Bộ KH&CN đã xác định KHCN Việt Nam đang hướng tới 3 nội dung đó là: thị trường, doanh nghiệp và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết như vậy tại buổi toạ đàm góp ý cho văn kiện XII của Đảng do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức.
Góp ý cho văn kiện, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa chú ý đúng mức đến vấn đề phát triển KHCN.
Trong khi đó văn kiện từng để cập nhiệm vụ then chốt là phải tập trung đầu tư cho KHCN, nhân lực chất lượng cao, phát triển chương trình khởi nghiệp quốc gia để tránh nguy cơ tụ hậu.
Chỉ thêm điểm chưa làm được, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, KHCN ở nước ta đang dựa quá nhiều vào Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế hội nhập quốc tế.
"Chúng ta mới chỉ chú ý đến hội nhập thương mại, đầu tư mà chưa quan tâm đến hội nhập KHCN, trong khi đây mới là động lực để chúng ta phát triển nhanh, bền vững, tránh được bẫy thu nhập trung bình" - ông Tuấn nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà khoa học. Ảnh Hoàng Long
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà khoa học tại buổi toạ đàm. Ảnh Hoàng Long
Chia sẻ những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH&CN đã xác định KHCN Việt Nam đang hướng tới 3 nội dung đó là: thị trường, doanh nghiệp và hiệu quả.
Giải thích rõ về những định hướng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng KHCN phải hướng đến thị trường, tức là nghiên cứu những gì mà thị trường cần, phải lựa chọn được người làm tốt nhất cho dự án. Cùng với đó, phải thực hiện được nguyên tắc người làm nhiều hưởng nhiều, để nhà khoa học phải sống được bằng chất xám của mình. Những nhà khoa học đóng góp nhiều cho đất nước phải được hưởng quyền lợi nhiều hơn và ở đây không được có sự cào bằng.
Còn KHCN phải hướng đến doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là cầu của thị trường KHCN và cũng là nguồn đầu tư chính cho lĩnh vực này. Ngân sách nhà nước không thể bảo đảm cho phát triển KHCN, do đó, cần phải huy động sự tham gia của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư cho KHCN.
Thừa nhận tình trạng doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển KHCN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng do thiếu thông tin, doanh nghiệp không biết các nhà khoa học trong nước đã tạo ra ứng dụng gì, có chất lượng hay không nên đành mua công nghệ của nước ngoài cho “chắc ăn”. Hơn nữa, tình trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ "ngại" đầu tư cho KHCN cũng đang là một thực tế.
Lắng nghe các ý kiến góp ý, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để phát triển KHCN, cần phải đổi mới về thể chế, có cơ chế đầu tư đúng mức để gắn kết các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước trong phát triển KHCN.
“Chúng tôi trân trọng những ý kiến tâm huyết này để góp phần hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng nhằm đáp ứng mong mỏi của giới khoa học, doanh nghiệp và nhân dân”, ông Nguyễn Thiện Nhân kết luận toạ đàm.