Doanh nghiệp chưa quan tâm đến kết quả nghiên cứu của các trường đại học, hay nhà khoa học không chú tâm quảng bá cái mình đã làm thành công tới thị trường?
Tại hội thảo Tổ chức và hoạt động chuyển giao công nghệ: Kinh nghiệm của Australia và đề xuất cho Việt Nam do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức ngày 5/10, nhiều ý kiến cho rằng hiện doanh nghiệp chưa quan tâm đến kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại các trường đại học.
Khi hai bên cùng lợi
Theo PGS-TS Trần Văn Hải - Chủ nhiệm đề tài nghị định thư Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện ở Việt Nam đang có tình trạng giữa nghiên cứu của các viện nghiên cứu tại trường đại học với các doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Tức là một bên chỉ làm chức năng nghiên cứu, còn một bên là cần kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất, nhưng hiện đang thiếu sự gặp nhau ở một điểm, trong khi đó nếu thúc đẩy việc này thì cả hai bên cùng có lợi.
Cũng cùng quan điểm này, trước đó - khi trả lời Báo Khoa học và Phát triển tại Chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) - cho rằng nhiều khi người có công nghệ rất hay nhưng không biết tìm doanh nghiệp ở đâu, còn doanh nghiệp nhiều khi khao khát công nghệ nhưng cũng không tìm được trực tiếp, nhất là khi Việt Nam chưa có thị trường công nghệ.
Theo bà Hạnh, ở đây câu chuyện này đang trở lại bài toán “quả trứng và con gà”, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu công nghệ để nhà khoa học nghiên cứu hay nhà khoa học nghiên cứu theo nhu cầu của doanh nghiệp vẫn đang khó tìm điểm chung. Do vậy cần có phương cách để giải bài toán này và một điều quan trọng là nhà khoa học cần đẩy mạnh hơn việc quảng bá kết quả của mình tới doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu của TS Hải cũng chỉ ra hiện thống kê sáng chế do các trường đại học Việt Nam đứng tên chủ sở hữu quá ít. Cụ thể, tổng số đơn đăng ký sáng chế là 120, số bằng độc quyền sáng chế đã cấp là 23.
“Hiện các sáng chế của Việt Nam (trong đó có các trường đại học) chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm các nhu cầu đời sống của con người; quy trình công nghệ giao thông vận tải và nhóm hóa học luyện kim. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao các lĩnh vực công nghệ sáng tạo tại Việt Nam đề cập lại ít được thị trường quan tâm?” - TS Hải đặt vấn đề.
Lỗi kết nối?
Tự lý giải về điều này, TS Hải cho rằng lỗi không thể kết nối giữa nghiên cứu của các viện nghiên cứu tại trường đại học với các doanh nghiệp chính là do Việt Nam đang thiếu các mô hình doanh nghiệp vệ tinh, ươm tạo công nghệ.
“Anh chàng” doanh nghiệp vệ tinh này có nhiệm vụ hoàn thiện công nghệ và chuyển từ kết quả nghiên cứu sang khu vực sản xuất chúng ta vẫn còn thiếu” - TS Hải cho biết.
Tuy nhiên, tỏ ra không đồng tình với việc các nhà khoa học phải đẩy mạnh việc quảng bá kết quả nghiên cứu của mình, ông Vũ Cao Đàm - Trường Đại học KHXH&NV - cho rằng đó chỉ là vạn bất đắc dĩ và hướng nhiều hơn đến phía doanh nghiệp. Theo ông Vũ Cao Đàm, quan trọng là doanh nghiệp có “nuốt” công nghệ hay không và điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào thể chế kinh tế, ở đây liên quan đến thể chế kinh tế thị trường.
“Vấn đề không phải là bàn chuyện nhà khoa học nỗ lực quảng bá, mà cần quan tâm đến chuyện các doanh nghiệp có cần đổi mới hay không. Hiện doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự khát khao đổi mới do chúng ta chưa có nền kinh tế thị trường. Trong khi đó kinh tế thị trường lại phụ thuộc nhiều vào thiết chế kinh tế vĩ mô mà hiện nay kinh tế vĩ mô như thế này thì doanh nghiệp muốn đổi mới cũng không được” - ông Vũ Cao Đàm nhìn nhận. Phân tích thêm về quan điểm của mình, ông Đàm cho rằng việc đổi mới công nghệ không phụ thuộc vào lòng tốt của ông giám đốc doanh nghiệp. “Thế mới có chuyện Vinashin mua đoàn tàu cũ. Vấn đề không phải phụ thuộc doanh nghiệp hay nhà khoa học” - ông Vũ Cao Đàm một lần nữa nhấn mạnh.
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập, việc đổi mới công nghệ để tồn tại và cạnh tranh là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, do vậy ông Đàm kỳ vọng: “Khi Nhà nước không còn là bầu sữa để doanh nghiệp được bú mớm thì không cần nhà khoa học đi quảng bá, doanh nghiệp cũng phải tự tìm cách để hút công nghệ mới vào đổi mới tại cơ sở của mình”.
Trên thế giới hiện trải qua nhiều giai đoạn, một là khoa học và công nghệ đẩy, hai là công nghệ kéo, thứ ba là sản phẩm kéo, rồi thị trường kéo khoa học và công nghệ đi theo.
“Chúng ta vẫn đang loay hoay ở giai đoạn KH&CN đẩy. Khi kinh tế thị trường thực sự phát huy thì sẽ không còn tình trạng đó mà sẽ chuyển sang giai đoạn thị trường kéo. Tại Việt Nam, các techmart thể hiện sự nỗ lực hết sức từ phía cơ quan quản lý nhà nước để có thể giới thiệu các kết quả nghiên cứu trong nước tới các doanh nghiệp.
Đây cũng là dạng KH&CN đẩy, tức là cố gắng trưng bày các kết quả nghiên cứu ra cho xã hội biết nhưng chắc sẽ phải mất một thời gian nữa - khi đất nước thực sự bước sang nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp sẽ tìm đến công nghệ nhiều hơn” - ông Vũ Cao Đàm nhận định.
Từ thực tế của Việt Nam, TS Hải đề xuất nhiều hình thức để việc chuyển giao, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu tới thị trường.
Theo đó, Việt Nam nên hình thành các công ty chuyển giao công nghệ. Các công ty này có thể tồn tại bên cạnh các tổ chức R&D với mục đích chuyển giao sáng chế từ khu vực R&D ra khu vực sản xuất. Ở đây, công ty chuyển giao công nghệ không đơn thuần chỉ tồn tại với mục đích môi giới chuyển giao công nghệ, mà còn đầu tư mạo hiểm cho hoạt động nghiên cứu của các tổ chức R&D thuộc các trường đại học, điển hình về hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cho chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra cũng có thể hình thành các công ty vệ tinh đầu tư trực tiếp là một bộ phận của tổ chức R&D, với mục đích tự đầu tư cho nghiên cứu, tạo nên sáng chế để được cấp patent, trực tiếp đưa sáng chế vào áp dụng công nghiệp hoặc chuyển giao sáng chế cho các tổ chức có nhu cầu sử dụng.
“Nếu các mô hình này phát triển mạnh thì sự kết nối chắc chắn sẽ bền vững hơn” - PGS-TS Hải khẳng định.