải. Quá trình số hóa ngành y mới bắt đầu ở Việt Nam nên chưa có một hệ thống ghi nhận thông tin một cách đầy đủ và được kết nối thông suốt giữa các bệnh viện để theo dõi quá trình sức khỏe và nhập viện, chuyển viện, ra viện, bảo hiểm… của từng bệnh nhân. Do đó, có rất nhiều dữ liệu bệnh viện mà họ không thể sử dụng được vì chỉ là dữ liệu thô, chưa được chuẩn hóa và không thể định danh. “Mặc dù chúng tôi có hợp tác nghiên cứu với các nhóm từ Thụy Sỹ, Hà Lan hoặc Anh, nhưng các chuyên gia nước ngoài đều bảo rằng họ chỉ có thể giúp đỡ về mặt kỹ thuật, nếu không có dữ liệu thì họ cũng không thể tư vấn được gì”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung chia sẻ.

Mặt khác, cũng như nhiều nhà nghiên cứu về ô nhiễm không khí trên diện rộng khác, họ không có đủ dữ liệu cần thiết cho các đề tài của mình. “Trước đây, cả Hà Nội chỉ có một trạm quan trắc không khí chuẩn ở đường Nguyễn Văn Cừ, do đó mọi dữ liệu không khí đều phải quy chiếu về đó. Mỗi khi trạm Nguyễn Văn Cừ dừng hoạt động thì chuỗi số liệu này cũng mất đi”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung kể. Tình hình chỉ cải thiện từ năm 2015, khi trạm quan trắc ở Đại sứ quán Mỹ ở Láng Hạ đi vào hoạt động, đem lại cho chị và đồng nghiệp thêm một nguồn dữ liệu quý.

Tuy vậy, để có thông tin sát thực cho nghiên cứu thì sẽ cần một con đường dài nữa bởi họ vẫn gặp thách thức khi thu hẹp phạm vi (down-scale) đánh giá, bởi rõ ràng mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tại từng quận sẽ khác biệt so với con số trung bình cho cả thành phố. Mặc dù từ năm 2018, Việt Nam đã bắt đầu hình thành mạng lưới các trạm quan trắc cảm biến giá rẻ nhưng các số liệu đó mới mang tính chất định lượng để chỉ ra xu hướng và vẫn cần phải hiệu chuẩn rất nhiều nếu muốn sử dụng trong nghiên cứu.

Để cải thiện tình hình, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung đang tiến hành thông qua hợp tác với nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Trung tâmCông nghệtích hợp liên ngành Giám sát hiện trường, trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN) nhằm sử dụng bản đồ ô nhiễm không khí bằng ảnh vệ tinh để có dữ liệu ô nhiễm không khí liên tục cả về thời gian và không gian. Họ cũng đang chờ kết quả kiểm kê phát thải từ một dự án khác mà Hà Nội đang hợp tác với World Bank nhằm phân tích thành phần hóa học của bụi để xác định nguồn thải và tính toán tổng lượng phát thải cho thành phố. Theo TS Nguyễn Thị Trang Nhung, “khi có thêm những dữ liệu đó, kết quả tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe người dân chắc chắn sẽ khác với những ước tính sơ bộ. Thông thường, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu chúng tôi ‘gán’ được chi tiết về mức phơi nhiễm với không khí ô nhiễm thì tác động của nó lên sức khỏe sẽ càng tăng”.

Than tổ ong được nhận định là một nguồn gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội thống kê, mỗi ngày người dân Hà Nội đốt tới 528 tấn than tổ ong, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2 vào không khí. Hiện nay, chính quyền Hà Nội và các tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực vận động người dân ngừng sản xuất và sử dụng than tổ ong.

Chị cho rằng việc giải được bài toán dữ liệu sẽ góp phần mở ra nhiều hướng nghiên cứu sâu hơn cho Việt Nam. Phần lớn các nghiên cứu hiện có vẫn đang dừng ở mức đánh giá các nguy cơ cấp tính – tức tác động trực tiếp khi ô nhiễm không khí tăng lên bất thường với tình trạng sức khỏe trong khoảng thời gian đó. “Chúng ta chưa có được những nghiên cứu về nguy cơ dài hạn lên sức khỏe người dân, chẳng hạn xác định mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí tới các bất lợi khi mang thai như nhẹ cân, sinh thiếu tháng, ảnh hướng trí não, suy giảm hệ hô hấp, suy giảm hệ miễn dịch…, hoặc trong thời kì phát triển đầu của trẻ. Để làm được điều đó, cần phải theo dõi đối tượng từ khi chưa bị phơi nhiễm đến hiện tại”, chị tiếc nuối về những điều chưa làm được trong khi theo quan sát của chị, ở các nước như Canada, Anh, với lợi thế là sẵn có hệ thống điện tử quản lý dữ liệu dân cư, đủ khả năng ghi nhận tất cả sự thay đổi về chỗ ở, hồ sơ sức khỏe, dinh dưỡng, bảo hiểm… nên “làm bất kì một nghiên cứu đánh giá tác động sức khỏe nào, họ đều có sẵn sàng dữ liệu cho ít nhất 30-35 năm”.

Là một người luôn cập nhật những kết quả nghiên cứu mới của đồng nghiệp quốc tế, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung cảm thấy những điều mình làm được còn quá ít ỏi. Chị cho rằng, trong tương lai, chị và các đồng nghiệp của mình tại Việt Nam phải theo được những hướng nghiên cứu sâu hơn mà thế giới đang thực hiện, nghĩa là không chỉ cần đến số lượng dữ liệu mà còn cả chất lượng của dữ liệu y tế, chẳng hạn xem xét tác động của ô nhiễm không khí liên quan đến các xét nghiệm sinh hóa trong tế bào… Hiện nay, một số nơi tại Việt Nam đã bắt đầu thu thập dữ liệu, chẳng hạn Viện nghiên cứu Big Data của Vingroup đang xây dựng ngân hàng dữ liệu BioTracker của riêng mình hay các công ty nước ngoài như Genetica, GIS Singapore… quan tâm đến thị trường sức khỏe Việt Nam cũng đang thu thập dữ liệu gene, bao gồm cả người Việt Nam. TS. Nguyễn Thị Trang Nhung hi vọng nếu thiết lập được các cơ chế chia sẻ dữ liệu linh hoạt cho những nghiên cứu phục vụ lợi ích cộng đồng cũng như mở rộng hợp tác nghiên cứu liên ngành thì Việt Nam sẽ có thêm nhiều nhóm nghiên cứu giỏi quan tâm đến ô nhiễm không khí và tác động sức khỏe hơn, và do đó, sẽ có nhiều cơ hội tư vấn về chính sách cho các nhà quản lý hơn. □