Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là việc chúng ta muốn hay không nó vẫn cứ diễn ra. Nếu chủ động hội nhập với tình hình mới, doanh nghiệp sẽ có cơ hội làm chủ nó và tận dụng cơ hội mà chuyển đổi số đem lại. Ngược lại, nếu không quan tâm đến chuyển đổi số thì doanh nghiệp sẽ đứng trước nhiều nguy cơ bị thải loại. Trong nền kinh tế truyền thống, doanh nghiệp tập trung vào sản phẩm thì giờ đây, họ tập trung vào khách hàng, dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng. Điều doanh nghiệp muốn không chỉ là phát triển một sản phẩm mà thúc đẩy phát triển một nền tảng, tạo ra một hệ sinh thái, thúc đẩy kinh tế chia sẻ. Trước đây, lao động là yếu tố chính thì bây giờ, tự động hóa, dữ liệu là yếu tố dẫn dắt quá trình kinh doanh.
“Tất cả đều dẫn dắt chúng ta đến với nền kinh tế số” – Ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu trong Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 - Phiên Chuyên đề về Thương mại điện tử được tổ chức ngày 9/9 vừa qua.
Từ chuyện giải cứu nông sản
Trong câu chuyện nói về sự hữu ích của kinh tế số với các doanh nghiệp siêu nhỏ như các nông hộ, hợp tác xã, ông Nguyễn Trọng Đường nhắc đến thương mại điện tử và việc tiêu thụ vải ở Bắc Giang hồi tháng 6 vừa qua. Thời điểm đó, Bắc Giang đang phải áp dụng Chỉ thị 16, đặc biệt ở 2 vùng trồng vải lớn, phương thức thu mua hàng năm gần như không thể thực hiện. Nếu không có phương án, vải Bắc Giang có thể sẽ gặp khó.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin&Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng với UBND tỉnh Bắc Giang cùng các doanh nghiệp về thương mại điện tử cũng xây dựng một chiến dịch tiêu thụ vải trên các nền tảng thương mại điện tử. Theo đó, vải thiều đã lên hai sàn điện tử Voso và Portmart. Các hộ trồng vải được hướng dẫn để trực tiếp bán hàng đến tay người tiêu dùng mà không cần qua thương lái. Các bộ ngành nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ quá trình logistic, hướng dẫn các nông hộ quy trình bảo quản, đóng gói, đăng tải các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử, chăm sóc khách hàng, tích cực truyền thông trên các kênh từ trung ương đến địa phương và mạng xã hội, đảm bảo chuỗi cung ứng không đứt gãy mà vẫn an toàn phòng chống dịch.
Vải được bán qua sàn thương mại điện tử là sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và cấp chứng nhận OCOP. Sau khi nhận đơn, người dân thu hoạch, đóng thùng xốp, giữ lạnh theo quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và được các đơn vị vận chuyển đưa đến các địa phương bằng xe lạnh hoặc máy bay. Trong 2-3 ngày sau khi nhận đơn, khách hàng nhận được vải.
Ông Nguyễn Trọng Đường cho biết: “Dù sản lượng tăng 30% so với năm trước, nhưng giá vải mùa vừa qua không hề giảm. Hơn 8.000 tấn vải đã được đưa đến 63 tỉnh thành. Nhiều tỉnh lần đầu tiên được ăn vải tươi nhờ phương thức vận chuyển của các sàn thương mại điện tử. Trong 15 ngày đã có hơn 100 hộ dân đưa vải lên sàn thương mại điện tử. Quan trọng hơn, sau khi lên sàn họ không chỉ bán một mặt hàng, mà có thể bán thêm nhiều nông sản khác và tiếp cận được nguồn mua vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng”.
Thành công này đã trở thành ví dụ điển hình để hai sàn thương mại điện tử Voso và Postmart tiếp tục hỗ trợ nông dân Hưng Yên, Lạng Sơn,… tiêu thụ nhãn, na… Kết quả trên cho thấy vai trò của chuyển đổi số nói chung và thương mại điện tử với doanh nghiệp siêu nhỏ như các nông hộ, hợp tác. Không chỉ là việc giải quyết khó khăn trong đại dịch, các sàn thương mại điện tử có thể giúp nâng cao giá trị nông sản Việt nếu bà con biết cách làm và coi đây là kênh tiêu thụ chính.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra vai trò của chuyển đổi số với doanh nghiệp. Cụ thể, năng suất sẽ tăng gấp 3 và lợi nhuận tăng gấp đôi so với doanh nghiệp không chuyển đổi số. Theo kết quả nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của DNVVN khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco, quá trình số hóa sẽ cộng thêm 2,6 - 3,1 nghìn tỷ USD vào GDP của Châu Á –Thái Bình Dương vào năm 2024 và các DNVVN tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24 tỷ đến 30 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024.
