Tìm một hướng đi riêng và giải quyết vấn đề mà các nền tảng thương mại điện tử lớn chưa làm được, Mio – một startup thương mại trên nền tảng xã hội – để giải quyết nút thắt logistics ở các địa phương.

“Trước khi thành lập nên Mio, tôi từng là chuyên viên đầu tư của Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam”, anh Huỳnh Hữu Trung, CEO kiêm nhà sáng lập của Mio đã mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên KH&PT bằng cách nhắc đến công việc đầu tiên của mình ở một quỹ đầu tư mạo hiểm tiên phong của Việt Nam, điều mà anh xem là “may mắn”. Công việc này đã giúp anh có được một cái nhìn bao quát về những khó khăn, thuận lợi mà các startup đi trước về mô hình này hay gặp phải. “Chi phí thu hút khách hàng quá cao, phí giao hàng đắt đỏ - đặc biệt là giao hàng chặng cuối, là những khó khăn mà các startup trong lĩnh vực này thường đối mặt”, anh chia sẻ.


Vài năm sau đó, dù Việt Nam đã là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng nhất Đông Nam Á, nhưng những khó khăn này vẫn là thách thức khiến các nền tảng thương mại chủ yếu vẫn chỉ hướng đến các thành phố lớn. Do đó, người dân ở các thành phố nhỏ hoặc nông thôn phải tốn nhiều thời gian chờ đợi hàng giao đến. Nhiều startup ở các thị trường như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ đã tận dụng khoảng trống này để cung ứng dịch vụ giao hàng vào ngày hôm sau cho các khu vực, và họ được gọi là startup “thương mại trên nền tảng xã hội”. Tuy vẫn là một phần của thương mại điện tử, nhưng các startup này sẽ xây dựng mạng lưới đối tác bán hàng tại từng khu vực, và những đối tác bán hàng đó sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo…) để hỗ trợ việc mua bán sản phẩm. Dù đây được xem là một mô hình kinh doanh mới đầy tiềm năng, nhưng “thời điểm đó tôi không nghĩ gì đến việc sẽ phát triển nó tại Việt Nam”, anh Trung thừa nhận.

Suy nghĩ đó đã thay đổi vào một buổi tối năm 2020. “Hôm ấy tôi về nhà thăm bố mẹ ở vùng ngoại ô TP.HCM. Vì nhà đã hết đồ ăn, mẹ tôi liền gọi một cuộc điện thoại, và 10 phút sau người hàng xóm mang trứng, thịt, rau sang giao cho mẹ tôi”, anh Trung nhớ lại. “Bản thân anh hàng xóm cũng mua hàng ở nơi khác, trữ hàng và bán lại cho mọi người. Mẹ tôi bảo thay vì đi siêu thị hay chợ, cả khu phố giờ đều mua hàng của anh; vừa tiện, vừa nhanh chóng, lại là hàng xóm nữa nên mọi người đều tin tưởng vào chất lượng hàng”.

Với anh Trung, đó thực sự là một khoảnh khắc quan trọng, “tôi nhận ra thương mại trên nền tảng xã hội hóa ra đã ‘len lỏi’ vào Việt Nam rồi mà mình không hề hay biết”, anh chia sẻ, “và khi ấy, tôi quyết định sẽ nhân rộng nó ở những khu vực khác tại Việt Nam”.

Trao quyền cho phụ nữ

Những mô hình khởi nghiệp sáng tạo xã hội trên thế giới hướng tới sự tiến bộ cho tất cả những người tham gia vào quá trình này, và với Mio, đó là những người thu nhập thấp ở vùng nông thôn, ngoại thành và thành phố cấp thấp. “Hầu hết đối tác bán hàng của Mio là phụ nữ với thu nhập dưới 8 triệu/tháng hoặc thậm chí không có thu nhập”. Khi trở thành đối tác bán hàng, họ có thể kiếm thêm từ 3 đến 6 triệu. Số tiền này đến từ 10% hoa hồng cho mỗi đơn đặt hàng và hoa hồng dựa trên hiệu suất đơn hàng mà họ mang lại cho nền tảng mỗi tháng. “Thậm chí, chị bán hàng đứng đầu về doanh số của Mio một tháng bán được 100 triệu, theo đó chị kiếm được 10 triệu”, anh Trung tiết lộ với KH&PT. “Chúng tôi muốn giúp họ có thêm nguồn thu nhập, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, và giá trị của chính họ”.

