Diễn ra trong bối cảnh đại dịch, ngày hội càng chứng tỏ sự bền bỉ của đội ngũ thầy cô giáo và học sinh và sức lan tỏa của một mô hình giáo dục mới đến mọi miền.
Không phải là hoạt động bề nổi
Trong năm qua, mặc dù dịch bệnh ngăn trở các hoạt động xã hội trên quy mô rộng, nhưng các thành viên của Liên minh STEM - chủ yếu gồm các giảng viên và nhà nghiên cứu trẻ - vẫn không ngừng tìm đến, hỗ trợ các trường ở những vùng xa xôi nhất xây dựng các hoạt động giáo dục STEM, giúp cho những nơi này có những thành tựu ấn tượng về giáo dục KH&CN trong bối cảnh cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Và vượt qua trở ngại đại dịch Covid, sáng kiến Ngày hội STEM trực tuyến là không gian mở để các thầy cô giáo và các em học sinh ở mọi miền đất nước có cơ hội để chia sẻ, mang tới bức tranh tổng thể về giáo dục STEM ở Việt Nam qua các báo cáo và trưng bày của 60 đơn vị - từ trường mẫu giáo đến đại học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Học sinh lớp 6A2 trường Đoàn Thị Điểm (TP. Hạ Long) thu hoạch và đánh giá sản phẩm trong mô hình STEM nông nghiệp “Sự sinh trưởng và phát triển của thực vật”.
Học sinh TP Lào Cai điều khiển Robot “ném còn” trong cuộc thi robot đua ngựa và ném còn trong Ngày hội STEM “Chinh phục đỉnh Fansipan”.
Do vậy phát biểu khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, nhìn lại bức tranh giáo dục STEM của Việt Nam trong những năm qua, có thể thấy được “nỗ lực của những người yêu mến hoạt động STEM, những người bao năm trăn trở để tạo ra bài học mới, mô hình mới cho các em học sinh. Chính nhờ họ mà hoạt động STEM không chỉ dừng lại như một hoạt động dành cho các trường trong thành phố, dành cho những nhóm học sinh hiểu về công nghệ cao, mà còn là hình thức giảng dạy dành cho tất cả mọi đối tượng học sinh”.
Hoạt động STEM giờ đây trải dài từ những công nghệ mới nhất như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robotics. “Chúng ta đang nhìn thấy những chiếc xe tự hành – từ đơn giản đến cao cấp – do các em học sinh, kể cả cấp một, cấp hai, tạo ra”, Thứ trưởng nhận xét. “Chúng ta còn nhìn thấy những dự án đơn giản, những công nghệ gần gũi với đời sống như công nghệ sinh học nhằm xử lý rác thải môi trường, hay những công nghệ chế biến sản phẩm nông sản tại địa phương.” Với sự trải rộng của công nghệ và sự đa dạng về sản phẩm như vậy, STEM rõ ràng đã tìm được cách phù hợp để len lỏi vào đời sống của các em học sinh ở các địa phương khác nhau.
Hai hoạt động chính của Ngày hội - gồm hội thảo “Kiến tạo tương lai cùng STEM” và Triển lãm trực tuyến “STEM khơi nguồn sáng tạo” - là minh chứng rõ nhất cho nhận định nêu trên. “Hai hoạt động này có sự tham gia của rất nhiều đơn vị, các trường tiểu học, phổ thông, kể cả vùng sâu vùng xa, cho thấy hoạt động STEM đã thực sự đi vào bản chất của nó, chứ không phải là hoạt động phong trào”, Thứ trưởng nói.
Minh chứng sinh động cho điều đó chính là báo cáo hoạt động của chính các em học sinh và các thầy cô giáo và hoạt động bài bản ngay từ cấp tiểu học. Có những hoạt động tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại được gợi ý xây dựng từ nhiều nguyên lý khoa học. Trong trường hợp này, những người thầy đã giúp học sinh chủ động lĩnh hội và chuyển hóa các kiến thức ấy. TS. Nguyễn Thị Thanh (Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) đưa ra một dẫn chứng: “Với hoạt động gấp máy bay, nếu xét ở lĩnh vực toán học, chúng tôi có thể dạy cho trẻ về số lượng máy bay mà trẻ gấp được, quy tắc đối xứng, hình dạng máy bay, so sánh về phân số, đo lường; ở lĩnh vực kỹ thuật, chúng tôi có thể dạy những kỹ năng gấp, miết, phi, dán; ở lĩnh vực khoa học, chúng tôi dạy về sức gió, lực tác động vào vật, tốc độ, trọng tâm của máy bay…” Chỉ với một hoạt động đơn giản như vậy, giáo viên có thể giúp các em hiểu thêm kiến thức đã được học trên những khía cạnh khác nhau của một vật thể sống động và gần gũi.
Cũng với tiêu chí đó, cô giáo Vũ Thị Ngọc Oanh (THPT Thanh Miện, Hải Dương) dự kiến triển khai chủ đề “Xử lý nước ngầm thành nước thải sinh hoạt” cho các em học sinh lớp 11 của trường sau khi các em đã học xong chương Carbon-Silic. Học sinh sẽ phải lập kế hoạch tiến hành, lấy mẫu nước ngầm được xử lý tại các hộ dân, thiết kế quy trình xử lý nước… Để có được những buổi hoạt động ấy, bản thân các thầy cô đã tự mày mò nghiên cứu, thực hiện để xem xét mức độ khả thi và các bước tiến hành sao cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc
Ngày hội STEM trực tuyến 2021.
Nhìn nhận vai trò của những dự án STEM trong nhà trường, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng:"Đó là cơ hội để các em hình thành nên các sản phẩm vừa quay ngược trở lại đóng góp cho đời sống, vừa trang bị cho chính các em những hành trang trong cuộc sống tương lai sau này. Do đó, chúng ta hãy để con trẻ sáng tạo, để các em trải nghiệm với những điều đơn giản, những điều lý thú nhất bằng chính sự mày mò của bản thân và bằng việc cộng tác với các thành viên trong nhóm. Có như vậy thì chúng ta mới khơi dậy được sức sáng tạo, tình yêu khoa học công nghệ trong các em học sinh, sinh viên, và đó sẽ là tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam trong 10 hay 20 năm tới nữa". |
Bức tranh lớn hơn
Đã thành truyền thống, hội thảo trong khuôn khổ Ngày hội STEM Việt Nam không chỉ tập hợp báo cáo của các “trường lớn” ở các “đô thị lớn” mà luôn tạo điều kiện cho những tiếng nói của các “nhân vật nhỏ bé” - trường làng, trường miền núi... Năm nay, báo cáo và trưng bày của các địa phương như ở Hải Dương, Thái Bình, Nam Định... và những vùng biên giới xa xôi như Lào Cai, Lạng Sơn... đã giúp giải đáp câu hỏi “làm thế nào để các trường làng, trường miền núi triển khai giáo dục STEM nhanh và sáng tạo”? Thật bất ngờ là những tiếng nói lần đầu tiên hồn nhiên cất lên ấy tạo ấn tượng không kém gì, nếu không nói là có phần còn ấn tượng hơn nhiều trường ở thành phố.
Một học sinh thuộc Câu lạc bộ GreenAms 6520 Robotics Team (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đang hướng dẫn các em học sinh khối 7 trường THCS Thụy Phương những kiến thức vô cùng thú vị về bộ môn Robotics, cũng như những thông tin nền tảng về cơ khí, lập trình và thiết kế. Học sinh ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu được quan sát Mặt trăng qua kính thiên văn. Đây là hoạt động do AstroWorld - dự án lớp học thiên văn dành cho thiếu nhi của Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) – tổ chức.
Một trong những tỉnh tiêu biểu đã thúc đẩy nhanh chóng giáo dục STEM trên toàn khu vực, đó là tỉnh Lào Cai. Trong năm năm gần đây, Lào Cai đã tiến hành nhiều chương trình tập huấn giáo dục STEM cho hàng ngàn giáo viên ở tất cả các huyện. Với mong muốn xây dựng một hệ sinh thái giáo dục STEM bài bản, Sở GD&ĐT Lào Cai đã thành lập tổ tư vấn STEM, tương tự như vậy ở cấp Phòng GD&ĐT các huyện. Chỉ riêng ban chỉ đạo giáo dục STEM của huyện Bảo Thắng đã có hơn 70 giáo viên tham gia.
Bước đầu, hệ sinh thái giáo dục STEM của Lào Cai sẽ đóng góp một phần quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục và chuyển đổi số, đặc biệt là cung cấp nền tảng để thúc đẩy giáo dục STEM ở những địa phương đặc biệt khó khăn, mà huyện Si Ma Cai là một ví dụ điển hình. Phòng GD&ĐT Si Ma Cai, Lào Cai, cho biết họ đã “bắt đầu triển khai giáo dục STEM trong các nhà trường từ năm học 2019-2020 thông qua việc dạy các bài học, chủ đề STEM; tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM, và các cuộc thi khoa học kỹ thuật.” Đặc biệt, năm 2021, Phòng GD&ĐT Si Ma Cai đã tổ chức thành công ngày hội STEM lần thứ nhất; và tiếp sau đó, đã xây dựng kế hoạch tập huấn lập trình robot cho giáo viên và học sinh của tám đơn vị trường học.
Người ta cũng thấy sự chủ động này ở các địa phương khác. Mới đây, vào ngày 19/4 vừa qua, Trường THCS Hải Đình, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đã tổ chức Ngày hội STEM với chủ đề “Ươm mầm khoa học, giao lưu âm nhạc, ẩm thực sân trường năm học 2020-2021”. Trong đó, các học sinh đã thi thuyết trình, biểu diễn các dự án do các tổ chuyên môn hướng dẫn như nhân vật văn học qua trang phục tái chế; dụng cụ âm nhạc tái chế; máy sấy tự động; các thí nghiệm Hóa học… Bên cạnh đó, còn có các gian trưng bày sản phẩm khoa học kỹ thuật của nhà trường qua các thời kì, sản phẩm tái chế của các khối, trải nghiệm làm đèn hoa đăng và chiết xuất tinh dầu; cùng với năm trạm thử thách (gồm trạm làm xoài lắc, kem lắc; trạm làm con vật từ bột sắn; trạm nhận biết dung dịch hoá học; trạm chế tạo đài phun nước; trạm thi đấu Robotic).
Học sinh huyện Si Ma Cai (Lào Cai) tham gia trải nghiệm tại Học viện Kidscode STEM, Hà Nội. Năm 2021, Phòng GD&ĐT Si Ma Cai đã tổ chức thành công ngày hội STEM lần thứ nhất; và đã lên kế hoạch tổ chức cuộc thi Robot lần thứ nhất vào tháng 5 năm nay nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên phải tạm hoãn.
Những gì diễn ra trong khuôn khổ ngày hội trực tuyến đã thuyết phục Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng đến với một quyết định táo bạo: thành lập CLB robot và STEM ở tất cả các trường trung học phổ thông. Cùng với Lạng Sơn – tỉnh đầu tiên nơi tất cả các trường trung học phổ thông đều được trang bị ít nhất ba robot và có giáo viên được tập huấn về STEM, Cao Bằng đã “có những bước phát triển lớn, đây là kết quả từ các chương trình nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, lập trình robot cho giáo viên của hai tỉnh”, ông Sơn nhận định.
Sức hút STEM đã lan tỏa sâu rộng. Vào khoảnh khắc khi Hội thảo trực tuyến vào ngày 18/5 vừa qua kết thúc, những người làm giáo dục không chỉ ở gần thủ đô mà còn ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, miền Nam đã gửi đến nhau những lời cảm ơn và chào tạm biệt. Xen lẫn trong đó, vang lên nhiều câu nói: “Mong rằng năm sau hết dịch để được gặp nhau!”. Dường như họ vẫn còn muốn cho nhau nghe về rất nhiều những dự định, mong muốn để lan tỏa giáo dục STEM ra xa hơn nữa.