Trung Quốc, từ một quốc gia gia công số 1 thế giới, chuyển mình trong vài năm gần đây với những “đế chế” thương mại điện tử khổng lồ, các công ty truyền thông và sản phẩm kỹ thuật số rất lớn, và đặc biệt là số lượng các khởi nghiệp kỳ lân (trị giá hơn 1 tỷ USD) xuất hiện rất nhiều. Startup Việt học được gì từ môi trường “gần mà xa” này?
Vài năm trước đây, khi nhắc đến Trung Quốc, mình sẽ dễ liên tưởng đến những tiểu thuyết kiếm hiệp đậm chất anh hùng ca như: Anh Hùng Xạ Điêu, Thiên Long Bát Bộ cùng kế hoạch sẽ lần lượt đặt chân đến những ngọn núi nổi tiếng anh hùng tụ họp như Nga My, Võ Đang hay Thiếu Lâm Tự.
Chỉ đến 2017 khi qua gặp các công ty công nghệ đứng đầu ở Indonesia, nghe họ chia sẻ: “Chúng tôi thực ra cũng qua Trung Quốc xem có mô hình gì mới rồi... copy về làm theo”, thì lúc này mới bớt “gà” hơn, thấy cần cập nhật Trung Quốc hơn, thì mỗi năm mình cũng phải qua ít nhất 1-2 lần để cập nhật tình hình thị trường mới được.
1. Ấn tượng đầu tiên về thị trường Trung Quốc là quy mô khủng.
Ánh xạ qua Việt Nam thì tương đối thường chia cho... 100 lần. Nếu Trung Quốc có công ty vài trăm tỷ thì Việt Nam dự sẽ có công ty vài tỉ, công ty vài chục tỉ thì Việt Nam sẽ có vài trăm triệu. Còn nếu lĩnh vực đó mới có công ty vài trăm triệu thì chắc thôi khỏi làm, bởi bé quá đi chém với anh em/nhà đầu tư nghe thôi cũng nản nữa là.
2. Ấn tượng tiếp đến là quy mô số kỹ sư.
Các công ty đứng đầu Trung Quốc hiện nay có từ 20.000-30.000 kỹ sư, so với Mỹ 50.000-60.000. Nên việc các công ty nước ngoài hay startup mới mở rộng lên vài ngàn kỹ sư thì cũng bình thường. So sánh qua Việt Nam thì mở rộng lên tầm 200-300 thôi cũng đã là thách thức. Nên việc triển khai những hướng mới ở quy mô trung bình trở lên cũng hạn chế.
3. Rồi với diện tích Trung Quốc rất rộng, gấp gần 30 lần Việt Nam thì sẽ khó có công ty nào triển khai hệ thống vật lý ở khắp nơi được. Ví dụ hệ thống siêu thị điện thoại điện máy lớn nhất Suning mới có khoảng 2000 cửa hàng, chủ yếu ở các thành phố lớn cấp 3 trở lên. Điều này tạo cơ hội cho các công nghệ như Alibaba chạy nhanh lấp vào khoảng trống và chiếm lĩnh thị trường. So với Việt Nam diện tích nhỏ thì việc có 2000 cửa hàng như Thế giới Di động thì đã gần như phủ phần lớn ngóc ngách, nên cơ hội cho các công ty Thương mại Điện tử cũng sẽ ít hơn.
4. Rồi khi mở rộng chạm ngưỡng thị trường trong nước, thì để tiếp tục tăng trưởng, các công ty Trung Quốc bắt đầu nhìn các nước xung quanh gần nhà để mở rộng. Với tinh thần chiến đấu ở một thị trường khốc liệt tỉ dân, tốc độ mở rộng nhanh và hành động quyết liệt, không có gì ngạc nhiên khi các công ty Trung Quốc hay nhà sáng lập gốc Trung đang làm mưa làm gió ở Đông Nam Á trong các lĩnh vực điện thoại, trò chơi trực tuyến hay thương mại điện tử. Vẫn nhớ cảm giác khi ngồi trên tàu cao tốc từ Tây An lên Bắc Kinh, đi xuyên qua các thành phố công nghiệp lớn của Trung Quốc.
Cảm giác khá thú vị, thấy bắt đầu hiểu thêm về tinh thần Trung Hoa ngoài thực tế thay vì trong các bộ phim anh hùng kiếm hiệp. Trung Quốc có thể lỡ nhịp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất nhưng với niềm kiêu hãnh của một quốc gia vốn đã từng là đất nước mạnh nhất thế giới trong phần lớn thời gian lịch sử, lẽ dĩ nhiên họ sẽ nỗ lực tìm lại vị thế vốn có của mình. Họ đã dần vươn lên đẳng cấp thế giới trong các lĩnh vực như: xây dựng, tàu cao tốc, mobile Internet và đang tiếp tục tiến lên chiếm lĩnh các lĩnh vực hiện đại hơn như 5G, AI, năng lượng hạt nhân cho đến khi gặp phải một đối thủ khó chịu là... Donald Trump.
Quay lại thực tế thì thôi giờ về cũng dần phải học hỏi tư duy thị trường tỉ dân, để nhìn thị trường ASEAN đơn giản và bớt phức tạp hơn. Rồi phải kết hợp thêm phương pháp quản trị kiểu Mỹ, đổi mới, đột phá liên tục thì dự mới sống tốt nổi trước áp lực tương lai từ các công ty Trung Quốc.