Mô hình trồng dâu công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Hữu Nam
Thứ nhất, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng những công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại điều 5 của Luật Công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, bao gồm: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa.
Thứ hai, doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hằng năm.
Thứ ba, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hằng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.
Thứ tư, áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Căn cứ vào 4 tiêu chí trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là đơn vị chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận của doanh nghiệp và Ủy ban Nhân dân tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Quyết định 19 có hiệu lực từ ngày 5/6/2018.