Với Mio, lợi nhuận cũng là một phần quan trọng, nhưng việc hỗ trợ những người phụ nữ mới là mục tiêu anh Trung mong muốn khi lập Mio. “Đối tượng mà Mio hướng đến là những người thu nhập thấp, chỉ cần có thêm được vài triệu thôi cũng có thể giúp họ trang trải cuộc sống - trả học phí cho con, mua thêm những món đồ cho gia đình”, anh Trung cho biết. “Những điều thoạt nghe đơn giản là thế, nhưng nhờ đó họ có được sự tự tin, và quan trọng nhất là một người phụ nữ tự tin sẽ là một người phụ nữ hạnh phúc, mang lại niềm vui cho chính gia đình của mình”.

Đội ngũ nhân sự đứng đầu startup Mio. Ảnh: NVCC

Ra đời vào tháng 6/2020 nhưng hiện tại, Mio đã có hàng trăm đại lý, hay còn gọi là đối tác bán hàng, chủ yếu là phụ nữ từ 25 đến 35 tuổi sống ở các thành phố nhỏ hoặc khu vực nông thôn. “Chúng tôi có hàng trăm đối tác bán hàng và hàng ngàn khách hàng hoạt động liên tục mỗi ngày ”, anh Trung tiết lộ.

Một điểm thú vị là những người mua hàng của Mio hầu hết là những người chưa bao giờ đặt hàng qua mạng. Vậy lý do gì Mio có thể thuyết phục được những người đã ‘gắn chặt’ với chợ truyền thống đến vậy? “Giá cả phải chăng và sự tiện lợi là điều khiến Mio thuyết phục được những người mua hàng. Đi chợ qua Mio sẽ rẻ và tiết kiệm hơn, bởi người mua hàng sẽ được mua lẻ với giá sỉ thông qua mô hình mua chung theo nhóm. Thêm vào đó, thay vì phải chen chúc hoặc băng qua các tuyến đường quốc lộ với những xe tải, xe container, họ chỉ cần chờ hàng giao đến hoặc đến những điểm bán hàng trong khu vực – thường là hàng xóm của họ.”, anh Trung lý giải.

Khi một người đăng ký để trở thành đối tác bán hàng của Mio, họ sẽ phục vụ nhu cầu đi chợ cho cộng đồng khách hàng (thường là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm). Sau khi đối tác đã chọn những mặt hàng và ‘gom đơn’ cho mặt hàng ấy qua ứng dụng Mio xong, Mio sẽ soạn và đóng gói hàng, giao cho đối tác. Đối tác phụ trách giao hàng đến từng khách, hoặc gọi khách đến nhận hàng, sau đó thu tiền.

“DNA về logistics”

Dù “về mặt lý thuyết thì các bước tiến hành rất ‘đẹp’, nhưng anh Huỳnh Hữu Trung thừa nhận, “khi đụng việc rồi thì hàng loạt những câu hỏi khó mới ập đến, mà vấn đề khó nhất là logistics và quản lý chuỗi cung cấp”. Đó là lúc mà Mio sẽ bắt đầu phải học cách thích nghi và buộc phải không ngừng ‘thử và sai’ để tìm kiếm giải pháp. “Tôi đang tìm một người rất giỏi về logistics tham gia vào một công ty nông sản, nếu bạn giải được đề bài này thì bạn sẽ cùng tôi trở thành co-founder của nó: Làm sao để chuyến 1 tấn – 2 tấn – 5 tấn – 10 tấn nông sản từ các tỉnh miền Tây đến 100 điểm ở TP.HCM nhưng vẫn tiết kiệm chi phí nhất có thể?”

Năm 2020, anh đã đăng tải đề bài đó lên một nhóm cộng đồng. Không ngờ đó cũng là cách anh tìm kiếm người sẽ sát cánh cùng mình. “Rất nhiều người gửi bài giải cho tôi, trong số đó có An. An đã gửi một bài giải dài ba trang giấy A4 với nội dung chi tiết”, anh Trung kể, “tôi hẹn gặp An, và ngay tại thời điểm đó tôi biết mình đã tìm được người mà mình cần”. Và hóa ra, “An” trong câu chuyện của anh chính là Phạm Hoàng An – đồng sáng lập của Scommerce (tiền thân là Công ty Giao Hàng Nhanh).

Cùng với Huỳnh Hữu Trung, Phạm Hoàng An, những đồng sáng lập khác của Mio còn có Lê Anh Tú (cựu nhân sự Digipay), và Phạm Phi Long (chuyên viên vận hành của Uber Việt Nam). “Mio đã ra đời như thế”, anh Trung tổng kết. Việc có được một đội ngũ nhân sự hiểu biết sâu về logistics, với anh Trung, đó là một lợi thế vô cùng lớn để tiến vào lĩnh vực này, “Đó là cách tôi mang DNA về logistics về cho ‘em bé’ Mio từ ngày đầu tiên chào đời”, anh ví von.

