Thời gian qua, vấn đề phát triển IoT tại Việt Nam được bàn luận khá nhiều. Các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Câu trả lời sẽ có trong cuộc trao đổi dưới đây của báo Khoa học và Phát triển với ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ công nghệ thông tin, Bộ thông tin và Truyền thông.
Thưa ông, IoT đang được đánh giá là xu hướng công nghệ tiềm năng nhất thế giới. Với tư cách một nhà quản lý, ông nhận xét thế nào về tiềm năng và xu hướng IoT của thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng?
Ông Đào Đình Khả: Trước khi nói về IoT, chúng ta cần thấy rõ thông tin có vai trò quan trọng trong các hoạt động mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Thông tin giúp chúng ta có những quyết định chính xác, từ việc điều khiển máy móc tới việc đưa ra quyết sách có ảnh hưởng rộng lớn đến toàn xã hội.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Lượng dữ liệu thu thập được là vô cùng lớn. Tuy nhiên, với lượng dữ liệu, thông tin lớn như thế, nếu lúng túng trong cách khai thác và sử dụng có thể gây ra nhiều tác dụng ngược chiều.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, thế giới đã có nhiều tiến bộ về công nghệ như chế tạo các thiết bị đo (sensor), giao thức Internet để kết nối một lượng lớn thiết bị, công nghệ truyền dữ liệu không dây, công nghệ xử lý và phân tích dữ liệu,… Những tiến bộ này mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội để thu thập và xử lý một khối lượng lớn dữ liệu một cách hiệu quả.
IoT thực chất là một tập hợp các công nghệ cho phép chúng ta thu thập được khối lượng lớn dữ liệu một cách có tổ chức thông qua các thiết bị thông minh được kết nối qua internet và mạng không dây và khả năng xử lý dữ liệu đó một cách hiệu quả để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và kinh doanh.
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên con người tìm kiếm những tài nguyên mới. Và IoT cho phép chúng ta khai thác nguồn tài nguyên có sẵn, đó là tài nguyên thông tin, để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đó là lý do IoT được coi là một xu thế công nghệ đầy tiềm năng có thể đem lại lợi ích to lớn.
Tại Việt Nam, theo chủ trương hội nhập vào kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước, ngành CNTT Việt Nama không thể đứng ngoài xu hướng này. Trong thời gian tới, ở tầm nhà nước, việc khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên để phục vụ công tác dự báo, quản lý sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Về phía các doanh nghiệp công nghệ thông tin, họ cần tận dụng cơ hội này để đưa ra lớp ứng dụng mới, cho phép khai thác khả năng tiềm ẩn của doanh nghiệp thông qua việc phân tích các dữ liệu có liên quan.
Ở Việt Nam, IoT có tiềm năng được ứng dụng trong hàng loạt các lĩnh vực đang được xã hội quan tâm như giao thông, y tế, nông nghiệp, giáo dục… nhằm giúp hạ thấp chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo như ông nói, tiềm năng IoT ở Việt Nam là rất lớn.Vậy hiện nay Việt Nam đã có chính sách hay kế hoạch gì để phát triển IoT chưa, thưa ông?
Việt Nam hiện chưa có chính sách cụ thể tập trung vào chủ đề này. Tuy nhiên, chúng ta đã có nhiều tiền đề quan trọng giúp IoT phát triển.
Một trong những tiền đề đó là 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, ban hành vào ngày 1/7/2014. Nghị quyết có đề cập tới việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ CNTT đáp ứng thị trường xuất khẩu và trong nước, hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ công nghệ thương hiệu Việt có hàm lượng trí thức cao, đầu tư nghiên cứu các sản phẩm phần mềm để sử dụng,…
IoT cho phép chúng ta có khả năng thu thập được rất nhiều dữ liệu, tuy nhiên điều này sẽ trở nên vô nghĩa nếu ta không khai thác được dữ liệu để đưa ra quyết định phục vụ cho mục đích nhất định. Do đó, chúng ta cần có công nghệ mới để phân tích, xử lý dữ liệu theo xu hướng tạm dịch là Sáng tạo đổi mới dựa trên tiềm năng dữ liệu (Data Driven Innovation hay DĐI). Do đó, trong thời gian tới, ngoài tập trung vào dịch vụ công nghệ thông tin phần cứng, phần mềm, cần đầu tư vào công nghệ phân tích dữ liệu, biến dữ liệu thành nguồn tài nguyên để tạo lợi thế cạnh tranh.
