Trong quy chế tuyển sinh của nhiều trường đại học ở Việt Nam có những tiêu chí mang tính loại trừ liên quan đến ngoại hình, sức khỏe, lý lịch... không phù hợp với nguyên tắc công bằng và không phân biệt đối xử được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Giáo dục - một nghiên cứu mới cho biết.

Nghiên cứu do Trung tâm Thúc đẩy Giáo dục và Nâng cao Năng lực Phụ nữ CEPEW tiến hành là một trong những nghiên cứu mới và hiếm hoi về chủ đề công bằng trong tuyển sinh đại học tại Việt Nam.

TSNguyễn Linh Giang (trái) và TS Nguyễn Thị Thanh Hải - hai tác giả chính - tại buổi trình bày nghiên cứu sơ bộ. Ảnh: BTC

Theo kết quả khảo sát quy chế tuyển sinh của 58 trường đại học tại Việt Nam ở cả 3 miền trong 5 năm trở lại đây, các tiêu chí mang tính loại trừ phổ biến bao gồm: (1) Sức khỏe; (2) Ngoại hình, đặc điểm cá nhân (độ tuổi, hình thể, giọng nói, chiều cao cân nặng); (3) Chính trị (đảng viên/đoàn viên, lý lịch rõ ràng, không vi phạm pháp luật hình sự); (4) Đạo đức, hạnh kiểm; và (5) Giới tính.

Trong đó, hầu hết các trường được khảo sát đề ra tiêu chí (1); 36% có tiêu chí (2), 63,8% có tiêu chí về lý lịch; 43% có tiêu chí (4)... Đặc biệt, cả tiêu chí (2) và (3) đều phổ biến trong quy chế tuyển sinh của các trường thuộc khối lực lượng vũ trang, kiểm sát hoặc tòa án.

Theo TS. Nguyễn Linh Giang (Viện hàn lâm KHXH Việt Nam), các tiêu chí mang tính loại trừ nêu trên hoặc bất hợp lý hoặc chưa được giải trình một cách minh bạch.

Bà dẫn chứng, các trường đại học Sân khấu Điện ảnh thường đưa ra nhiều tiêu chí trong quy chế tuyển sinh liên quan đến ngoại hình, chiều cao, cân nặng, hay độ tuổi và giọng nói. Liệu có phải mọi vai diễn đều cần những diễn viên xinh đẹp, dáng dấp cân đối hay với trường đại học này, tiêu chí năng khiếu nên đặt lên hàng đầu - bà Giang nêu câu hỏi. "Với trường múa thì tiêu chí về thể chất và hình thể là phù hợp, nhưng sân khấu điện ảnh thì có nhất thiết không?”

Thí sinh dự thi vào trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Một số trường trong khối lực lượng vũ trang không chỉ đưa ra tiêu chí về chiều cao, cân nặng, lý lịch rõ ràng, không vi phạm pháp luật hình sự, mà còn đặt ra giới hạn về số lượng thí sinh nữ được tuyển, nhưng con số 10 - 20% chỉ tiêu tuyển sinh dành cho nữ giới không được các trường này giải thích rõ ràng dựa trên căn cứ hay văn bản nào. Một số trường khác, dù không trực tiếp đặt ra giới hạn như vậy nhưng việc lấy điểm chuẩn đầu vào của nữ giới cao hơn so với nam giới cũng là một hình thức loại bỏ bớt các thí sinh nữ.

Đặc biệt, khi so sánh một số tiêu chí của các trường cùng ngành với nhau, vấn đề bất hợp lý của các tiêu chí loại trừ càng lộ rõ. Chẳng hạn, cùng thuộc khối nội chính, các trường Đại học Luật Hà Nội và TPHCM không hề nêu yêu cầu về ngoại hình; trong khi đó, Đại học Kiểm sát và Học viện Tòa án lại có những quy định về mặt này - bà Giang nói. Bà còn dẫn ra trường hợp một thí sinh khuyết tật khi sơ tuyển ở Nhạc viện TPHCM thì không đủ điều kiện, nhưng khi đến Nhạc viện Hà Nội thì lại qua!

Nhóm nghiên cứu kết luận, các tiêu chí loại trừ trong quy chế tuyển sinh của các trường đại học khá đa dạng và rõ ràng có sự mâu thuẫn với Luật Giáo dục, cũng như có “độ vênh” so với các chuẩn mực quốc tế. Dù nguyên tắc công bằng và không phân biệt đối xử đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 hay Luật Giáo dục, Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới, nhiều tiêu chí loại trừ vẫn được các trường đặt ra và hệ quả là có những thí sinh đánh mất cơ hội học tập một cách oan uổng. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá rất cao Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, ở điểm, Luật đã quy định không phân biệt giới tính (trước kia chỉ là không phân biệt nam, nữ) và đặc điểm cá nhân, tuy nhiên cần có văn bản hướng dẫn làm rõ đặc điểm cá nhân ở đây cụ thể bao gồm những nội dung gì.

Nghiên cứu cũng khảo sát gần 500 người từng tham gia tuyển sinh đại học trong vòng 5 năm về đánh giá của họ đối với tính công bằng trong tuyển sinh. Kết quả, 35% số người tham gia khảo sát cho biết đã trải nghiệm hoặc chứng kiến bất công nhưng chỉ có 4,5% gửi đơn khiếu nại. Điều đáng chú ý là, nhận thức của họ về công bằng trong tuyển sinh liên quan đến gian lận thi cử nhiều hơn là tiêu chí tuyển sinh, vì vậy cũng hầu như chưa có khiếu nại về tiêu chí tuyển sinh. Trong khi đó, công tác thanh tra của các trường và của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có nội dung về phân biệt đối xử.

Do công bằng trong tuyển sinh là rất quan trọng vì nó góp phần bảo đảm cơ hội học tập cho tất cả mọi người, nhóm nghiên cứu đề xuất, cần rà soát lại các tiêu chí loại trừ trong quy chế và chính sách tuyển sinh. Đối với các ngoại lệ bắt buộc phải dùng đến tiêu chí loại trừ, cần có sự minh bạch trong diễn giải và áp dụng.

Hiện nghiên cứu "Công bằng trong tuyển sinh đại học: Từ nguyên tắc đến thực hành" của nhóm đang tiếp tục được hoàn thiện để công bố cũng như lan tỏa rộng rãi đến các trường đại học trong thời gian tới.