Vì sao logistics lại là vấn đề lớn nhất, đồng thời sẽ là chìa khóa để thành công trong thị trường thương mại trên nền tảng xã hội? Bởi đó chính là những khó khăn khiến các ‘ông lớn’ về thương mại điện tử chưa thể dấn sâu vào các khu vực nông thôn và ngoại thành bởi bản thân họ cũng phải đối mặt với những nảy sinh: đáp ứng đủ lượng đơn hàng tối thiểu của nhà vườn để thương thảo được giá tốt; giao nhận hàng hóa đúng thời điểm; xử lý đơn hàng trong đêm để sáng hôm sau lập tức chuyển đi… “Chúng tôi dành khoảng bốn tháng đầu để xoay sở và hoàn thiện từ từ. Mio bắt đầu với những đơn nhỏ trước, và khi đơn hàng tăng lên thì chúng tôi học cách thích nghi với nó”.

Để giải quyết những thách thức trong khâu giao hàng, Mio xây dựng hệ thống vận chuyển và hậu cần nội bộ, bao gồm một trung tâm phân phối mới ở Thủ Đức, có thể phân phối hàng hóa khắp TP.HCM và năm thành phố lân cận thuộc tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Huỳnh Hữu Trung cho biết Mio có thể xử lý hàng chục nghìn đơn hàng mỗi ngày tại trung tâm và có thể giao hàng vào ngày hôm sau cho các đơn hàng đặt từ trước 8 giờ tối. “Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào những thành phố cấp thấp, nơi có sự đón nhận cho giải pháp này của chúng tôi”.
Để giảm chi phí hậu cần và đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng, Mio giới hạn số lượng sản phẩm trong kho của mình. Công ty hiện tập trung vào các mặt hàng thực phẩm chủ lực, bao gồm sản phẩm tươi sống và thịt gia cầm. Vì sao Mio lại chọn những mặt hàng nông sản tươi sống làm hướng thử nghiệm đầu tiên của mình, trong khi đó là những sản phẩm khó giao nhất, dễ hư hỏng nhất? “Thứ nhất, nông sản là một mặt hàng rất đặc thù, nó khó giao – nhận vì có dòng đời ngắn và khó bảo quản. Chính vì vậy, nếu tôi đã làm tốt được logistics trong khoản nông sản, thì khi chuyển sang những mặt hàng khác, mọi thứ sẽ dễ hơn nhiều”, anh Trung lý giải. “Thứ hai, nếu bắt đầu đầu bằng những mặt hàng khác như hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ dùng vệ sinh,…) thì chúng tôi sẽ phải làm việc với các nhãn hàng lớn, tôi sẽ bị hạn chế trong việc thương thảo theo đúng điều khoản mình muốn. Trong khi đó, việc thương thảo giá với các nhà vườn lại dễ hơn nhiều. Thêm vào đó, chúng tôi có thể tiếp cận với rất nhiều nông dân để không phải phụ thuộc vào bất kỳ một ai trong vấn đề nguồn hàng”.

Đó cũng chính là cách Mio giải bài toán về quản lý cả chuỗi cung cấp. “Chúng tôi không thể trữ mặt hàng nông sản ở kho như những mặt hàng thời trang hay điện tử. Vậy nên kho của chúng tôi ở TP.Thủ Đức làm đúng công năng là trung tâm điều phối đến những khu vực khác xung quanh ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai”. Thời gian tới, Mio có kế hoạch bổ sung hàng tiêu dùng nhanh và thiết bị gia dụng, đặc biệt là hàng hóa nhãn trắng (white-label goods).

Tuy nhiên, trong thời gian tới, anh Trung cho biết Mio sẽ đầu tư nhiều hơn vào hệ thống kho bãi, giao nhận, chuyển phát. “Bên cạnh đó, chúng tôi muốn cải thiện thêm một số chức năng quan trọng cho phía sản phẩm để tăng trải nghiệm người dùng app, đồng thời tiến hành mở rộng thị trường”. Khoản tiền này đến từ 1 triệu USD mà Mio đã kêu gọi được trong vòng đầu tư hạt giống vào tuần trước. Nhưng điều mà Mio nhận được trong vòng đầu tư ấy không chỉ là tiền, mà còn là “sự tư vấn của những nhà sáng lập đã đi trước trong lĩnh vực này, mà tiêu biểu trong số đó là Vidit Aatrey và Sanjeev Barnwal, hai nhà đồng sáng lập của Meesho - kỳ lân thương mại điện tử qua mạng xã hội tại Ấn Độ”, anh Trung chia sẻ.