Kế hoạch này tập trung vào các lĩnh vực: Y tế và thuốc, nông nghiệp, khoa học môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học biển. Kế hoạch hành động là tài liệu chiến lược cho các ưu tiên nghiên cứu và sẽ định hướng hợp tác cho các tổ chức khoa học và công nghệ của 2 nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 30/11, đoàn Quốc hội Việt Nam đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) và Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang (CSIRO). Tại đây, Bộ KH&CN đã ký kết kế hoạch hành động về hợp tác khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam - Australia.

Phát biểu tại CSIRO, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác và thực hiện dự án giữa Bộ KH&CN Việt Nam với CSIRO ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chứng kiến lễ ký kết hỗ trợ cho Việt Nam trong dịp Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 vừa qua.

TS John Manners - CSIRO - cho biết, hiện nay, các hoạt động hợp tác giữa CSIRO và Việt Nam đang tăng lên và ông đề xuất ký với Bộ KH&CN biên bản ghi nhớ để cùng phát triển và triển khai các hoạt động ở cấp dự án.

Lễ ký kết Kế hoạch hành động về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Australia giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp liên bang (CSIRO) dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo một số bộ, ngành, đơn vị của 2 nước.
Lễ ký kết kế hoạch hành động về hợp tác KH&CN Việt Nam - Australia giữa Bộ KH&CN và CSIRO dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến lễ ký kết Chương trình hành động giữa Bộ KH&CN Việt Nam với Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Australia. Điều này thể hiện Việt Nam rất quan tâm hợp tác toàn diện với Australia, trong đó có lĩnh vực KH&CN. Bà cũng nhấn mạnh chủ trương của Quốc hội là ngân sách có thể giảm ở các lĩnh vực khác, nhưng riêng giáo dục và KH&CN phải luôn được chú trọng. Những vấn đề đã được ký kết hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã chứng kiến Bộ KH&CN và CSIRO ký kết Kế hoạch hành động về hợp tác KH&CN Việt Nam - Australia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia.

Cùng ngày, đoàn Quốc hội Việt Nam cũng có chuyến thăm ACIAR. Đây là đơn vị có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ KH&CN Việt Nam trong nhiều năm qua.

ACIAR bắt đầu chương trình hợp tác ở Việt Nam từ năm 1993 và đã hỗ trợ hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tại Việt Nam với số tiền đầu tư 100 triệu đô Úc thông qua 170 dự án.

Mục tiêu của ACIAR là hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Chính sách phát triển nông nghiệp, kinh tế và kinh doanh nông nghiệp, tài nguyên đất và nước, chăn nuôi, khoa học cây trồng, lâm nghiệp và thủy sản.... Kết quả nghiên cứu mang lại lợi ích cho nhiều nhóm đối tượng, bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách tại trung ương và địa phương, các cán bộ khuyến nông. Mục tiêu chính là hướng đến nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế lâu dài cho nông dân, nhất là các nông hộ nhỏ.

Kế hoạch hành động Việt Nam - Australiavề KH&CN tập trung vào các lĩnh vực sau:

Y tế và thuốc: Các can thiệp vào sức khỏe cộng đồng; đào tạo và nghiên cứu y khoa về bệnh mãn tính, bệnh không truyền nhiễm; các bệnh lây nhiễm, gồm cả kháng khuẩn; cải thiện sức khỏe cộng đồng và các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; sức khỏe sinh sản, bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh; các cơ chế gene của bệnh ung thư; cấy ghép tế bào gốc.

Nông nghiệp: Trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi và sức khỏe vật nuôi; hiện đại hóa nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản; tài nguyên nước; lâm nghiệp.

Khoa học môi trường: Sử dụng công nghệ sinh học trong khắc phục và bảo vệ môi trường; quản lý chất thải; đánh giá tác động môi trường ở các khu vực khai mỏ; dữ liệu môi trường quốc gia và các chương trình kiểm soát dài hạn để hỗ trợ các chính sách môi trường và phát triển bền vững; sử dụng thông tin quan sát để hỗ trợ chống lại các thách thức của khu vực (có thể là liên ngành).

Biến đổi khí hậu: Các giải pháp giám sát biến đổi khí hậu; các mô hình dự báo khí hậu đô thị; phát triển thành phố bền vững và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; năng lượng tái tạo.

Khoa học biển: Bảo vệ, kiểm soát và đặc tính của môi trường biển; ứng phó với các sự cố môi trường biển; công nghệ tìm kiếm thăm dò dầu khí; phát triển bền vững nền kinh tế xanh; suy thoái và phục hồi các hệ thống thuộc bờ biển và nguồn tài nguyên; hệ thống quan sát biển để giúp hiểu về sự biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi.