Tại COP26 vừa qua, các tham luận viên đến từ GSI, DNB, IDH, Ivey Foundation,… đã trình bày lý do cùng cách thức mà lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sứ mệnh cắt giảm lượng khí thải nhà kính và chuyển dịch hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu.

 Hội thảo: Mô hình thúc đẩy tiến bộ trên toàn ngành để đáp ứng mục tiêu khí hậu và hệ thống thực phẩm.

Hội thảo: Mô hình thúc đẩy tiến bộ trên toàn ngành để đáp ứng mục tiêu khí hậu và hệ thống thực phẩm.

Trong một hội thảo do GSI (Sáng kiến Cá hồi Toàn cầu) điều hành, bà Sophie Ryan – CEO của GSI – nhấn mạnh: hiện có đến 50% doanh nghiệp nuôi cá hồi trên thế giới cam kết đặt “bền vững” (sustainability) là tiêu chí cốt lõi trong chiến lược kinh doanh, và họ thực sự đang tạo ra những thay đổi có khả năng lượng hóa được. “Chúng tôi biết rõ mô hình kinh doanh truyền thống là không đủ để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và thách thức mà hệ thống sản xuất thực phẩm đang phải đối mặt. Chúng ta rất cần những thay đổi căn bản, nhanh và trên quy mô lớn. GSI xuất hiện với mong muốn thúc đẩy các mục tiêu tham vọng đó thông qua hoạt động đổi mới và trao đổi tri thức. Mô hình này cũng không nhất thiết chỉ giới hạn trong ngành NTTS mà hoàn toàn có thể và cần được nhân rộng sang nhiều lĩnh vực khác,” Ryan lập luận.

Với kinh nghiệm phong phú tại các thị trường mới nổi, Lisa van Wageningen – chuyên gia cấp cao từ IDH – nhấn mạnh tầm quan trọng của “cộng tác” (collective works) để thúc đẩy sự chuyển đổi trong ngành. Bà lưu ý, chúng ta cần đặt mục tiêu nhưng không nên quá “máy móc”, mà thay vào đó, doanh nghiệp cần hành động. Kinh nghiệm của IDH cũng cho thấy, một khi doanh nghiệp bắt tay vào làm, những lĩnh vực cần cải tiến sẽ được xác định và tiến bộ dần xuất hiện. Thông qua các sáng kiến như IDH’s Farmfit Fund – quỹ thúc đẩy đầu tư theo mô hình hợp tác công tư (public-private impact fund) lớn nhất thế giới cho người canh tác nhỏ, những vướng mắc liên quan đến tài chính có thể được tháo gỡ kéo theo hiệu quả cải thiện môi trường.

Tài chính luôn là chìa khóa, không chỉ để tài trợ cho các cải tiến cần thiết mà còn định hướng đúng những nỗ lực và nguồn vốn. Diễn giả Dag Sletmo, phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hà Lan (DNB), đã giới thiệu một loại trái phiếu xanh (green bond) – ra đời để thúc đẩy sự chuyển dịch của khu vực tư nhân sang các hoạt động ngày càng bền vững. “Khu vực tư đang đối mặt với những áp lực ngày càng lớn từ các chính phủ, công chúng, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận,… buộc phải cắt giảm phát thải. Vì thế, những ai chậm chân sẽ không còn được các nhà tài trợ và định chế tài chính ưu tiên,” ông cảnh báo.

Bruce Lourie, chủ tịch Ivey Foundation, thừa nhận khu vực tư nhân sở hữu các nguồn lực và tri thức to lớn, nhưng nhấn mạnh những lợi thế này cần được khai thác đúng đắn, kết hợp với các chính sách công thuận lợi để thúc đẩy sự tiến bộ, không chỉ mang ý nghĩa môi trường mà còn cả kinh tế. Trong phần thảo luận, các diễn giả cũng nêu bật sự cần thiết của một vài cơ chế đóng vai trò xúc tác giúp đẩy nhanh tiến trình như kết nối, tập hợp chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết tài chính và tập trung nỗ lực cho những mục tiêu cụ thể (lượng hóa được).

NTTS có thể không phải là lĩnh vực được mọi người nghĩ đến đầu tiên khi bàn về sự thay đổi mang tính căn bản. Tuy nhiên, với vị thế đi đầu, tinh thần lãnh đạo để cạnh tranh cùng các thành tích đã đạt được trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm lành mạnh, không hoặc ít phát thải, ngành NTTS hoàn toàn có khả năng và động lực để dẫn dắt sự chuyển dịch của hệ thống sản xuất thực phẩm toàn cầu.