TS Phạm Hiệp, người sáng lập chương trình đào tạo nghiên cứu khoa học Research Coach in Social Sciences (RCISS), trò chuyện với báo Khoa học & Phát triển về kinh nghiệm hướng dẫn học sinh phổ thông tập làm khoa học.

Nhóm học sinh Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nghiên cứu phương pháp tách sợi từ một số cây lấy sợi trên địa bàn để tạo sợi hữu. Nguồn: vusta.vn
Nhóm học sinh Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nghiên cứu phương pháp tách sợi từ một số cây lấy sợi trên địa bàn để tạo sợi hữu. Nguồn: vusta.vn

Thời gian gần đây, khi các cuộc thi khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông được tổ chức nhiều hơn ở các quy mô khác nhau thì vấn đề tính trung thực của các cuộc thi cũng thường xuyên được đặt ra với những câu hỏi như liệu học sinh có thể tự làm những nghiên cứu phức tạp như vậy, hoặc đơn giản hơn là liệu học sinh có thể làm nghiên cứu khoa học? Vậy theo anh, có phù hợp không khi đặt vấn đề khuyến khích làm nghiên cứu khoa học từ độ tuổi học sinh phổ thông?


Theo tôi, nghiên cứu khoa học không cần chờ đến bậc học cao hơn như đại học hay sau đại học mới khuyến khích. Bản thân những định hướng đổi mới dạy học ở nhà trường phổ thông thời gian gần đây cũng hướng đến trang bị cho người học nhiều kỹ năng gần với nghiên cứu khoa học hơn như lấy người học làm trung tâm, học thông qua dự án… Vì vậy việc tạo cơ hội cho học sinh THPT, thậm chí học sinh THCS, tham gia nghiên cứu khoa học là hết sức nên làm và có thể làm ở mức độ ít nhiều.

Ít nhiều ở đây nên được hiểu theo nghĩa người hướng dẫn đưa ra những đề bài vừa phải với kiến thức, kỹ năng của học sinh, vừa phải với quỹ thời gian của các em.

Trên thế giới cũng có những phong trào khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, thậm chí có cả những tạp chí dành riêng cho học sinh phổ thông, do chính các em làm thành viên ban biên tập, như Frontiers for Young Minds chẳng hạn.

Để khuyến khích các em làm nghiên cứu khoa học một cách bài bản, chuẩn chỉnh, chúng ta cần chuẩn bị cho các em những gì?

Tôi xin giới hạn câu trả lời trong lĩnh vực khoa học xã hội của mình. Trong các lớp hướng dẫn học sinh THPT tập làm nghiên cứu khoa học mà chúng tôi bắt đầu tổ chức từ cách đây năm năm thì đầu tiên chúng tôi giới thiệu cho các em về các kho dữ liệu trong và ngoài nước; chỉ cho các em đâu là những nơi có thể tiếp cận các tài liệu học thuật; và phân loại nó theo các loại hình sách, tạp chí, báo cáo chuyên đề, báo cáo kỹ thuật, những tài liệu không phải tài liệu học thuật nhưng vẫn có thể dùng trong nghiên cứu, ví dụ như những tài liệu của chính phủ hay của các tổ chức. Thứ hai, các em được hướng dẫn kỹ năng đánh giá chất lượng của tài liệu và xác định những tài liệu phù hợp với mình. Tiếp đó, các em được học cách đưa ra câu hỏi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu trong lĩnh vực mình quan tâm. Cách đào tạo này liên quan rất nhiều đến kỹ thuật đọc, làm sao đọc được tư duy, quy trình, lối nghĩ, để từ đó hình thành được dự án của cá nhân mình. Việc đọc tất nhiên đòi hỏi nền tảng tiếng Anh của các em phải tương đối tốt.

Qua các lớp dành cho học sinh phổ thông của RCISS, anh nhận thấy các em có thể gặp những khó khăn nào trong quá trình tập làm quen với nghiên cứu khoa học?

Trước đây, chúng tôi cố gắng hướng dẫn các em một số phương pháp nghiên cứu đơn giản như thống kê mô tả, phỏng vấn sâu - những phương pháp tạm cho là có thể đem ra thực hành ngay trong phần dự án nghiên cứu của lớp học. Nhưng gần đây chúng tôi không cố gắng làm việc đó nữa vì mất thời gian mà chưa chắc đã hiệu quả. Bởi vì dù có cố gắng dạy về phương pháp thì do thời gian của các em có hạn, chúng tôi sẽ không thể trang bị đủ nhiều cho các em được. Muốn ứng dụng các phương pháp này để làm dự án nghiên cứu cho tới nơi tới chốn thì thầy sẽ phải hỗ trợ nhiều, làm mất đi tính độc lập của các em. Gần đây chúng tôi chỉ dừng ở bước giúp các em hình thành được câu hỏi, vấn đề nghiên cứu đúng dựa trên việc đọc tổng quan tài liệu. Từ đó, các em viết ra được một bài luận giống như tổng quan tài liệu và đưa ra được một vấn đề nghiên cứu mà các em quan tâm.

