Trong những năm gần đây, Nông nghiệp Việt Nam đạt được những thành tích phát triển sản xuất và xuất khẩu to lớn đồng thời cũng giảm dần tốc độ tăng trưởng do các tài nguyên đầu vào phục vụ sản xuất giảm dần.

Động lực duy nhất và vô tận để tiếp tục phát triển nông nghiệp trong tương lai chủ yếu phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới quản lý. Tuy nhiên, phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn cần phải tháo gỡ kịp thời.

Ngành nông nghiệp là ngành có số lượng các viện nghiên cứu và số lượng các cán bộ khoa học lớn nhất cả nước với 11 viện nghiên cứu chuyên đề và viện vùng; 4 viện quy hoạch và 39 trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ, với nhiều trạm trại đặt khắp các miền trong cả nước. Kinh phí nghiên cứu tuy chưa nhiều nhưng cũng rất lớn, hằng năm trung bình nhà nước chi gần 500 tỷ cho kinh phí sự nghiệp khoa học, hơn 400 tỷ cho tiền đề tài, chưa kể đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị của các viện nghiên cứu. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu vẫn đạt hiệu quả thấp vì một loạt những khiếm khuyết cần phải được tháo gỡ ngay.

Tổ chức hệ thống khoa học

Ở cấp bộ, hoạt động quản lý nhà nước vẫn còn bóng dáng xin cho, giám sát chứ chưa hẳn là xây dựng chính sách, cải tiến thể chế. Ở cấp viện, mặc dù đã thống nhất nhiều viện chuyên ngành trong 3 “viện mẹ” (nông nghiệp, thủy lợi, Lâm nghiệp) nhưng vai trò của các viện mẹ với các viện cấp 2 vẫn như một tổ chức quản lý trung gian mang tính chất hành chính hơn là tổ chức phối hợp lực lượng đa ngành của các viện con trong các hoạt động nghiên cứu tổng hợp để cung cấp dịch vụ cần thiết hỗ trợ cho các viện con. Nhiều tổ chức nghiên cứu vẫn ỷ lại vào ngân sách nhà nước, lo tìm việc để trả lương, cải thiện đời sống cho cán bộ hơn là tập trung vào những nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Do vậy nhất thiết phải đổi mới các đơn vị nghiên cứu thành 2 loại rõ rệt:

- Tập trung ngân sách của nhà nước đầu tư dứt điểm cho các viện nghiên cứu cơ bản làm các nhiệm vụ công ích, để các đơn vị này thực hiện được các nhiệm vụ khoa học công nghệ cho toàn dân.

- Các viện nghiên cứu mang tính chất ứng dụng hoặc sản phẩm có thể đem lại lợi nhuận thì cần kiên quyết sắp xếp lại để liên kết với các thành phần kinh tế, chuyển sang hạch toán gắn các sản phẩm nghiên cứu với hiệu quả chuyển giao và ứng dụng.

Thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu tại huyện Quảng Trạch. Nguồn: Báo Quảng Bình

Thu hút đầu tư tư nhân vào tham gia hoạt động nghiên cứu, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng cơ quan nghiên cứu khoa học, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán cho các đơn vị khoa học công nghệ công lập mang tính chất ứng dụng. Các hoạt động này cần tập trung vào khai thác, khuyến khích phát huy đội ngũ cán bộ và công nghệ, kiên quyết không làm thất thoát cơ sở hạ tầng và đất đai nhà cửa của các viện trường nhà nước.

Quản lý khoa học

Đã kéo dài quá lâu cách thức lên kế hoạch nghiên cứu dựa vào đề xuất của chính đại diện cơ quan nghiên cứu thiên về ý muốn chủ quan của đội ngũ nghiên cứu mà không phản ánh được các yêu cầu và những vấn đề thực tế của sản xuất. Cần phải thay đổi cơ chế lập kế hoạch và nêu vấn đề nghiên cứu dựa trên chính đề nghị của những người sản xuất kinh doanh và đại diện cho các vùng sinh thái nông nghiệp chính.

