Qua khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM tại 100 doanh nghiệp (DN) địa phương chỉ có 4 DN có trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D). Trong số đó cũng chỉ có 11 DN đầu tư 3% lợi nhuận để phát triển công nghệ.
Chỉ 21/100 DN có quỹ KH&CN
Ông Lê Phan Hoàng Chiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chế tạo thiết bị mới TPHCM - cho biết: Hoạt động R&D trong phần lớn DN là phục vụ cho hoạt động kinh doanh hiện tại và kinh doanh sản phẩm mới, chỉ có 43 DN lớn có mục tiêu nghiên cứu thăm dò thị trường.
Còn quá ít các DN chú trọng đến hoạt động cải tiến quá trình sản xuất và bao bì. Các DN ít chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển hệ thống thiết bị, máy móc sản xuất, đổi mới công nghệ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều DN trong nước gặp khó và không cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI cũng như hàng hóa nhập ngoại.
Hoạt động R&D ít hay nhiều cũng có tác động tốt trong sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới, góp phần phát triển hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các DN thiếu công cụ quản lý các dự án R&D như quy trình, biểu mẫu, tiêu chí đánh giá, thẩm định; đồng thời cũng chưa kiểm soát được hết những yếu tố rủi ro của những dự án R&D như mẫu lỗi thời, chi phí sản xuất cao, thiếu nguồn lực triển khai.
Ngoài ra, trang thiết bị cho hoạt động này còn quá thiếu. Trong 100 DN được khảo sát, chỉ có 16 DN lớn có trang thiết bị hoặc phòng thí nghiệm R&D, 30 DN không có trang thiết bị cho R&D, số còn lại sử dụng ngay thiết bị sản xuất cho hoạt động này. Trong khi đó, kinh phí R&D được phần lớn DN hạch toán chung vào chi phí sản xuất. Mới có 21 DN đã thành lập quỹ phát triển KH&CN và 11 doanh nghiệp đầu tư hơn 3% lợi nhuận cho R&D. Vì vậy, việc trích 10% lợi nhuận cho quỹ KH&CN còn xa vời so với thực tế.
Nhân lực - cản trở đầu tư R&D
Theo Nghị định 95 Quy định về Đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải trích từ 3-10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỉ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên trên thực tế đa phần các DN hiện nay đổi mới công nghệ, đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất lại dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ của đối tác. Việc tham gia các chương trình của Nhà nước và liên kết với các viện, trường còn quá ít.
Trao đổi thông tin giữa trường đại học, viện nghiên cứu và DN còn rất hạn chế. Vai trò của bộ phận R&D của trường, viện, DN chưa phát huy được nhiệm vụ của mình. Trong khi chính bộ phận này là cầu nối cho việc quyết định mục tiêu, định hướng ưu tiên cũng như quyết định phân bổ kinh phí cho phát triển bền vững của DN dựa vào KH&CN. Nhiệm vụ phát triển công nghệ vẫn chưa có sự liên kết giữa viện, trường và DN.
Nhiều DN còn cho rằng, cơ chế vận hành quỹ KH&CN hiện đang gây khó khăn cho DN trong quá trình tiếp cận. Bên cạnh đó, do chưa tự chủ được nguồn quỹ nên các DN cũng không mặn mà với việc đầu tư cho R&D. Ngoài ra, nguồn nhân lực hạn chế, chưa có mô hình tổ chức cũng như các giải pháp triển khai đang là những bất cập làm cản trở việc đầu tư R&D trong DN. Vì vậy, nhiều DN kiến nghị Nhà nước cần có chính sách sớm tháo gỡ ràng buộc về việc trích lập quỹ phát triển KH&CN.
Theo ông Hà Thân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tin học Lạc Việt, kinh nghiệm khi đầu tư cho R&D, các DN cần chú trọng khi nghiên cứu một sản phẩm nào đó thì phải xem tiêu chuẩn của thế giới có chưa, nếu đã có thì phải tuân thủ theo chuẩn quốc tế để có thể xuất khẩu.
Ông Vương Quan Trường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Công ty bóng đèn Điện Quang - thì chia sẻ, đã làm R&D thì phải theo từ đầu đến cuối. Từ khi tìm hiểu, nghiên cứu thị trường cho đến khi ra sản phẩm mới và phải xem thị trường đón nhận sản phẩm mới như thế nào để rút kinh nghiệm.
Để phát triển R&D, DN cần phải chú ý xem xét các yếu tố về nhân sự, tài liệu nghiên cứu, phòng thí nghiệm cũng như tăng cường hợp tác liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, DN... Sự liên kết này càng chặt chẽ thì việc triển khai hoạt động R&D càng hiệu quả.