Doanh nghiệp cần chủ động
Lợi ích của chuyển đổi số chắc chắn không cần bàn cãi nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng làm việc ấy. Ông Nguyễn Kim Hùng – Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM) cho biết, đa phần doanh nghiệp gặp khó khăn về tư duy hệ thống chuyển đổi số và tư duy ứng dụng nền tảng công cụ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở trạng thái hoạt động kinh doanh bình thường doanh nghiệp vốn đã chật vật, nên trong đại dịch, việc này lại càng khó khăn hơn. “Khảo sát các doanh nghiệp các tỉnh mới thấy, chuyển đổi số là cụm từ nghe nhiều nhưng không ai hình dung được là làm cái gì và phải tiến hành như thế nào” – ông Hùng tiết lộ.
Đáng nói, trong tổng số hơn 550 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới 90% doanh nghiệp siêu nhỏ (nhân sự dưới 10 người và doanh thu dưới 3 tỷ/năm). Vốn mỏng, lợi nhuận chủ yếu lấy công làm lãi nên các biện pháp giãn cách xã hội đang đã tác động tiêu cực đến nhóm doanh nghiệp này. “Tôi nghĩ rằng cần phải có một chiến dịch giải cứu doanh nghiệp siêu nhỏ” – ông Nguyễn Trọng Đường – đại diện Bộ TT&TT nói.
Là người thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp ở địa phương, ông Nguyễn Kim Hùng nhận thấy, nếu được cầm tay chỉ việc và các bộ ngành hỗ trợ tổng lực, chắc chắn doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ chuyển đổi số được và thành công. Tuy nhiên, khi triển khai thì Nhà nước chỉ có thể làm thí điểm và đưa ra chính sách hỗ trợ trong khi đại diện của nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cho rằng, khi chuyển đổi số, doanh nghiệp gặp khó ở khâu quảng bá thương hiệu, marketing bán hàng trên môi trường số, thiếu vốn và nguồn lực sản xuất, năng lực quản trị doanh nghiệp cũng hạn chế. Những vấn đề trên khiến doanh nghiệp luôn loay hoay, nhất là các nông hộ, hợp tác xã lâu nay chỉ biết sản xuất và bán buôn cho thương lái.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt kế hoạch 1034- Hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, trong đó coi các hộ sản xuất kinh doanh cá thế, hợp tác xã là doanh nghiệp siêu nhỏ, động thái này được xem là giúp họ tìm kênh tiêu thụ mới, chủ động tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng thương lái ép giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hùng thì cho rằng, trong bối cảnh các giải pháp hỗ trợ chưa đồng bộ, Chính phủ cần đóng vai trò là đầu mối trung gian tạo ra một cổng thông tin tập hợp đầy đủ tư liệu, tài liệu thông tin về đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Nội dung đào tạo cần cụ thể rõ ràng, ví dụ như doanh nghiệp làm quán phở chuyển đổi số thế nào, doanh nghiệp thủ công làm sao để đưa hàng đi xuất khẩu, quảng bá thương hiệu qua những kênh nào” – ông Hùng nói và cho rằng việc đào tạo phải rất bài bản, chi tiết thì mới hữu ích.
Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ cũng cần tạo ra sự khác biệt giữa doanh nghiệp chuyển đổi sổ và chưa chuyển đổi số. Ví dụ, doanh nghiệp nào xây dựng được các kênh bán hàng trên trang thương mại điện tử, website… sẽ được hoàn thuế từ doanh thu phát sinh trên các kênh bán hoặc hỗ trợ tiền điện, nước nếu họ kê khai. Ông Hùng cho rằng, chính sách như vậy sẽ tạo ra cú huých để doanh nghiệp so sánh và chuyển đổi. Việc này có thể áp dụng thí điểm trong 1-2 năm để đánh giá hiệu quả.
Tuy nhiên, chính sách của Chính phủ cũng giống như tấm áo bên ngoài, để phát triển, doanh nghiệp cần thay đổi nội tại. Bởi vậy ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ không nên quá trông chờ vào hỗ trợ của Chính phủ, bởi về bản chất, lãnh đạo là người quyết định vận mệnh doanh nghiệp và có thể bắt đầu từ việc nhỏ nhất là mở một website bán hàng hay một kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. “Chủ doanh nghiệp dành thời gian nghiên cứu kết hợp cùng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Khi cả hai kết hợp lại mới tạo thành giải pháp hữu hiệu” – ông Hùng nói.