Các chuyên gia kinh tế đã phân tích những yếu tố mấu chốt dẫn đến tình hình chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu bị gián đoạn cục bộ ở những tỉnh thành giãn cách xã hội và đề xuất một số giải pháp.

Cam kết bình ổn giá và nguồn cung hàng hóa trong các siêu thị | Ảnh minh họa
Cam kết bình ổn giá và nguồn cung hàng hóa trong các siêu thị | Ảnh minh họa

Trong tuần đầu tháng 7/2021, khi thực hiện lệnh giãn cách để phòng chống COVID-19 theo Chỉ thị 16, TP. HCM đã tạm ngưng hoạt động của 191/237 chợ và 4 siêu thị. Điều này dẫn đến nguồn cung hàng hóa của thành phố bị gián đoạn, thiếu hàng cục bộ, đặc biệt thực phẩm tươi sống, khiến người dân lo lắng. Đến nay, qua hơn 10 ngày, TPHCM vẫn đang nỗ lực điều tiết lại lưu thông thực phẩm.

TS. Phạm Công Hiệp - Giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT, và TS Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích những yếu tố mấu chốt dẫn đến tình hình khó đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu và đề xuất một số giải pháp trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã thực hiện lệnh giãn cách từ ngày 19/7.

Theo ông, những yếu tố mấu chốt nào dưới góc độ thuần tuý kinh tế khiến khó giải quyết nguồn cung ổn định?

TS Phạm Công Hiệp: Yếu tố thứ nhất là tâm lý của người tiêu dùng liên quan đến lý thuyết về kinh tế học hành vi. Khi chứng kiến việc thiếu hụt nguồn hàng, người tiêu dùng lại càng lo lắng và càng muốn tìm mua được hàng ngay lập tức để đảm bảo an toàn lương thực cho bản thân và gia đình.

Tình trạng thu gom hàng đã diễn ra rất phổ biến ngay ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Châu Âu khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và chính phủ bắt đầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, cũng không có gì là lạ khi tình trạng này xuất hiện ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo quy luật cung cầu, cầu tăng và cung giảm thì giá sẽ tăng, nhưng siêu thị lại phải đảm bảo nguồn hàng với giá bình ổn thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho khâu thu mua hàng từ các nhà cung ứng.

Và với lượng khách hàng tăng đột biến thì siêu thị cũng phải tuyển dụng thêm nhân sự, trả lương ngoài giờ cho nhân viên, hoặc phụ cấp cho nhân viên khi cường độ công việc tăng, dẫn đến các chi phí vận hành sẽ gia tăng. Đó là lý do vì sao một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngoài quốc doanh buộc phải tăng giá bán để trang trải các chi phí phát sinh. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của người dân có thu nhập thấp, gây bất an xã hội.

Xét về khía cạnh kinh tế, để tăng nguồn cung mặt hàng thực phẩm thì cần tăng năng lực sản xuất, vận chuyển hàng hóa hiệu quả, kho bãi hợp lý, và giá cả hấp dẫn cho người sản xuất.

Tuy nhiên vấn đề thiếu hụt hàng hóa đặc biệt rau quả tươi không phải do thiếu năng lực sản xuất mà do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, đặc biệt ở khâu thu mua nguyên liệu và kho bãi, dẫn đến hàng hóa không được phân phối đến người mua kịp thời. Đó là lý do vì sao mà bất chấp nỗ lực rất lớn từ chính phủ và hệ thống siêu thị, việc khan hàng cục bộ vẫn xảy ra như hiện nay.

Ông có cho rằng dựa vào mỗi hệ thống thống siêu thị có thể đáp ứng đầy đủ hàng hoá cho người dân TPHCM?

TS Nguyễn Hữu Huân: Theo thông tin mới nhất từ Sở Công Thương, một số doanh nghiệp logistics và thương mại độc lập sẽ tham gia bán hàng thiết yếu. Đồng thời các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada và Sendo cũng sẽ bán hàng rau củ quả để giúp tăng năng nguồn cung và giảm giá bán. Có thể thấy đây là một số giải pháp để giúp phụ thuộc độc quyền vào hệ thống siêu thị.

Một mặt nữa có thể thấy hạn chế của các chuỗi siêu thị hiện tại là khi áp dụng giãn cách xã hội, số lượng khách hàng vào siêu thị trong cùng một thời gian bị hạn chế, trong khi lượng khách hàng lại tăng cao do tâm lý sợ thiếu hụt, dẫn đến việc xếp hàng kéo dài, số lượng người tập trung cùng một chỗ tăng cao, dễ lây lan dịch bệnh.

Thế nên nếu chưa có giải pháp căn cơ về chuỗi cung ứng nguồn hàng hóa cho hệ thống siêu thị, bao gồm hệ thống kho hàng qui mô lớn, nguồn cung hợp lý và linh hoạt, hình thức giao nhận qua mạng điện tử, và giảm bớt khâu trung gian thì hệ thống siêu thị trong thời gian ngắn hạn sẽ khó đáp ứng hàng hóa cho người dân thành phố.

Theo các ông, đâu là các giải pháp tối ưu để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa?

TS Phạm Công Hiệp: Các siêu thị nên áp dụng hình thức mỗi người chỉ được mua một số lượng hàng hóa nhất định để tăng cơ hội cho nhiều người được mua. Nên nhớ rất nhiều người mua vì tâm lý tích trữ chứ hoàn toàn không phải nhu cầu nhiều như vậy.

Ngoài ra, nên đưa ra mô hình bán hàng lưu động trên xe tải nhỏ đến các địa điểm thuận tiện về không gian để đảm bảo ngăn ngừa lây nhiễm vì rủi ro tập trung ở siêu thị cũng không phải là thấp.

TS Nguyễn Hữu Huân: Chúng ta nên đa dạng hóa doanh nghiệp phân phối hàng hóa đầu cuối, tận dụng chuỗi cửa hàng sẵn có của doanh nghiệp, vừa giúp tăng cường cung cấp thực phẩm cho người dân vừa tạo điều kiện thu mua kịp thời cho người nông dân.

Hiện tại một số hệ thống cửa hàng mỹ phẩm, nhà thuốc tại TP.Hồ Chí Minh đã tận dụng làm điểm phân phối bán rau củ để giảm áp lực cho chuỗi siêu thị, vừa giảm tập trung đông người.

Cuối cùng, đảm bảo giãn cách, đáp ứng được yêu cầu dịch tễ khi mở cửa lại chợ truyền thống ở dạng thu nhỏ quy mô. Hàng hóa cần được đóng gói sẵn nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi lựa chọn hàng hóa. Thời điểm khó khăn này thì người dân cũng sẽ quen với yêu cầu mới.

Xin cảm ơn!