Những vấn đề của hệ thống thuế, bao gồm sự bất bình đẳng trong ưu đãi thuế và tình trạng trốn-tránh dẫn đến thất thu thuế, trở thành tâm điểm của Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 do VEPR và Friedrich Naumann Foundation Việt Nam thực hiện.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 | Ảnh: VEPR

Sáng 17/6, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020. Báo cáo cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12/2019, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý I năm 2020. Đây là năm thứ 12 báo cáo được phát hành.

Theo nhận định của các tác giả, Việt Nam đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài. Trên cơ sở đó, hệ thống thuế của Việt Nam có thể bị bào mòn nhanh chóng và khiến quốc gia “thiếu đi những đệm tài khóa để đối phó với các cú sốc bên ngoài”.

“Mặc dù đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tuy nhiên vấn đề minh bạch ngân sách của Việt Nam vẫn đang là một dấu hỏi lớn trong cả chi lẫn thu. Cụ thể, số liệu về ngân sách công bố trong nước và quốc tế không thống nhất với nhau về cấu trúc; có quá nhiều các quỹ thu ngoài ngân sách nhà nước nhưng không được công khai; việc quản trị ưu đãi thuế/chi qua thuế của Việt Nam còn kém minh bạch và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; cấu trúc thuế chưa bền vững, hiệu quả và công bằng; quá trình quyết toán ngân sách còn rất chậm,” Báo cáo viết.

Do vậy Báo cáo năm nay có chủ đề “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển” tập trung vào việc xem xét các chính sách và hệ thống thuế của Việt Nam.

Cụ thể, xét về cơ cấu thu thuế của Việt Nam, tỷ trọng thuế gián thu trong tổng thu thuế đã tăng mạnh lên mức hơn 60%, còn thuế trực thu đã giảm xuống mức dưới 40% (mặc dù tăng mạnh về số tuyệt đối). Điều này đã làm giảm tính luỹ tiến của hệ thống thuế của đất nước. Một trong những nguyên nhân chính khiến thuế trực thu suy giảm là mức lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh trong giai đoạn gần đây.

Đồng thời, sự cạnh tranh về thuế suất trong khu vực Đông Nam Á trong 10 năm qua cũng buộc Việt Nam giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tăng các hình thức ưu đãi thuế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2010, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình ở các nước ASEAN là 25,1%, sau đó đã giảm đáng kể xuống còn 22,6% vào năm 2015 và chỉ còn 21,7% vào năm 2020.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn là nước có nhiều ưu đãi thuế cho doanh nghiệp. Tính toán chi tiêu thuế (tax expenditures - tức mức độ thu thuế bị giảm một cách hợp pháp do ưu đãi thuế của chính phủ với doanh nghiệp) cho thấy ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp FDI và thuộc nhóm ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo.

“Tuy nhiên, việc ưu đãi có thể đã bị lạm dụng”, Báo cáo nhận định. Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dù chỉ chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu nhưng một nửa trong đó lại nhận được chi qua thuế lớn đáng kể, và điều này có thể gây nên sự bất bình đẳng lớn trong môi trường kinh doanh.

Đối với vấn đề trốn và tránh thuế (tức mức độ thu thuế bị giảm một cách bất hợp pháp), khảo sát của nhóm nghiên cứu VEPR trên các công ty hoạt động ở Việt Nam cho thấy, các công ty đa quốc gia có nhiều cơ hội trốn và tránh thuế hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong điều kiện các yếu tố khác là như nhau, tỷ suất lợi nhuận (ROA và ROE) khai báo của các doanh nghiệp FDI có xu hướng thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước, bất chấp việc họ có những yếu tố thuận lợi hơn về thị trường, công nghệ, hay có mức độ thâm dụng vốn thấp hơn hẳn khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo ước tính trung bình trong giai đoạn 2013 – 2017, mức thuế thất thu do hành vi trốn và tránh thuế ở Việt Nam mỗi năm dao động trong khoảng 13,3 – 20,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,4 – 9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp FDI tạo thất thu từ 8,0 – 9,0 nghìn tỷ đồng, còn từ khu vực ngoài nhà nước có thể tạo thất thu lên tới 10,5 nghìn tỷ đồng. Những con số ước tính nêu trên đang lớn gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý. Khảo sát của VEPR cũng là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đưa ra những ước lượng ban đầu về quy mô trốn và tránh thuế thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần có những cải cách trong cả môi trường kinh doanh lẫn hệ thống thuế nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và cải thiện tính minh bạch, công bằng cho hệ thống thuế.

VEPR đưa ra 7 khuyến nghị cho quá trình này, bao gồm: áp dụng những chuẩn mực quốc tế trong vấn đề hạch toán, công bố và giám sát ngân sách; cải cách toàn diện thay vì những thay đổi manh mún; rà soát và tái cấu trúc hệ thống ưu đãi thuế để có môi trường cạnh tranh công bằng hơn; hoàn thiện hệ thống pháp lý, đặc biệt là hành lang quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chống trốn và tránh thuế của quốc tế; triển khai các quy định chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng; cải thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho mục đích quản lý thuế.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng cho rằng, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020, Chính phủ Việt Nam nên đưa các vấn đề về cạnh tranh thuế, ưu đãi thuế, phòng chống trốn và tránh thuế vào chương trình nghị sự để các quốc gia ASEAN có thể đạt được sự đồng thuận và tìm cách tránh “cuộc đua xuống đáy” về tỷ lệ thuế.

Nội dung chi tiết của báo cáo xem tại đây.