Từ nay đến năm 2025, Việt Nam có thể cử được khoảng 350 chuyên gia KHCN, 80 nhóm nghiên cứu, 500 tiến sỹ, 500 cán bộ quản lý KHCN tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.

Đó là dự thảo Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Đề án) được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện.


Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, cử khoảng 350 chuyên gia thuộc các lĩnh vực KHCN ưu tiên, trọng điểm, công nghệ mới đi đào tạo ở nước ngoài, nhằm tạo nguồn đội ngũ chuyên gia KH&CN có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng nghiên cứu và triển khai những vấn đề KH&CN. Từ đó, tạo nguồn để phát triển thành nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành, các tổng công trình sư.


Đến năm 2025, lựa chọn khoảng 80 nhóm nghiên cứu, để đào tạo bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đơn ngành hoặc đa ngành.


Cũng theo Đề án, đến năm 2025, cử được khoảng 500 tiến sỹ, tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu sau tiến sỹ ở trong và ngoài nước. 500 lượt cán bộ quản lý KHCN đi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý KHCN, đổi mới sáng tạo ở trong và ngoài nước cũng là mục tiêu của Đề án.


Nhiều ý kiến tại Hội thảo về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN do Bộ KH&CN vừa tổ chức tại Tp.HCM cho rằng, Đề án cần quy định cụ thể hơn tiêu chí cho các đối tượng được đi cử đi đào tạo, bồi dưỡng.


Cụ thể như độ tuổi đào tạo sau tiến sỹ, chuyên gia KHCN, trẻ hóa tuổi của nhóm nghiên cứu để khuyến khích đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Riêng đối với nhóm nghiên cứu cần quy định rõ số lượng và không nhất thiết cả nhóm phải tham gia sẽ rất lãng phí. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ thì Đề án mới có hiệu quả và không lãng phí ngân sách của nhà nước.


Thực trạng nhân lực KH&CN Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó lớn nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng suy giảm. Đội ngũ cán bộ KH&CN không chỉ thiếu cán bộ đầu ngành giỏi, thiếu các “tổng công trình sư”, mà còn thiếu cả cán bộ trẻ có trình độ cao. Khả năng thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ có trình độ vào làm việc tại các tổ chức nghiên cứu triển khai rất thấp. Cơ chế, chính sách phát triển nhân lực KH&CN còn hạn chế và chưa thực sự khuyến khích phát triển đội ngũ này.


Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN là rất cao. 98% đơn vị được khảo sát có nhu cầu đào tạo chuyên gia. 50% đơn vị có nhu cầu đào tạo nhóm nghiên cứu, bồi dưỡng sau tiến sỹ. 87% đơn vị có nhu cầu bồi dưỡng nhân lực quản lý KH&CN.


Trước thực trạng trên, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số chính sách phát triển nhân lực KH&CN trong thời gian tới. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN.