Tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là là 111,5 bé trai/100 bé gái, cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 trai/100 bé gái). Điều này sẽ làm gia tăng “sức ép hôn nhân”, đồng thời khiến mức sinh giảm sâu hơn nữa.

Số liệu này được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức vào ngày 18/12.

Với tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là là 111,5 bé trai/100 bé gái, cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 trai/100 bé gái), có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019.

Sự mất cân bằng này cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng, trong đó khu vực nông thôn là 115,2 bé trai/100 bé gái và khu vực thành thị là 112,8 bé trai/100 bé gái.

Theo báo cáo, tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có hai con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng đã có ít nhất một con trai. Việc sinh thêm con để có con trai đặc biệt rõ rệt ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt hơn.

Sự ưa thích con trai còn được thể hiện qua việc lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu, với tỷ số giới tính khi sinh là 109,5 bé trai/100 bé gái đối với lần sinh đầu tiên. Đặc biệt, đối với các cặp vợ chồng sinh liên tiếp 2 con gái, tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba lên đến 143,8 bé trai/100 bé gái.

Trong tương lai, sự chênh lệch này sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu dân số. Dự báo cho thấy, nếu không có sự thay đổi tỷ số giới tính khi sinh, đến năm 2034, số nam giới từ 15 - 49 tuổi dư thừa sẽ là 1,5 triệu người; đến năm 2059 là 2,5 triệu người.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ sớm ảnh hưởng đến tình trạng hôn nhân trong dân dân số Việt Nam - hiện tượng mà các nhà nhân khẩu học gọi là “sức ép hôn nhân”, đồng thời khiến mức sinh giảm sâu hơn nữa. “Bởi vậy, cần huy động những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trên toàn quốc để triển khai các khung pháp lý và chính sách hướng đến phòng, chống thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới, coi trọng giá trị của trẻ em gái và thúc đẩy bình đẳng giới”, bà nhấn mạnh.

Tốc độ già hóa nhanh chưa từng thấy, chấm dứt thời kỳ dân số vàng

Cũng tại hội nghị, báo cáo cho biết, theo phương án trung bình, dự báo dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người.

Trong đó, dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Đây sẽ là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007.

Theo bà Naomi Kitahara, kết quả tổng điều tra cho thấy dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy, chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019. Bên cạnh đó, có xu hướng “nữ hóa” dân số cao tuổi khi đa số người cao tuổi là phụ nữ. Đồng thời, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống một mình.

“Nguyên nhân của tốc độ già hóa này chủ yếu là do mức sinh giảm. Bởi vậy đây là lúc Việt Nam cần điều chỉnh khung pháp lý và chính sách sao cho tuân thủ các nguyên tắc đề ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, nghĩa là mỗi cá nhân và cặp đôi có quyền quyết định tự do lựa chọn và có trách nhiệm về số con, thời gian sinh và khoảng cách giữa các lần sinh”, bà Naomi Kitahara nhận định.

PGS.TS Giang Thanh Long (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho biết, khi phân tích theo nhóm tuổi, độ tuổi càng cao thì tỉ lệ người sống ở nông thôn càng nhiều hơn. “Điều này cho thấy việc cung cấp các dịch vụ có liên quan đến người cao tuổi cần phải hướng đến khu vực nông thôn bởi Việt Nam có nhiều người cao tuổi đang sống ở đó, đặc biệt là những người từ 80 trở lên”.