Báo cáo mới của UNDP Việt Nam cho thấy, nữ đại biểu dân cử đóng góp ngang tầm với nam đại biểu dân cử đồng nhiệm, thậm chí có phần nổi trội hơn ở một số lĩnh vực trong vai trò đại biểu.
Ngày 19/5, Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức phiên thảo luận trực tuyến và Báo cáo chuyên đề “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021”. Đây là một phần trong loạt bài nghiên cứu chính sách nhằm thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách công ở Việt Nam của UNDP.
Tại Việt Nam, đại biểu dân cử là các cá nhân được công dân khác bầu làm đại biểu trong những cơ quan quyền lực nhà nước - bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp hay tự do nhân dân bầu ra trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Nghiên cứu trên được thực hiện từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, với sự tham gia trả lời phiếu hỏi của 248 đại biểu Quốc hội Khóa XIV (tương đương 50% số đại biểu Quốc hội) và 136 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của ba tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, Bình Phước và Cần Thơ.
Kết quả cho thấy, nữ đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2016-2021 đóng góp ngang tầm với nam đại biểu dân cử đồng nhiệm, thậm chí có phần nổi trội hơn ở một số lĩnh vực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chẳng hạn như chủ động tiếp xúc cử tri hơn; tận dụng phương tiện truyền thông xã hội để trao đổi, tương tác với cử tri thường xuyên hơn; dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động lập pháp và giám sát…
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự đồng thuận trong việc hướng tới mục tiêu tỷ lệ nữ đại biểu các cấp trên 35% vào năm 2030. Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,72% và tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở cả ba cấp tuy có cao hơn khóa trước nhưng vẫn dưới 30%.
Đồng thời, nghiên cứu nhấn mạnh lợi ích của việc đảm bảo cân bằng giới trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Chẳng hạn, trong kế hoạch hành động của các đại biểu Quốc hội, các đại biểu nam có xu hướng tập trung nhiều hơn vào một số lĩnh vực như quốc phòng, an ninh; trong khi các nữ đại biểu lại tập trung hơn một số lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, y tế.
Ở cấp độ hội đồng nhân dân, Kế hoạch hành động của nam đại biểu vẫn tập trung nhiều hơn vào an ninh và quốc phòng so với nữ đại biểu, nhưng các lĩnh vực khác như giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh - xã hội, nội vụ.... lại nhận được sự quan tâm tương đương của cả hai giới.
Rõ ràng, việc cải thiện tình hình giới có khả năng đem lại góc nhìn đa dạng hơn cho các nội dung mà nhánh lập pháp quản lý.
“Chúng ta có thể tin tưởng và dành cho các nữ ứng cử viên có năng lực những lá phiếu để họ đại diện cho hơn một nửa dân số nữ ở Việt Nam”- GS.TS. Phạm Quang Minh thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trưởng nhóm nghiên cứu, bày tỏ.