Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, những hạn chế liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã dẫn đến một cuộc giằng co giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều năm nay.

Sản xuất cá tra. Ảnh: VOV
Sản xuất cá tra. Ảnh: VOV

Can thiệp quá sâu?


Một trong những ví dụ tiêu biểu là cuộc thảo luận kéo dài từ năm 2019 đến nay về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ QCVN 20:2019/BKHCN, được ban hành vào năm 2019. Theo quy chuẩn này, thép không gỉ được đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2 (nhóm tiềm ẩn khả năng gây hại) và phải được kiểm tra nhà nước. Tuy nhiên, từ góc nhìn của 27 doanh nghiệp thép không gỉ, theo phản ánh của báo Tuổi trẻ vào tháng tám năm ngoái, quy chuẩn kỹ thuật này không đưa tiêu chuẩn cơ sở vào danh mục dẫn chiếu nên các sản phẩm theo tiêu chuẩn này hoàn toàn bị loại khỏi thị trường và bị xem là sản phẩm kém chất lượng. Do đó, nhiều nhà sản xuất thép không gỉ và sử dụng nguyên liệu này không thể nhập khẩu, không có nguyên liệu sản xuất, gia công nên bị cắt giảm doanh thu, cắt giảm lao động và đối diện nguy cơ phá sản.

Có thể thấy rõ bất cập trên ở câu chuyện của một doanh nghiệp dệt may. “Doanh nghiệp này có nhu cầu nhập khẩu thép không gỉ để dập ra các phụ kiện như cúc áo, phéc-mơ-tuya trong các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, họ không thể nhập khẩu loại inox mong muốn vì Quy chuẩn 20 không cho phép. Doanh nghiệp cũng không thể đổi sang loại inox khác đắt tiền hơn vì đây là yêu cầu của chuỗi cung ứng buộc doanh nghiệp gia công phải sử dụng nguyên liệu và nhà cung cấp được chỉ định”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn ra một ví dụ trong văn bản góp ý Dự thảo Thông tư ngưng hiệu lực thi hành quy chuẩn về thép không gỉ này. Kết quả là, sản phẩm dệt may sản xuất ra được xuất khẩu đi các nước trên thế giới, bao gồm cả nhiều nước phát triển, thế nhưng lại không thể tiêu thụ ngay tại “sân nhà”.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, theo phân tích của VCCI, việc quản lý thép không gỉ bằng quy chuẩn kỹ thuật theo danh mục hàng hóa nhóm 2 cũng không phù hợp và gây chồng chéo, trùng lặp về chức năng quản lý. Lý do là bởi, đúng là có một số sản phẩm sử dụng thép không gỉ có thể gây mất an toàn như dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm (nguy cơ thôi nhiễm), các bộ phận chi tiết của các loại hàng hóa có nguy cơ mất an toàn khác như phương tiện giao thông, máy móc lao động, thang máy. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều đã có các Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với từng sản phẩm (dành cho dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm, ô tô, xe máy, thang máy…), do đó không cần thiết phải được quản lý thêm bằng một quy chuẩn khác. Chưa kể đến, quy chuẩn này cũng ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng khi hạn chế quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu. Nếu áp dụng quy chuẩn, một số loại thép có giá thành rẻ sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường, vô tình buộc người tiêu dùng rút “hầu bao” nhiều hơn để mua sản phẩm được làm từ inox có chất lượng cao hơn so với nhu cầu của họ.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ gặp khó khăn vì quy chuẩn 20.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ gặp khó khăn vì quy chuẩn 20.

“Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật hiện nay chưa có một khung cụ thể để rạch ròi giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn. Điều này tạo ra một sự tùy tiện và khiến cho [luật] ‘thò bàn tay’ vào rất sâu trong sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Hoài Nam - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - nhận định tại hội thảo góp ý hồ sơ xây dựng dự thảo Luật do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức vào tháng 10 năm ngoái. Là người làm trong lĩnh vực về thực phẩm, ông cũng “thấm thía” bất cập này tương tự như những doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ. Ông dẫn ví dụ, những vấn đề liên quan đến an toàn thì sẽ cần nhà nước kiểm soát và đưa vào quy chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên, “rất nhiều quy chuẩn của một số bộ, ngành hiện nay lại đưa vào cả những chỉ tiêu liên quan đến dinh dưỡng - những chuyện không liên quan đến phạm vi mà cơ quan quản lý phải can thiệp. Những chỉ tiêu như vậy chỉ nên đưa vào dưới dạng tiêu chuẩn [tự nguyện áp dụng], không nên đưa vào dưới dạng quy chuẩn [bắt buộc phải đảm bảo]”, ông phản ánh. “Vấn đề này đang thể hiện ở rất nhiều ngành kinh tế khác nhau. Nếu không đưa vào luật và có một cơ chế điều phối chung thì sẽ không giải quyết được”.

Giải pháp tháo gỡ?

Nhằm giải quyết những vướng mắc trên, một trong những nội dung được sửa đổi trong dự thảo Luật mới là việc thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, theo đó, bổ sung nội dung thẩm định về sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật, cam kết quốc tế về đo lường, chất lượng (trước đây, chỉ quy định “tiêu chuẩn”) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hạ tầng chất lượng quốc gia. “Luật hiện nay đã có quy định là việc xây dựng quy chuẩn thì cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động của chúng tôi thì thấy rằng việc này còn rất hạn chế”, ông Nguyễn Văn Khoa – đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) góp ý. “Chúng tôi mong muốn rằng dự thảo mới sẽ có những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng quy chuẩn thì cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp chịu tác động của quy chuẩn này. Những hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia như CPTPP cũng đã nêu những yêu cầu như vậy”.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng đưa thêm nguyên tắc “khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” để phù hợp với các quy định của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nguyên tắc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn của các Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO, IEC, ITU). Theo đó, dự thảo luật mới cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia đóng góp ý kiến vào hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp. Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định “thực hiện đánh giá tác động một cách toàn diện, đảm bảo không gây trở ngại không cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại”.

Một vấn đề khác liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp (quá trình kiểm tra xem sản phẩm, dịch vụ, nguyên liệu, quy trình, hệ thống và con người tại một nhà máy, doanh nghiệp nào đó có đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn hay những chỉ tiêu kỹ thuật khác hay không) - một trong những mảng rất quan trọng của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật - cũng được các doanh nghiệp chỉ ra. Theo ông Khoa, hiện nay có một số quy chuẩn dù đã ban hành nhưng lại chưa có sẵn sàng phòng thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp theo quy chuẩn ấy. “Đặc biệt là với lĩnh vực công nghệ thông tin - nơi có những công nghệ mới phát triển rất nhanh như 5G, IoT, việc quy chuẩn ban hành ra chưa có phòng thử nghiệm đánh giá sẽ gây ra tình trạng lúng túng cho cộng đồng doanh nghiệp khi áp dụng quy chuẩn này. Với số lượng sản phẩm lớn thì sẽ không kịp thực hiện đo kiểm, đánh giá, chứng nhận để đảm bảo theo quy định nhập khẩu kinh doanh tại Việt Nam”, ông Khoa cho biết.

Do đó, góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, ông Khoa đề nghị các điều khoản thẩm định dự thảo quy chuẩn trước khi ban hành phải bao gồm những yêu cầu về việc đánh giá được tính khả thi, đánh giá được bằng phương pháp trong nước, phương pháp nước ngoài,... Bên cạnh đó, ông cho rằng, cần bổ sung quy định, trong trường hợp có các công nghệ mới thì cho phép chấp nhận những kết quả đánh giá sự phù hợp đã được thực hiện bởi những tổ chức chứng nhận của nước ngoài đã được công nhận có năng lực.

Bài đăng số 1275 (số 3/2024) KH&PT