Ở Ấn Độ, một quốc gia có kinh phí đầu tư cho khoa học còn thấp và thiếu các chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa, khiến số ít người dân được hưởng lợi ích từ KH&CN.

Thủ tướng Ấn Độ Modi tới thăm triển lãm Công nghệ truyền thông Ấn Độ lần thứ 7 vào năm 2023. Nguồn: medianews18.com
Thủ tướng Ấn Độ Modi tới thăm triển lãm Công nghệ truyền thông Ấn Độ lần thứ 7 vào năm 2023. Nguồn: medianews18.com

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng này là tăng cường sự hợp tác giữa viện, trường với các doanh nghiệp, tạo dựng một văn hóa chuyển giao công nghệ.

Mỗi năm có hơn 6.000 nông dân chết vì phơi nhiễm thuốc trừ sâu, thứ thuốc bảo vệ thực vật mà họ phun bằng tay để giữ lấy mùa màng. Trong năm 2018, Praveen Vemula, một nhà khoa học vật liệu sinh học tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tế bào gốc và Y học tái tạo ở Bengaluru, đã có được một giải pháp khả thi: Từ một loại gel mà những người nông dân có thể bôi lên da để phá vỡ những thành phần độc hại nhất. Vemula đã nghĩ anh có thể tích hợp loại gel này vào quá trình dệt và sản xuất một loại vải bảo vệ vừa rẻ lại vừa có thể giặt giũ được. Anh muốn thành lập một công ty spin-off để có thể tạo ra những loại quần áo từ thứ vải đặc biệt này ở quy mô lớn, thương mại hóa nó trên thị trường và phân phối khắp toàn quốc.

Nhưng không có sự hỗ trợ nào từ viện nghiên cứu của anh để ươm mầm cho ý tưởng này phát triển. Cũng không có chính sách nào hỗ trợ cho việc thỏa thuận để chuyển giao sản phẩm trí tuệ này, hoặc quyết định thời điểm anh có thể dành cho việc thương mại hóa ý tưởng trong khi vẫn là một nhà nghiên cứu hưởng lương của viện, nơi không tồn tại các doanh nghiệp spin-off nảy sinh từ môi trường học thuật”.

Năm 2009 Chính phủ Ấn Độ đã có một số văn bản hướng dẫn vào việc thương mại hóa nghiên cứu, bao gồm các trung tâm ươm tạo công nghệ và ươm tạo khởi nghiệp. Nhưng “những hướng dẫn đó không hoàn thiện một cách đồng đều ở cấp độ viện nghiên cứu”. Điều đó cho thấy một rào cản lớn cho các nhà nghiên cứu đang ôm mộng ứng dụng những phát hiện mới của họ thành sản phẩm thực.

Sự thiếu khả năng chuyển đổi kiến thức thành công nghệ và sản phẩm là một nguyên nhân giải thích tại sao khoa học Ấn Độ đã phải vật lộn để giúp nâng cao tiêu chuẩn sống cho phần lớn người dân trong xã hội, theo nhận xét của Yamuna Krishnan, một nhà sinh hóa đã học tại Ấn Độ và hiện đang điều hành một phòng thí nghiệm ở trường Đại học Chicago, Illinois, Mỹ.

Theo công bố của World Bank, 10% dân số Ấn Độ trong năm 2019 sống dưới mức nghèo đói (đã giảm xuống từ 22% trong năm 2011). Ở các vùng nông thôn hơn 12% trẻ em ở độ tuổi đến trường của Ấn Độ phải thôi học từ cấp hai, trong đó đa số là trẻ em gái.

Thông qua việc đầu tư kinh phí cho KH&CN để có một cuộc sống có chất lượng cao, hơn là điều mà nhiều quốc gia đang thực hiện. Những gì cần làm để thay đổi Ấn Độ là tạo dựng một văn hóa chuyển giao công nghệ có thể đưa đầu tư khoa học thành thứ có thể đem lại những cải thiện chất lượng cuộc sống?

