Trong điều kiện nguồn lực giới hạn và phải lựa chọn phân bổ sao cho hợp lý, nhà nước nên tập trung cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hay doanh nghiệp lớn (DNL) chịu tác động của Covid-19?
Đó là câu hỏi được PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đặt ra tại hội thảo “Để kinh tế phát triển sau đại dịch” diễn ra hôm 15/5 tại Hà Nội.
Ông Thiên lập luận: sức bật của nền kinh tế sau đại dịch sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng “đứng dậy” của bộ phận doanh nghiệp, nhưng có thể không phải là tất cả. Theo thống kê, khoảng 96% số doanh nghiệp Việt Nam hiện tại là nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Cấu trúc này khiến kinh tế Việt Nam rất khó phục hồi để đạt được trạng thái “bình thường mới”. Vì thế, ông gợi ý việc cứu trợ nên tập trung vào những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng vai trò trụ cột đối với nền kinh tế.
Cũng theo ông Thiên, đại dịch có thể là cơ hội tốt để nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang một trạng thái mới, khỏe mạnh và lành mạnh hơn để thích nghi với xu hướng cạnh tranh khốc liệt trên thế giới. “Hãy xem đây là cơ hội thay máu kinh tế. Chúng ta nên dành nguồn lực thỏa đáng cho bộ phận mang lại hiệu quả,” ông Thiên nói. Đồng thời, ông còn nhấn mạnh: nên sử dụng một phần nguồn lực để khuyến khích các start-up phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nhân mới.
Có thể nói, ý tưởng của ông Thiên có tính đột phá, song rất khó khả thi bởi một vài điểm như sau:
Thứ nhất, các DNVVN Việt Nam dù sao cũng đang là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp không nhỏ cho ngân sách, thậm chí còn hơn cả khối FDI và nhà nước. Cho nên, việc hy sinh khu vực này chắc chắn sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng.
Thứ hai, chúng ta trên thực tế vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phần lớn đại gia tư nhân của Việt Nam như Vingroup, Sun Group, FLC, … đều đi lên từ bất động sản hoặc lấy bất động sản làm nền tảng, hoạt động lấn sân sang lĩnh vực hàng không, giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghiệp, công nghệ cao, … chưa chứng tỏ được nhiều hiệu quả. Ngay đến THACO, mặc dù đã xác lập được vị thế trong ngành công nghiệp ô-tô, song tỷ lệ nội địa hóa hãy còn rất thấp (dưới 40%), và gần đây tập đoàn này còn có biểu hiện phân tán bớt nguồn lực sang bất động sản, đầu tư tài chính, nông nghiệp … thay vì tập trung cho kỹ nghệ. Hay FPT chủ yếu vẫn đang hoạt động như một nhà cung cấp dịch vụ và outsource. Còn Viettel và các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, vốn từ lâu đã nhận không ít ưu đãi, như vậy cần phải hỗ trợ đến mức nào nữa?
Thứ ba, dù đã được cải thiện nhiều, nhưng cho đến nay vấn đề cốt lõi của kinh tế Việt Nam có lẽ nằm ở thể chế và chính sách nhiều hơn là nội tại doanh nghiệp. Nhiều năm qua, hầu hết doanh nghiệp Việt, không chỉ riêng DNVVN vẫn không thể lớn mạnh, thiếu đầu tư cho R&D và ứng dụng khoa học công nghệ, phần lớn là do những bấp cập, rào cản, cùng sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận nguồn lực, bao gồm vốn vay. Chẳng hạn, hệ thống ngân hàng thương mại thường khá dễ dãi trong việc đổ vốn cho những dự án bất động sản, nhưng lại dè dặt và chặt chẽ đối với các kế hoạch khởi nghiệp công nghệ, khiến nhiều start-up chật vật kêu gọi vốn, và kể cả có vay được thì cũng phải chịu lãi suất không mấy thoải mái.
Thứ tư, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy: những chính sách vung tiền cứu doanh nghiệp thường khá rối rắm, khó thực hiện và cũng không mang lại hiệu quả rõ ràng, chưa kể nguy cơ tham nhũng, sai phạm do cơ chế xin cho. Thay vào đó, chúng ta nên ưu tiên cứu một số ngành chủ lực, bởi đây là việc đơn giản, dễ thực hiện và mang lại tác dụng nhanh hơn. Trong số các ngành cần cứu, phải kể đến du lịch, giáo dục, sản xuất thâm dụng lao động và phục vụ xuất khẩu, … Phương pháp giải cứu cũng không cần quá phức tạp, không nên bơm nhiều tiền, chỉ cần miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho lao động của ngành, và cả thuế VAT – ở một tỷ lệ phù hợp theo tính toán (để đảm bảo nhà nước vẫn có ngân sách trang trải hoạt động) – trong vài năm. Trong khi du lịch chính là lĩnh vực xuất khẩu tại chỗ, thu ngoại tệ nhanh nhất và bao trùm nhiều ngành dịch vụ khác như vận tải (bao gồm cả hàng không), nghỉ dưỡng, nhà hàng, ăn chơi giải trí, … thì dệt may, da giày, điện tử, phần mềm, … đang tạo công ăn việc làm và quyết định sinh kế của hàng triệu lao động, cho nên rất cần được ưu tiên. Còn việc hỗ trợ ngành giáo dục, nhất là ở các bậc học nhỏ như mầm non, tiểu học, … với cách làm cũng không khó lắm như miễn giảm tiền điện, nước, phí internet, tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ ăn trưa, sách vở cho trẻ nhỏ, … sẽ mang lại hiệu ứng tốt, giúp củng cố niềm tin xã hội, khiến người lớn yên tâm làm việc và đóng góp vào sự phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, nhà nước cần dứt khoát tinh gọn bộ máy và thực hành chi tiêu tiết kiệm, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa, sớm thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước để nhường sân cho khu vực tư nhân năng động. Điều này chắc chắn sẽ mang lại ý nghĩa tích cực trong lâu dài. Ngoài ra, chính phủ cũng nên tăng và áp một số loại thuế đặc biệt để chống nạn đầu cơ bất động sản, nhưng cần giảm thuế xăng dầu hay gỡ bỏ các trạm BOT, … giúp người dân trở nên “dễ thở” hơn.