Còn một khó khăn nữa đó là, dù đối tượng tham gia các lớp học vừa qua của chúng tôi là những em học ở những trường chuyên tốt nhất của cả nước hoặc những chương trình quốc tế thì chúng tôi nhận thấy, các em đều quen có người ra đề bài cho mình. Điều này ngược với nghiên cứu khoa học là anh tự phải đặt ra câu hỏi và tự thuyết phục được chính mình đó là một câu hỏi có ý nghĩa, câu hỏi chưa ai làm hoặc vẫn có thể cần phải trả lời, rồi sau đó tự tìm cách trả lời câu hỏi. Thói quen học tập của các em đang bị ngược với hướng đó.

Nếu vượt qua được những khó khăn anh như vừa nêu, các em có thể phát huy những tiềm năng nào?


Chúng tôi đã từng dạy cả những em được chọn đi thi học sinh giỏi quốc gia, phải nói là những em thuộc nhóm thông minh nhất trong thế hệ của mình. Nhưng ngay cả những em đó cũng chưa được chuẩn bị kỹ năng tự đặt câu hỏi, nên nếu được học về phương pháp nghiên cứu một cách bài bản thì các em sẽ có bước ngoặt trong học tập khi chuyển từ lối học làm những gì người khác giao cho sang tự tìm kiếm câu hỏi cho riêng mình rồi thử trả lời. Cái đó mới làm nên sự khác biệt. Chúng tôi đã rất vất vả để dẫn các em đi theo hướng này và không phải em nào cũng thành công.

Báo chí nói nhiều về bệnh thành tích trong các cuộc thi khoa học - kỹ thuật, thi nghiên cứu khoa học cho học sinh. Thực tế, khi dạy về nghiên cứu khoa học cho học sinh, chúng tôi cũng đã gặp những chuyện tương tự. Nhà trường hoặc phụ huynh gửi con em đi học thường đặt câu hỏi, học xong liệu có công bố bài báo khoa học được không.

Một mặt chúng tôi không phủ định khả năng đó nhưng mặt khác chúng ta phải thẳng thắn với nhau về điều này. Từ xuất phát điểm là học sinh cấp 3 với quỹ thời gian eo hẹp thì chuyện ra được một bài báo khoa học trong vòng vài tháng là bất khả thi. Thế nên chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian quán triệt cho người học, phụ huynh và đối tác về vấn đề này nhưng không phải lúc nào họ cũng hiểu.

Đôi khi, họ lại cho rằng chúng tôi nói như vậy vì chúng tôi không có khả năng công bố hoặc không nhiệt tình, không dám cam kết.

Họ đặt nặng vấn đề bài báo khoa học giúp cho hồ sơ của học sinh mạnh hơn mà quên mất rằng một bài báo khoa học chỉ để ra vẻ ai đó có thể làm nghiên cứu không đem lại giá trị cho người học bằng một bài luận ngay ngắn, dù mới ở mức độ tổng quan tài liệu thôi.

Nếu thầy cô hướng dẫn can thiệp quá sâu để giúp bài báo được công bố thì nghĩa là học sinh mất đi trải nghiệm được tự làm, và rồi chắc chắn mắc sai lầm nhưng sẽ tự nhận ra để tự sửa, tự hoàn thiện.

Giống như mình trồng một cây cam thì có thể thoạt đầu do mình thiếu kinh nghiệm, cây chỉ cho trái bé bằng trái quýt, nhưng về bản chất vẫn là mình trồng được cây cam ra trái. Điều này có ý nghĩa với bản thân mình hơn là việc nhờ người hỗ trợ, can thiệp để trồng được cây cam có trái to ngay từ đầu nhưng bản thân mình không tự trải qua nhiều bước chăm sóc cây, như vậy cũng có nghĩa là mất đi cơ hội tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành.

Với cách hướng dẫn của chúng tôi, có thể phải vài năm sau người học mới cảm nhận được kết quả. Và giá trị của kết quả đó có thể tác động sang cả những việc khác, ví dụ khi các em làm nghiên cứu khoa học tốt thì sẽ tự tin hơn khi chuẩn bị các loại hồ sơ, đi phỏng vấn, và lựa chọn ngành nghề. Còn đặt mục đích vào thành tích giải nọ giải kia hay bài báo chỉ giải quyết được vấn đề thực dụng trước mắt thôi.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.



Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT. Dự thảo Thông tư sau khi được thông qua sẽ thay thế các thông tư ban hành vào năm 2012 và 2017.

Theo đó, mục đích chính của Hội thi là khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; và thúc đẩy giáo dục STEM trong phổ thông.

Bên cạnh quy định việc tổ chức Hội thi bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, Dự thảo còn quy định nội dung nghiên cứu khoa học, kĩ thuật phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, tự nguyện tham gia của học sinh và đây chính là một điểm mới so với các Thông tư trước.

Các lĩnh vực của Hội thi được giảm từ 22 như trước đây xuống còn 8 (gồm Toán; Vật lí và Thiên văn; Hoá học; Sinh học; Tin học; Kĩ thuật và Công nghệ; Khoa học Trái Đất và Môi trường; Khoa học xã hội). Trong số 14 lĩnh vực được loại bỏ có: Y Sinh và Khoa học Sức khỏe; Kỹ thuật Y Sinh; Sinh học tế bào và phân tử...

Dự thảo cũng bỏ nội dung: “Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học”, điều này được cho là sẽ góp phần hạn chế sự can thiệp của giới chuyên môn vào dự án của học sinh.

T.T