Ông Đào Đình Khả cho rằng việc phát triển hệ sinh thái IoT là cần thiết để hội nhập thành công. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để phát triển IoT, để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo?
Cần thúc đẩy trào lưu IoT và DDI để các doanh nghiệp theo hướng này phát triển. Việc phát triển hệ sinh thái (HST) IoT là cần thiết để thực hiện tạo ra một cộng đồng các doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy sự sáng tạo và cạnh tranh.
Các ứng dụng IoT chỉ có thể được triển khai hiệu quả nếu như có cơ sở hạ tầng phù hợp. Hạ tầng IoT có nhiều lớp như lớp truyền dẫn, lớp dịch vụ CNTT cơ bản, các nhà cung cấp dữ liệu và cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu, và cuối cùng là cộng động các doanh nghiệp phát triển các công cụ khai thác dữ liệu để phục vụ cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Trong mô hình này, nhà nước có vai trò đưa ra những chính sách hỗ trợ, đồng thời phát triển các lớp hạ tầng cơ bản. Trong khi đó, các doanh nghiệp, với sự linh động của mình, sẽ đóng vai trò chủ động trong việc thúc đẩy IoT phát triển.
Với các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo, nhiệm vụ của họ là chứng minh được rằng ý tưởng của mình là hay, hiện thực, với công nghệ tiên tiến và tính khả thi cao để nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng theo mô hình kinh tế thị trường. Dự kiến, nhà nước sẽ hỗ trợ phần liên quan tới hạ tầng, quảng bá vào thời điểm mới đầu. Ngoài ra, cũng cần có mô hình, tổ chức sao cho những ý tưởng mới thai nghén được hỗ trợ để thể hiện, chứng minh tính mới, sáng tạo và tính khả thi. Một vấn đề quan trọng nữa là trong thời gian tới, cần có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho người sáng chế, đặc biệt có chế tài quản lý chặt chẽ vấn đề sở hữu trí tuệ.
Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì trong việc đưa ra, thực hiện một chiến lược dài hơi phát triển IoT như một số nước, thưa ông?
Việt Nam sở hữu nhiều thuận lợi khi đang nổi lên như một đất nước năng động, với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp làm về công nghệ và cộng đồng này đang được Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ. Nhân lực công nghệ Việt Nam thông minh, năng động, chịu khó tìm tòi cái mới.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam còn gặp các khó khăn, thách thức để thúc đẩy IoT phát triển. Thứ nhất, chúng ta đang thiếu những doanh nghiệp đầu tư cung cấp các công nghệ, giải pháp và dịch vụ phân tích, xử lý dữ liệu. Để có thể có những công ty mạnh về phân tích dữ liệu, tạo lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cần có chính sách thu hút nhân tài, chương trình đào tạo và nghiên cứu phù hợp trong lĩnh vực này. Thứ hai, mối quan hệ giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp còn có khoảng cách, điều này dẫn đến một thực tế khiến việc đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế ứng dụng chưa cao.
Quote: “Bộ Thông tin Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp chủ động có sáng kiến về IoT và trao đổi với các đơn vị chức năng của Bộ để có thể đưa ra các chính sách cụ thể, hợp lý. Sự gắn kết giữa cơ quan nhà nước - doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học là yếu tố quan trọng để thúc đẩy CNTT phát triển” - ông Đào Đình Khả cho biết.
Bản báo cáo của viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu McKinsey, Mỹ ước tính
rằng vào năm 2025, Internet of Things có thể mang lại hơn 11 ngàn tỉ USD
mỗi năm.
Báo cáo đưa ra tổng kết là tiềm năng của IoT đang bị đánh giá
thấp hơn thực tế, bởi IoT không chỉ có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc
sống, mà nó còn tạo ra nhiều ý niệm và lĩnh vực mới trong cuộc sống cũng
như trong kinh doanh. |