Kinh phí nghiên cứu hằng năm và một vài năm được lập theo các đề tài hướng vào một số nội dung học thuật lâu nay không cho phép giải quyết một cách dứt điểm những vấn đề đặt ra trong thực tế sản xuất. Cần kiên quyết chuyển sang cách đặt hàng đầu tư để giải quyết hoàn chỉnh một vấn đề, ra được sản phẩm cụ thể, áp dụng được trong sản xuất. Như vậy, đề tài có thể ngắn hay dài, có thể tổng hợp nhiều chuyên ngành miễn là có sản phẩm hoàn chỉnh. Kiên quyết chuyển sang khoán sản phẩm cuối cùng để thực sự có biện pháp khen thưởng và đầu tư thích đáng cho các nhà khoa học chân chính.

Đối với các nhiệm vụ khoa học thường xuyên như thông tin thị trường, điều tra, giám sát, theo dõi dịch bệnh, thiên tai, thủy văn, khí tượng,… cần giao thành nhiệm vụ với kinh phí thường xuyên và có chế độ đánh giá kết quả mức độ chính xác, hiệu quả ứng dụng trong thực tế của các thông tin để tiếp tục đầu tư như các sản phẩm công ích chứ không phải như các đề tài khoa học.

Cần có cơ quan đánh giá khách quan, với sự tham gia của đại diện người sử dụng khoa học công nghệ để theo dõi thường xuyên và đánh giá độc lập các kết quả nghiên cứu, công tác chuyển giao khoa học công nghệ và quy mô áp dụng của các tiến bộ kỹ thuật để từ đó đề ra giải pháp tăng cường đầu tư cho các viện nghiên cứu làm ăn tốt hay giảm bớt hay thậm chí giải tán các cơ quan làm việc kém hiệu quả. Tạo động lực để Nội bộ cán bộ trong các viện thi đua đấu tranh thúc đẩy đơn vị làm ăn có hiệu quả.

Công tác cán bộ

Cách đây vài năm, ngành nông nghiệp đã có gần 11.000 cán bộ khoa học được ưu tiên đầu tư cả dưới thời kỳ kinh tế kế hoạch và đặc biệt là khi chuyển sang cơ chế thị trường với rất nhiều học bổng và các dự án hợp tác nghiên cứu đào tạo của nhiều nước trên thế giới. Gần 8.000 cán bộ làm tại các viện chuyên đề và viện vùng, gồm 67 giáo sư và phó giáo sư, 426 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, 1.268 thạc sĩ. Đáng buồn là nhà nghiên cứu hiện nay thường cạnh tranh nhau lên cấp bậc quản lý và vị trí điều hành hành chính, phấn đấu về chức vụ lãnh đạo hơn là thi đua nhau nghiên cứu chuyên môn.

Tinh giảm biên chế, lọc lại nhân lực thực việc không chỉ nâng cao hiệu quả khoa học công nghệ mà còn tránh đượctình trạng chảy chất xám đang diễn ra nghiêm trọng, ngăn chặn cách làm việc chia rẽ hiện nay, tránh được mâu thuẫn trong nội bộ cán bộ khoa học. Cần mạnh dạn áp dụng một cơ chế sử dụng và quản lý cán bộ mà việc tăng thu nhập, khen thưởng, đề bạt,… dựa theo kết quả sáng tạo, tính bằng sản phẩm giúp ích cho sản xuất.

Muốn có được đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu đàn mạnh thì phải mạnh dạn áp dụng các chính sách thu hút nhân tài bằng cách thay đổi các tiêu chí đề bạt lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học, kể cả về các tiêu chuẩn chính trị, quốc tịch. Thăng thưởng trong cơ quan khoa học phải căn cứ vào số công trình được công bố, kết quả khoa học ứng dụng, các bằng phát minh sáng chế được đăng ký,… chứ không phải dựa theo thâm niên hay theo phiếu bầu của mọi cán bộ nhân viên. Phải tạo điều kiện để thu hút các nhà khoa học quốc tế vào tham gia quản lý ở các viện,các trường.