Vemula đã giải quyết vấn đề chuyển đổi kết quả nghiên cứu thành công nghệ của mình bằng việc soạn thảo các quy định cho chính mình và may mắn được các nhà lãnh đạo của viện mình chấp thuận. Anh thành lập công ty của mình, Sepio Health, vào năm 2019 và chờ đợi việc bán lô sản phẩm trang phục bảo hộ của mình vào năm sau. Các đồng nghiệp của anh tại viện đang học hỏi theo cách làm của anh và tự lập các công ty spin-off dựa trên công nghệ mình nghiên cứu ra, sử dụng chính chính sách mà Vemula đã áp dụng. “Giờ thì toàn bộ quá trình như vậy có thể được xử lý xong trong khoảng hai tuần”, anh nói. “Kể từ ngày anh gửi đơn đến viện, chỉ mất hai tuần là được xem xét toàn bộ quá trình và cấp phép” để thành lập công ty.

Dẫu đây là một hình mẫu tốt nhưng không phải nhà khoa học nào cũng có thể áp dụng được nó. Nhiều người đơn giản là không có thời gian, kỹ năng và mong muốn tìm ra cách. Krishnan thành lập công ty spin-off của mình, Esya Labs, để thương mại hóa nghiên cứu khám phá thuốc của mình từ năm 2016. “Sẽ mất rất nhiều thời gian cho ai đó chuyển đổi một nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa, phải phá vỡ vô vàn rào cản đang tồn tại giữa việc làm khoa học cơ bản ở trên tít cao, sau đó chuyển đổi nó thành thứ sản phẩm có thể sờ mó được ở dưới mặt đất”, cô diễn tả một cách hình ảnh và bày tỏ thán phục về sáng kiến của Vemula. “Nhưng đó là những gì mà Ấn Độ có thể làm để đưa những đổi mới sáng tạo trong khoa học đến với mọi người ở một cấp độ hợp lý hơn.

Mặc dù không có mấy các kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển đổi thành ứng dụng trong cuộc sống, nhưng Ấn Độ cũng đã đạt được một số con số khá ấn tượng. Hội đồng Hỗ trợ nghiên cứu trong công nghiệp sinh học đã báo cáo là nền kinh tế sinh học quốc gia này đã tăng trưởng tới 14% trong năm 2021 và đạt hơn 80 tỉ USD.

Ấn Độ, việc thiếu chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, thay vào đó là việc thắt chặt hầu bao để hướng đích ngắn hạn và đầu tư từ trên xuống. Đó là nguyên nhân giải thích tại sao Ấn Độ lại đạt các mức tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ qua là việc ưu tiên đầu tư vào một số lĩnh vực như IT; đồng thời thúc đẩy sử dụng hàng hóa và dịch vụ của một nhóm nhỏ dân số. Những chính sách đó tạo ra một sự bùng nổ trong tầng lớp trung lưu, tăng trưởng hơn 6% một năm kể từ giữa những năm 1990 và giờ chiếm tới 31% dân số.

Chiến lược đó dẫn đến kinh tế Ấn Độ tăng hơn 5% một năm trong cả thập kỷ qua và được dự đoán ở mức tương tự, thậm chí cao hơn trong những năm đến. Nhưng nó cũng làm hàng trăm triệu người bị bỏ lại.

Vậy chính quyền có thể cải thiện như thế nào để nhiều người dân được hưởng lợi ích từ những khoản đầu tư cho khoa học? Một cách là tạo dựng được sự liên kết giữa các cơ sở công, cụ thể là các trường đại học và viện nghiên cứu của chính phủ. Các nhà khoa học vốn có xu hướng thích làm việc trong những tháp ngà học thuật, chỉ hợp tác với một số ít người hoặc trao đổi ý tưởng với những người ở quốc gia khác, Jayant Krishna, người phụ trách về chính sách Mỹ - Ấn Độ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, nói.

Trong những thảo luận không chính thức giữa các nhà nghiên cứu có uy tín và các cố vấn khoa học của chính phủ, Ấn Độ phải xem xét tái tổ chức các viện, trường đó thành các cụm và tạo ra nhiều nghiên cứu liên ngành, khuyến khích hợp tác với công nghiệp. Nhưng những thảo luận như vậy thậm chí còn rất sơ khởi. “Không có sự đồng thuận về việc liệu nhiều cụm như vậy được sắp xếp dựa vào chủ đề khoa học hay địa lý, Krishna chỉ ra. Ở Ấn Độ thì bất cứ ai cũng quen với một cách làm việc nhất định. Thay đổi sẽ không diễn ra một cách dễ dàng”.

Nguồn: Nature.com