Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân phát biểu tại lễ khai mạc techmart 2015 một ý tưởng quan trọng: “Chúng ta sẽ thấy không chỉ các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp mà còn có các nhà doanh nghiệp có tinh thần khoa học”.
Từ ý tưởng này, có thể rút ra slogan gợi mở cho sự hợp tác của các nhà khoa học và các doanh nghiệp: “Tinh thần khoa học, tinh thần doanh nghiệp”. Tinh thần đó không chỉ giới hạn trong không gian và thời gian của
Techmart 2015, mà là chiến lược phát triển KH&CN gắn liền với sản xuất và đời sống của Việt Nam trong thời gian tới.
“Tinh thần khoa học, tinh thần doanh nghiệp” được Bộ trưởng Nguyễn Quân đặt ra vào thời điểm Việt Nam vừa có bước đột phá ngoạn mục về KH&CN khi vượt qua Thái Lan trong bảng xếp hạng “Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015” mà WIPO vừa công bố. Cú “nhảy xa” 19 bậc là nhờ vào đầu tư nghiêm túc cho KH&CN hướng tới sản phẩm đầu ra của sáng tạo Việt Nam, hướng tới ứng dụng KH&CN vào thực tiễn. Sự khác biệt so với chính mình trước đây tạo nên sự khác biệt về đẳng cấp đối với các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực KH&CN và việc vượt qua Thái Lan là một bằng chứng thuyết phục. Căn bệnh tạo ra sản phẩm khoa học lý thuyết trầm kha bao nhiêu thập kỷ qua đã thuyên giảm nhờ vào liệu trình trị liệu với những sản phẩm có tính thực tiễn cao.
Đa số doanh nghiệp Việt Nam “múa may” trên thương trường bằng những chiêu thức quá cũ, trong đó chỉ chú trọng vào nguồn lực quan hệ và nguồn lực tài chính, nhưng những thế mạnh đó chứa đựng quá nhiều rủi ro khi tham gia vào thị trường của thế giới siêu phẳng. Ở thế giới ấy, thứ duy nhất làm nên sức cạnh tranh chính là khoa học kỹ thuật, KH&CN. Steve Jobs đã thay đổi thế giới khi đưa ra sản phẩm điện thoại thông minh với một nút bấm. Sản phẩm đó không sinh ra từ những mối quan hệ quyền lực trong bóng tối mà nó là con đẻ từ trí tuệ rực sáng của con người.
Doanh nghiệp nhận thức đầy đủ rằng khoa học sẽ hỗ trợ cho sản xuất, nhưng các nhà khoa học cũng không thể đứng ngoài cuộc khi cho rằng mình là thiên tài không nói chuyện áo cơm. Hãy bước đến với doanh nghiệp và khiêm tốn giới thiệu sản phẩm như một doanh nghiệp đi tiếp thị thuốc đánh răng. Chẳng có gì xấu hổ khi nhà khoa học mang tinh thần của doanh nghiệp.
Nhưng để slogan trên bùng nổ thành giá trị của hiện thực, “tinh thần khoa học”, “tinh thần doanh nghiệp” cần được phát huy mạnh mẽ, liên tục chứ không chỉ trong không gian và thời gian của Techmart 2015. Và còn cần nhiều nữa những cơ chế, chính sách tạo ra các điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau, phối hợp và cùng tạo ra sản phẩm, được sự bảo vệ của pháp luật về quyền lợi vật chất cũng như sở hữu trí tuệ.
Chúng ta có niềm tin vào trí thông minh của người Việt, nhưng niềm tin đó phỏng có ích gì khi không có sản phẩm trí tuệ phục vụ cho đời sống của con người. Thông minh sao được khi đa số doanh nghiệp Việt Nam còn sản xuất bằng công cụ cơ bắp và cơ khí thủ công, để rồi năng suất lao động thấp hơn so với Singapore15 lần (?!).
Bởi vậy, “tinh thần khoa học”, “tinh thần doanh nghiệp” ở Techmart kỳ này cần được các nhà làm chính sách quản lý KH&CN các cấp thấu hiểu và đưa vào những chính sách thông minh để hiện thực hóa trí thông minh của người Việt.
Lê Thanh Phong